Áo dài 'Vũ điệu hóa Rồng' bên cổ vật thời Nguyễn
Trong không gian đặc biệt của di tích Đoan Môn, cùng với các cổ vật quý hiếm thời Nguyễn, vẻ đẹp các bộ áo dài chủ đề 'Vũ điệu hóa Rồng' thuộc BST 'Cá chép hóa Rồng' càng được tôn rõ nét.
Các thiết kế áo dài Vũ điệu hóa Rồng với tạo hình rồng từ những chiếc vẩy rồng, râu rồng, khéo léo và kỳ công. Kỹ thuật treo rồng tạo hình trên rất nhiều sợi hạt pha lê và ngọc trai. Đây có thể nói là những thiết kế kỳ công nhất của NTK Phương Hồ từ trước đến nay với mong muốn gửi gắm những thông điệp có ý nghĩa văn hóa và lịch sử. 10 bộ áo dài đặc biệt được thiết kế trên nền vải gấm họa tiết nổi cứng cáp, đính kết hạt ngọc trai, hạt đá, các vảy rồng, râu rồng… Hình rồng, hình mây treo trên áo tạo nên thế rồng bay sống động mà vẫn thân thiện với người mặc.
Những bộ áo dài chủ đề Vũ điệu hóa Rồng được các người mẫu thể hiện tại một không gian đặc biệt: Cổng thành Đoan Môn thuộc quần thể kiến trúc Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới có lịch sử khởi dựng từ thời Lý, tu bổ sửa sang vào thời Nguyễn và vẫn được lưu giữ nguyên vẹn cho tới ngày nay. Bên trong kiến trúc mái vòm cao 4m, rộng 2,7m được xây bằng đá và gạch vồ, BTC đã đặt bình phong chạm cẩn, ghế, trụ gỗ, tranh mạ vàng… chạm khắc hình rồng tinh xảo có niên đại lịch sử từ thời Nguyễn.
Đây là những món đồ cổ quý hiếm của nhà sưu tầm cổ vật nổi tiếng Hoàng Văn Kim ở Hà Nội - người có sự am hiểu sâu sắc về các đồ vật chạm khảm có giá trị lâu đời. Năm 2017, ông từng đưa các cổ vật này triển lãm tại Festival nghề truyền thống Huế năm 2017 với chủ đề "Gấm vóc vàng son thời Nguyễn". Trong 30 năm qua, các cổ vật này đã được ông Hoàng Văn Kim sưu tầm từ nhiều nước trên thế giới, nhiều vùng miền trong cả nước, bảo quản cẩn thận để lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc. Đây là cách giáo dục truyền thống văn hóa rất có ý nghĩa mà gia đình mong muốn thế hệ con cháu sẽ kế thừa và tiếp nối.
"Cá chép hóa Rồng đã có chặng đường trình diễn suốt dọc đường đất nước, từ TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Phú Thọ và tiếp theo là Thủ đô Hà Nội. Ý tưởng thực hiện Cá chép hóa Rồng ở Hoàng Thành Thăng Long đã nhen nhóm từ lâu, với mong muốn cá chép đã vượt qua những chặng đường khó khăn nhất và khi hóa Rồng thì phải ở đất Thăng Long", NTK Phương Hồ bày tỏ.
Một số hình ảnh của bộ áo dài chủ đề "Vũ điệu hóa Rồng":