Anime Nhật hút giới đầu tư
Nguồn tài chính và công nghệ mới đang đổ vào anime nhằm đưa ngành này tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trên toàn cầu.
Theo Variety, hai tập đoàn tài chính và công nghiệp lớn nhất Nhật Bản đang âm thầm bắt đầu đầu tư vào ngành anime Nhật Bản, lĩnh vực hấp dẫn nhất trong ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình nước này.
Tiềm năng tăng trưởng hấp dẫn của ngành anime
Marubeni, phát triển từ giao thương ngũ cốc, hóa chất và giấy nhưng đã đa dạng hóa để trở thành gã khổng lồ thương mại và là tập đoàn lớn thứ 13 của Nhật Bản. Gần đây, họ cho biết đang nhắm đến thị trường manga và anime đang bùng nổ thông qua một liên doanh mới với nhà xuất bản hàng đầu nước này Shogakukan.
Trong khi đó, Mizuho Securities, trực thuộc liên minh kinh doanh Mizuho Keiretsu, cũng tiết lộ trong tháng này sẽ ra mắt quỹ tài chính chuyên về đầu tư phim hoạt hình. Họ sẽ huy động tài chính từ các tổ chức và cá nhân giàu có với số vốn bắt đầu từ 300 triệu JPY (200.000 USD) mỗi bên tham gia và cho biết họ đặt mục tiêu huy động được 15 triệu USD vào cuối năm nay.
Sau đó, Mizuho sẽ làm việc với Questry, một công ty khởi nghiệp blockchain và Ngân hàng Hoàng gia để triển khai các đợt đầu tư vào một số phim hoạt hình mới của Nhật Bản mỗi năm.
Những ông lớn này đang nhìn thấy sự thành công ngày càng tăng trên trường quốc tế của phim hoạt hình Nhật Bản. Thời gian qua, những đầu phim hoạt hình như Doraemon của Shogakukan và Shin-Ei Animation, Demon Slayer của Shueisha và Ufotable, hay Detective Conan và One Piece đều đã trở thành những thương hiệu nhượng quyền toàn cầu có giá trị lớn.
Ngoài ra, các phim như The Boy and the Heron của Studio Ghibli và Suzume của CoMix Wave-Toho đều đã mang về doanh thu khoảng 100 triệu USD chiếu rạp chỉ tính riêng thị trường Trung Quốc.
Về phía giới đầu tư, Sony đã mua lại và trẻ hóa hãng sản xuất và phát anime chuyên biệt Crunchyroll. Đồng thời, Netflix cũng tham gia và đang trở thành một nhà đầu tư lớn khác trong lĩnh vực hoạt hình/anime.
Chính phủ Nhật Bản dưới thời của Thủ tướng Kishida Fumio cũng đang mong muốn thúc đẩy nền giải trí Nhật Bản sánh ngang với K-pop và phim truyền hình Hàn Quốc.
Trong một đề xuất vào tháng trước, ông nói: “Anime, manga, âm nhạc và các nội dung nghệ thuật khác là những tài sản mà chúng ta nên tự hào”. Ông cho rằng nội dung giải trí có thể có danh mục xuất khẩu sánh ngang với thép và chất bán dẫn.
Nguồn đầu tư mang hy vọng cải tổ
Ông Shuichiro Tomihari, giám đốc bộ phận đầu tư của Mizuho, nói rằng ông hy vọng sẽ “tạo cơ hội đầu tư cho bên thứ ba và đẩy nhanh quá trình hồi sinh ngành công nghiệp hoạt hình”.
Các nguồn đầu tư mới có thể giúp cải thiện hai vấn đề khó khăn ngành hoạt hình/anime Nhật Bản hiện phải đối mặt: thiếu hụt họa sĩ hoạt hình (do lương thấp và thời gian làm việc dài khiến những người mới e ngại) và ngân sách sản xuất đang bị thấp hơn so với các cường quốc khác như Mỹ hay Trung Quốc.
Lượng công việc tồn đọng trong ngành phim hoạt hình/anime Nhật Bản được cho là có thể kéo dài 2-3 năm và cũng đang khiến nhiều hãng phim hàng đầu cân nhắc chuyển việc gia công sản xuất sang các quốc gia như Philippines hoặc Việt Nam.
Như vậy, mối đe dọa từ các đối thủ nước ngoài, nguy cơ chuyển hoạt động sản xuất sang các thị trường khác và sự xuất hiện của AI đã đặt ra nhu cầu bức thiết cải tổ ngành hoạt hình/anime Nhật Bản cùng một lượng lớn vốn đổ vào.
Sự tham gia của Marubeni đánh dấu bước đột phá đầu tiên của gã khổng lồ công nghiệp 168 tuổi này vào lĩnh vực giải trí. Marubeni chia sẻ trong một tuyên bố. “Doanh số bán nội dung Nhật Bản ở nước ngoài vào năm 2022 là khoảng 4,7 nghìn tỷ JPY (2,9 tỷ USD). Sự phổ biến của manga và anime Nhật Bản đang tăng lên nhanh chóng”.
Họ cũng chỉ ra những điểm yếu ngành anime nước này cần khắc phục. “Thiếu mạng lưới phân phối trực tiếp và cửa hàng bán lẻ đồng nghĩa với việc không thể cung cấp nội dung hấp dẫn đến người hâm mộ trên toàn thế giới. Tình trạng này đã dẫn đến sự gia tăng các sản phẩm vi phạm bản quyền và bức thiết cần một hệ thống đảm bảo phân phối các sản phẩm hợp pháp”, theo tuyên bố của Marubeni.
Ngoài hai ông lớn Marubeni và Mizuho, nhiều động thái đầu tư tài chính khác dường như cũng đang diễn ra. Đầu tháng này, quỹ đầu tư Phillip Securities có trụ sở tại Singapore cho biết họ đã huy động được hơn 2 triệu USD cho bộ phim chuyển thể người thật Treasure Island, được chuyển thể từ tiểu thuyết của Shindo Junjo và có sự tham gia của Tsumabuki Satoshi.
Hay vào giữa tháng 6, công ty quản lý quỹ đầu tư lớn nhất thế giới Blackstone đã đề nghị mua lại nhà cung cấp truyện tranh điện tử Nhật Bản Infocom Corp với giá 1,7 tỷ USD.
Nguồn Znews: https://znews.vn/anime-nhat-hut-gioi-dau-tu-post1488528.html