Ao cá Bác Hồ của người H'rê trên đỉnh Đông Trường Sơn

Hơn 46 năm từ khi phong trào 'Ao cá Bác Hồ' lan tỏa, người Hrê (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn gìn giữ ao cá xưa như một di sản vô giá.

Người H’rê đắp ao, thả cá tưởng nhớ Người

Năm 1979, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” được phát động trên toàn quốc. Người dân H’rê (ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) cũng nhiệt tình hưởng ứng, vận động người dân đào ao, thả cá.

Khi ấy, ông Đinh Văn Tơ (nguyên Bí thư huyện ủy Sơn Hà) đang giữ chức Bí thư Huyện đoàn và được giao nhiệm vụ huy động đoàn viên thanh niên thị trấn Di Lăng xây dựng ao cá Bác Hồ. Trong ký ức của ông, những ngày ấy, cả làng rộn ràng khí thế. Hơn trăm thanh niên hăng hái đào ao, be bờ, đắp đập, dẫn nước từ suối vào đám ruộng lầy ở xóm Mẹ Đũa.

Ao cá Bác Hồ nằm trong Trung tâm Bảo tồn văn hóa H’rê huyện Sơn Hà

Ao cá Bác Hồ nằm trong Trung tâm Bảo tồn văn hóa H’rê huyện Sơn Hà

“Thuở đầu đào ao cá vất vả lắm, lúc đó chưa có máy móc hiện đại như bây giờ, hầu hết anh em chỉ dùng cuốc, xẻng thủ công. Đổ bao nhiêu công sức, nhưng bờ ao vẫn liên tục bị vỡ, phải sửa chữa qua 2 - 3 lần. Về sau, tôi nhờ huyện xin xe máy múc để san gạt, đắp bờ kiên cố”, ông Tơ nhớ lại.

Sau khi hoàn thiện, chính quyền địa phương phối hợp cùng người dân tìm nguồn cá giống để thả xuống ao. Những loài được lựa chọn chủ yếu là các loại cá dễ nuôi, sinh trưởng nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao như cá rô phi, cá trắm cỏ...

Ông Tơ cho biết: “Những năm đầu sau khi hoàn thành ao cá Bác Hồ, vụ thu hoạch đầu tiên ngoài mong đợi. Cá nuôi phát triển nhanh, con nào cũng to khỏe, thu được hơn một tấn cá. Người dân nơi đây vô cùng phấn khởi, xem ao cá Bác Hồ không chỉ là công trình ý nghĩa mà còn là nguồn sinh kế thiết thực cho cộng đồng”.

Từ khi ao cá Bác Hồ ở Di Lăng hoàn thành, phong trào nhanh chóng lan tỏa ra các khu vực lân cận. Nhiều địa phương đồng loạt hưởng ứng, với quyết tâm mỗi nơi đều xây dựng một ao cá Bác Hồ. Ở cấp huyện thì làm quy mô lớn; cấp xã, làm nhỏ hơn.

Theo thời gian, những “Ao cá Bác Hồ” dần trở thành những “kho thực phẩm” quý giá giữa vùng núi, góp phần giải quyết hiệu quả bài toán hậu cần tại chỗ. Không chỉ mang ý nghĩa tinh thần, mô hình ao cá Bác Hồ còn đặt nền móng cho sự phát triển của nghề nuôi cá nước ngọt và ngành nuôi trồng thủy sản tại tại địa phương.

Giá trị văn hóa mãi trường tồn trong đồng bào H’rê

Đến năm 1998, ao cá Bác Hồ được giao cho ông Đặng Mạnh Dũng và vợ là bà Ngô Thị Hằng, những người sinh sống gần ao, tiếp tục chăm sóc, gìn giữ và phát huy giá trị của công trình. Trong những năm đầu, gia đình ông bà thả nuôi nhiều loại cá như cá trắm cỏ, cá mè, cá trôi, cá rô phi..., mỗi năm thu hoạch 1 lần.

Bà Ngô Thị Hằng từng là người trông coi Ao cá Bác Hồ trước đó

Bà Ngô Thị Hằng từng là người trông coi Ao cá Bác Hồ trước đó

Tuy nhiên, việc nuôi cá không duy trì được lâu dài do gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ, nước dâng cao khiến cá thường bị trôi ra ngoài. Để tăng thêm thu nhập, gia đình ông bà quyết định mua giống sen về trồng kết hợp trong ao.

Bà Hằng cho biết: “Từ khi trồng kết hợp sen và nuôi cá, đã đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình. Mỗi vụ sen, nhà tôi thu hoạch được khoảng 5 tạ hạt. Mùa sen kéo dài từ tháng 2 đến tháng 9, khi sen nở rộ, rất đông người dân và học sinh tìm đến tham quan, chụp ảnh”.

Hiện, ao cá Bác Hồ đã được bàn giao cho huyện để xây dựng phương án cải tạo thành hồ sinh thái. Với diện tích khoảng 2.000m², công trình này là một trong những hợp phần quan trọng thuộc Dự án Trung tâm Bảo tồn Văn hóa H’rê tại huyện Sơn Hà.

UBND huyện Sơn Hà đã quy hoạch xây dựng Trung tâm Bảo tồn văn hóa H’rê với tổng diện tích 25ha. Trung tâm bao gồm các hạng mục: Nhà truyền thống H’rê, không gian sinh hoạt cộng đồng, điểm vọng cảnh, tuyến xe đạp khám phá thiên nhiên, chòi nghỉ chân, Ao cá Bác Hồ, đường dạo ven ao cá Bác Hồ, ruộng lúa hiện trạng, khe suối cảnh quan, trung tâm hội nghị, biệt thự nghỉ dưỡng...

Ông Phan Anh Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết, hiện dự án Trung tâm Bảo tồn văn hóa H’rê vẫn đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, địa phương hướng đến xây dựng nơi đây trở thành điểm đến, điểm tham quan học tập, trải nghiệm, khám phá, bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc.

Phong trào “Ao cá Bác Hồ” được phát động vào năm 1979, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ khi bắt đầu, phong trào đã đặt nền móng cho sự phát triển của ngành nuôi thủy sản gắn liền với hiệu quả kinh tế ở nhiều địa phương.

Dù theo thời gian, cùng với sự chuyển mình của nền kinh tế, phong trào không còn sôi nổi như trước, nhưng tại huyện Sơn Hà, "Ao cá Bác Hồ" vẫn được gìn giữ, tôn tạo. Không chỉ mang giá trị thực tiễn, đây còn là biểu tượng thiêng liêng thể hiện lòng kính yêu của đồng bào H’rê đối với Bác Hồ kính yêu.

Bình An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ao-ca-bac-ho-cua-nguoi-hre-tren-dinh-dong-truong-son-388093.html