ANZ chỉ ra lý do có thể giúp giá vàng phá kỷ lục trong năm nay
Tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ) dự báo giá vàng có thể lên tới 2.100 USD/ounce vào cuối năm nay và 2.200 USD/ounce vào cuối 2024.
Sáng nay, giá vàng trong nước không có nhiều biến động. Giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giữ nguyên so với mức chốt phiên hôm qua, tại 66,65 - 67,20 triệu đồng/lượng.
Tại DOJI, giá niêm yết đầu giờ sáng là 66,60 - 67,20 triệu đồng/lượng; Phú Quý 66,55 - 67,15 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn 99,99 của SJC tương tự, cũng giữ nguyên mức giá 56,50 - 57,50 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, trong phiên giao dịch ngày 15/5 tại thị trường Mỹ (đêm qua giờ Việt Nam), giá vàng đã giao ngay đã tăng nhẹ 5,7 USD mỗi ounce, lên mức 2.016,2 USD/ounce.
Giá vàng tăng khiêm tốn trong bối cảnh các nhà đầu tư đang chờ đợi các thông tin đầu vào cơ bản mới ở phía trước, bao gồm các cuộc đàm phán nhằm giữ cho chính phủ Hoa Kỳ không bị vỡ nợ, giữa Nhà Trắng và Quốc hội. Các báo cáo cho biết các nhà lãnh đạo Quốc hội và Tổng thống Biden có thể sẽ gặp nhau vào thứ Ba.
Trong báo cáo mới của mình, Tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ) đã dự báo về giá vàng có thể đang xem xét một phạm vi rộng từ 1.900 đến 2.100 USD khi nhu cầu của các nhà đầu tư ETF (các quỹ hoán đổi danh mục) có thể trỗi dậy trước nguy cơ suy thoái kinh tế mới.
Chiến lược gia hàng hóa của ANZ Daniel Hynes và Soni Kumari cho biết, vàng phải phá vỡ ngưỡng kháng cự quan trọng là 2.062 USD để có thể thấy một bước tiến đáng kể khác cao hơn. “Việc vượt qua mức này có thể kích hoạt hoạt động mua kỹ thuật mới để giá vàng có thể đạt được vùng 2.100 USD/ounce” – chuyên gia ANZ nhận định.
ANZ dự kiến vàng sẽ đạt 2.100 USD/ounce vào cuối năm nay và 2.200 USD/ounce trong nửa cuối năm tới. Theo ngân hàng này, bất kỳ sự giảm giá nào cũng sẽ được các nhà đầu tư coi là cơ hội mua.
Một động lực mới quan trọng là nhu cầu ETF, cuối cùng cũng đã công nhận giá trị của vàng trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế mới.
Các chuyên gia kỳ vọng dòng tiền ETF vàng sẽ chuyển biến tích cực trong thời gian còn lại của năm nay. "Các vấn đề của ngành ngân hàng Mỹ, lãi suất tăng cao và sự không chắc chắn xung quanh trần nợ đang làm giảm triển vọng kinh tế và thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng" – báo cáo của ANZ nhận định.
Mặc dù Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã trấn an thị trường rằng hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ "lành mạnh và kiên cường", nhưng lo ngại về rủi ro lan truyền vẫn chi phối giao dịch.
Gần 500 điểm tăng lãi suất trong năm qua đang gây áp lực lên hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ. Điều này có thể thúc đẩy các nhà đầu tư tăng phân bổ chiến lược cho vàng để phân hóa rủi ro. Lượng vàng ETF nắm giữ đã tăng ròng 56 tấn kể từ cuộc khủng hoảng Ngân hàng SVB.
Một ẩn số lớn khác là cuộc khủng hoảng trần nợ của Hoa Kỳ, với hạn chót là ngày 1/6 tới đây. Trong các cuộc đàm phán về giới hạn nợ năm 2011, Mỹ đã bị hạ xếp hạng tín dụng, dẫn đến đồng đô la Mỹ giảm giá và giá vàng cao hơn. Trong năm 2011, tổng dòng vốn ETF lên tới 161 tấn vàng cho đến khi trần nợ được nâng lên vào tháng 8/2011.
Trên hết, nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, với nhiều nhà phân tích dự đoán một cuộc suy thoái trong nửa cuối năm nay. Thêm vào đó, căng thẳng Mỹ -Trung và hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương đang thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn của vàng.
ANZ chỉ ra rằng các thị trường mới nổi đang tích trữ kim loại quý như một cách để tránh các lệnh trừng phạt, đồng thời lưu ý rằng Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước mua vàng hàng đầu trong thập kỷ qua.
Một khía cạnh khác của xu hướng tăng giá của vàng mà các chuyên gia chỉ ra, là sự mất giá của đồng đô la Mỹ. Chuyên gia ANZ đưa ra thống kê, kể từ những năm 1970, chỉ số đô la Mỹ đã mất 20% về giá trị danh nghĩa, trong khi vàng đã tăng 51 lần.
Đồng đô la Mỹ đang có xu hướng giảm kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 9 năm 2022, và tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng như những lo ngại về trần nợ có thể dẫn đến mất thêm niềm tin vào đồng đô la Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra một rủi ro đối với thị trường kim loại quý nếu Fed bất ngờ “quay xe”, không tạm dừng chu kỳ thắt chặt vào tháng 6. Mặc dù đã tuyên bố có thể tạm dừng thắt chặt, nhưng lạm phát cơ bản kéo dài và thị trường lao động mạnh mẽ có thể khiến cơ quan này có những động thái khác với dự đoán.
Và bất kỳ động thái “diều hâu” nào của Fed cũng có thể kích hoạt một đợt bán tháo xuống còn 1.900 USD.