'Áo mới' Hai Riêng

Một góc trung tâm thị trấn Hai Riêng khang trang, hiện đại. Ảnh: VĂN THÙY

Trong các đô thị miền núi ở Phú Yên, thị trấn Hai Riêng của huyện Sông Hinh phát triển khá nhanh so với các đô thị khác. Thành lập vào năm 1985, thị trấn này cách TP Tuy Hòa 70km về phía tây, có khí hậu nhiệt đới gió mùa, ảnh hưởng khí hậu Tây Nguyên nên khá mát mẻ.

Ngược dòng thời gian

Trước năm 1985, buôn Hai Riêng thuộc xã Ea Bia, là núi rừng hoang vu, chỉ lác đác vài nhà ở ven đồi của đồng bào dân tộc. Thị trấn Hai Riêng được thành lập, gồm toàn bộ buôn Hai Riêng, có diện tích tự nhiên 1.400ha; quy hoạch khu trung tâm 92,5ha, các trục đường giao thông chính, vị trí các công trình công cộng như: trụ sở cơ quan hành chính, chính trị , cơ quan y tế, giáo dục…

Đi trên con đường nhỏ men theo bờ hồ, khi trời chiều buông xuống, những tia nắng sót lại xuyên qua đồi thông, đổ bóng vẽ những nét dài trên mặt hồ, lòng nao nao nhớ về 35 năm trước Hai Riêng còn hoang vu. Từ những bản vẽ trên giấy mà thầy trò đo đi vẽ lại nhiều lần để phác họa cho một đô thị hiện đại, nay đã trở thành sự thật.

Sau ngày tỉnh Phú Yên được tái lập (năm 1989), hệ thống giao thông của thị trấn Hai Riêng vẫn là đường đất đá, nhiều tuyến đường chưa được khai thông; các công trình công cộng, nhà ở xây dựng tạm. Cả thị trấn chỉ có trạm phát điện 100kVA, người dân dùng nước từ giếng đào.

Năm 1993, thị trấn được quy hoạch lại lần 2, với nội dung đồ án là: Tôn trọng địa hình không san ủi, vì đây là đô thị miền núi, giao thông theo các đường đồng mức; các đường phố chính rộng từ 20-25m, chỉ giới xây dựng lùi vào so với đường đỏ. Hồ Trung Tâm được xây dựng năm 1986, qua nhiều lần sửa chữa, nâng cấp hiện tại hồ có dung tích 1,4 triệu m3 nước; là lá phổi xanh, đem lại điều tốt lành cho đô thị này.

Các công trình công cộng không tập trung thành khu, mà phân đều trên các đường phố, xen lẫn với nhà ở tạo cho không gian kiến trúc sinh động, đô thị không buồn, nhất là về đêm. Chỉ tiêu cấp đất xây dựng nhà ở có vườn từ 300-500m2/căn hộ, nhà ở mặt phố từ 250-300m2/căn hộ, khu vực chợ từ 150-200m2/căn hộ, cá biệt có nơi cả 1.000m2/căn hộ; với ý tưởng “nhà trong vườn, vườn trong phố, đề cao kinh tế vườn nhà”.

Đến tháng 6/1996, thị trấn lại được điều chỉnh mở rộng, nhập thêm buôn Bách của xã Ea Bia và buôn Suối Mây của xã Ea Bá, vì thế diện tích của thị trấn tăng lên 3.117ha, dân số 4.200 người.

Thị trấn Hai Riêng nhìn từ trên cao. Ảnh: VĂN THÙY

Thị trấn Hai Riêng nhìn từ trên cao. Ảnh: VĂN THÙY

Không gian đô thị êm đềm

Hiện nay, thị trấn Hai Riêng có 11 khu phố và 5 buôn, dân số khoảng 14.000 người. Các công trình phúc lợi như y tế, trường học, công viên... được đầu tư xây dựng. Nội và ngoại thị đều có điện lưới quốc gia, Nhà máy nước Hai Riêng lấy nước từ sông Hinh, có công suất 5.000m3/ngày đêm, 95% dân cư dùng nước sạch. Các tuyến đường được khai thông và nhựa hóa, nhiều tuyến phố có không gian đẹp và sầm uất. Điều này cho thấy đô thị Hai Riêng đang có tốc độ phát triển nhanh, là “trái tim”, động lực thúc đẩy kinh tế, chính trị, xã hội vùng núi huyện Sông Hinh.

Thị trấn Hai Riêng nói riêng và huyện Sông Hinh nói chung có quốc lộ 29 nối với tỉnh Đắk Lắk đã được nâng cấp, mở rộng; cầu sông Ba đấu nối với trục dọc miền Tây đi thị trấn Củng Sơn và huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai cũng được xây dựng. Ngoài ra, các tuyến đường từ thị trấn đến các xã trong huyện đã được đầu tư xây dựng, thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa của người dân. Trên địa bàn huyện Sông Hinh còn có các nhà máy thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Krông Năng và nhiều hồ đập khác đã làm cho vùng đất đỏ bazan thêm trù phú.

Từ tầng 4 của trụ sở UBND huyện Sông Hinh, chúng ta có thể phóng tầm mắt nhìn xung quanh Hai Riêng, sẽ cảm nhận không gian đô thị êm đềm, nhà cửa chen nhau bên sườn đồi, toàn cảnh như tấm thảm đa sắc màu. Phía trước là đường Trần Hưng Đạo, nhà cửa khang trang, cây lá xanh tươi; phía tây là hồ Trung Tâm thị trấn uốn lượn theo sườn đồi, làn nước trong xanh. Công viên 25 Tháng 2 (tên công viên là ngày thành lập huyện Sông Hinh) đồi thông thơ mộng, rợp bóng cây. Cây cầu cong cong bắc qua hồ Trung Tâm sang buôn Lê Diêm... tạo nên không gian lãng mạn như Đà Lạt của Phú Yên.

Đi trên đường Trần Phú, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, vòng qua Bệnh viện Đa khoa huyện là đến ngã tư chợ - cửa ngõ của đô thị Hai Riêng. Có vào chợ mới thấy được nét đẹp văn hóa đồng bào các dân tộc nơi đây, mới chứng kiến được cảnh mua bán nhộn nhịp, sầm uất.

Trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc hay đêm thơ do huyện Sông Hinh tổ chức, bên ánh lửa trại bập bùng, âm vang nhịp cồng chiêng, men rượu nồng và những làn điệu dân ca của các dân tộc anh em Ê Đê, Mường, Tày, Nùng... hòa quyện vào nhau, làm lay động núi rừng.

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/235123/-ao-moi--hai-rieng.html