'Áo dài - sắc phục dân tộc ngày tết' nét đẹp văn hóa tinh thần
'6.000 bộ áo dài - sắc phục dân tộc ngày tết' là 1 trong 6 công trình trọng tâm được Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa tập trung chỉ đạo các cấp hội thực hiện hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã thực sự lan tỏa.
Trang phục truyền thống áo dài của người Việt Nam gắn bó với bao thăng trầm của lịch sử và trải qua không ít giai đoạn thay đổi, phát triển. Áo dài thường được chọn trong những dịp quan trọng như: Lễ, tết, mừng thọ, đám cưới, các sự kiện quan trọng... thể hiện khí chất, thần thái của người mặc thông qua màu sắc, chất liệu, kiểu dáng. Đặc biệt, mỗi dịp tết đến, xuân về tà áo dài lại xuất hiện như một điểm nhấn không thể thiếu trong mỗi gia đình giữa nhịp sống hiện đại hối hả.
Hình ảnh áo dài tết đã trở nên thân thuộc ở nhiều vùng miền. Mặc dù thị trường thời trang phát triển, nhưng áo dài vẫn khó bị “soán ngôi”.
Dù là nam hay nữ, khi khoác lên mình chiếc áo dài cũng đều vô cùng cuốn hút, tôn lên vẻ đẹp cơ thể người phụ nữ, nét đẹp đậm đà hình thể, thanh lịch của người đàn ông. Đặc biệt, trong dịp mừng năm mới, chúc tết ông bà, cha mẹ, chiếc áo dài càng trở nên trang trọng, lịch lãm hơn.
Áo dài còn được nhiều bé yêu thích.
Ở vùng giáp biên còn nhiều khó khăn, phụ nữ thôn Vịn, xã Bát Mọt (Thường Xuân) trong sắc phục dân tộc Thái quây quần gói bánh chưng xanh toát lên vẻ đẹp rắn rỏi của phụ nữ vùng miền núi.
Đón Xuân Nhâm Dần, dù bận rộn nhiều công việc, nhưng chị em phụ nữ xã Lâm Phú (Lang Chánh) vẫn dành thời gian trang điểm cho nhau và diện trang phục dân tộc mình.
Trong trang phục dân tộc mình, chị em phụ nữ tự tin, phấn khởi tham gia nhảy sạp ngày tết.
Dù ở miền núi hay đồng bằng, những ngày Tết Nhân Dần 2022, ở khắp mọi miền quê đều sặc sỡ sắc màu áo dài, sắc phục dân tộc. Các chị em cho rằng mặc chiếc áo dài hay trang phục dân tộc mình đi du xuân, chắc hẳn sẽ cảm nhận được hết hương vị của ngày tết truyền thống Việt Nam.