Sắp xếp không gian thờ tại các di tích bảo đảm thực hành tín ngưỡng cộng đồng

Hiện nay, tại một số địa phương, công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích xếp hạng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, còn để xảy ra tình trạng tự ý tiếp nhận đồ thờ, linh vật vào di tích không đúng quy định. Việc bài trí, sắp xếp không gian thờ chưa phù hợp với từng loại hình di tích; sự hiểu biết về giá trị, ý nghĩa của di tích chưa được thấu đáo. Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản hướng dẫn các địa phương sắp xếp không gian thờ tại những di tích đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt và cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Tín ngưỡng là một hình thức văn hóa tinh thần, là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống thể hiện mong muốn mang lại bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Nơi lưu giữ, tiếp nối và thực hành những lễ nghi chính là các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo do người dân, cộng đồng xây dựng và được phân cấp quản lý (gọi chung là di tích).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.888 di tích, nhiều di tích trong đó đã trở thành những địa chỉ tâm linh nổi tiếng, mang tính thiêng với những vị thần chủ sống mãi trong tâm thức người Việt, có sức lan tỏa nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống. Tuy nhiên, trong việc thực hành tín ngưỡng hiện nay đã xảy ra nhiều bất cập.

Hà Nam hiện có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt (đền Trần Thương, chùa Long Đọi Sơn); 94 di tích cấp quốc gia, trong đó chủ yếu là di tích thuộc loại hình đình, đền, chùa. Mỗi loại hình di tích đều có kiến trúc, cách bài trí không gian khác nhau. Tuy vậy, việc sắp xếp không gian thờ phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm tính nguyên gốc, tôn trọng phong tục, tập quán, tín ngưỡng thờ phụng của địa phương, bảo đảm bài trí đồ thờ, hiện vật đúng nguồn gốc xuất xứ, vị trí, chức năng. Đình là nơi thờ Thành hoàng các làng, nơi bảo tồn nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đồng thời là nơi hội họp, bàn việc của dân làng.

Ở Hà Nam, các di tích đình làng chiếm số lượng nhiều nhất. Các vị thành hoàng được thờ ở đình là người có công với dân, với nước, người lập làng, dựng ấp, sáng lập nghề,… Không gian thờ chính tại đình là đại đình và hậu cung. Đồ thờ chủ yếu là: sập thờ, hương án, đôi hạc, đèn, đế nến, bát hương, tam sơn, đỉnh ba chân, giá bát bửu, tàn, tán, hoành phi, đại tự, cuốn thư, câu đối... Ngoài ra, trong đình còn bài trí, sắp xếp những hiện vật khác như: kiệu bát cống, chiêng, trống, bàn đặt đồ tế lễ… Không gian thờ hậu cung được xây kín, nơi đặt ngai, bài vị (với những thần thánh được phong tước, kể cả nữ vương). Những vị thánh không được phong vương chỉ thờ bài vị đặt trong khám. Trong lòng bài vị có khắc danh vị, tấn phong (nếu có) của Thành hoàng làng.

Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình Triều Hội (Bồ Đề, Bình Lục).

Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình Triều Hội (Bồ Đề, Bình Lục).

Khác hẳn với đình, những ngôi chùa Phật giáo có sự sắp xếp, bài trí đồ thờ, tượng pháp theo tinh thần triết học đã được dẫn giải trong các đại tạng kinh. Nơi thờ chính là điện Phật, được bài trí tượng các vị Phật, chư vị Bồ Tát, chư vị La Hán… Không gian thờ của chùa được bố trí các lớp tượng từ trên cao nhất của chính điện ra bên ngoài bái đường. Do đó, gian trung tâm của bái đường giao với thượng điện là không gian trọng tâm nơi bài trí các tượng pháp Phật giáo, nơi diễn ra nghi lễ của việc thờ cúng, nơi các vị sư trụ trì chùa tụng kinh, niệm Phật hằng ngày.

Tại các ban thờ Phật, đồ thờ thường bài trí, gồm: bát hương, cây đèn nến, ống hương, mâm bồng, lọ hoa, đài thờ… Với không gian kiến trúc của chùa: trên các cột cái, cột quân, xà dọc... thường treo đại tự, hoành phi, cuốn thư, bức trâm, câu đối, y môn, cửa võng… Hầu hết chùa ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ đều có nhà thờ Mẫu trong khuôn viên.

Người xưa quan niệm: Thánh độ cho tín đồ may mắn, tài, lộc, sức khỏe, ngay trong lúc đang còn sống ở cõi Ta Bà. Phật thì độ cho linh hồn chúng sinh về cõi Tây phương cực lạc sau khi chết, do vậy từ xa xưa đa số tín đồ theo Phật cũng đồng thời là tín đồ theo Thánh Mẫu. Các tượng thờ mẫu cao nhất tượng Bồ tát Quán Thế Âm (hay tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn). Lớp thứ hai là tượng Vua cha Ngọc Hoàng Thượng Đế và hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu. Lớp thứ ba tượng ba vị Thánh Mẫu, Tượng Ngũ Vị Tôn Quan, Tứ Phủ Chầu Bà, Tứ Phủ Ông Hoàng, Tứ Phủ Thánh Cô là những lớp tiếp theo. Hậu ban công đồng có tượng Ngũ Hổ, hai bên là tượng hai Cậu Bé và Thanh Xà, Bạch Xà, lầu Cô, lầu Cậu ở hai bên phía trong hoặc ngoài cửa. Ngoài sân thường có cây hương thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên (Mẫu Thượng Thiên).

Đền thờ là nơi thờ các vị thần linh, có hai dạng: anh hùng văn hóa, anh hùng dân tộc. Trong hệ thống này gồm những thiên thần, nhân thần. Anh hùng dân tộc là những nhân vật điển hình đại diện cho vinh quang một thời kỳ nhất định của lịch sử, trong công cuộc dựng nước, giữ nước (ở Hà Nam có thể biết đến như vua Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…). Những vị khác có thể là những vị thần linh với công trạng thấp hơn những anh hùng dân tộc nêu trên. Anh hùng văn hóa là những vị thần linh được sinh ra bởi tư duy liên tưởng của cộng đồng cư dân, được tôn sùng bởi có nhiều công trạng như: giúp vua đánh giặc, chống lũ lụt, dạy nhân dân cày cấy, làm nghề thủ công... Cách bài trí không gian thờ của đền gần giống với đình. Chính tâm gần sát tường hậu là nơi của vị thần chủ. Hai bên thần chủ có thị giả. Nếu thần điện có nhiều vị thần chủ thì phân định vị thần chủ số 1 ngồi chính giữa, vị thần chủ thứ hai ngồi bên phải, vị thứ ba bên trái và cứ tuần tự theo số chẵn lẻ như vậy để phân định thứ tự trên ban thờ. Ở nhiều ngôi đền còn có bàn riêng thờ cha mẹ (chính thức hoặc hư cấu) của vị thần chủ được đặt ở 2 gian kế bên của hậu cung.

Trong tâm thức của người Việt nói riêng, phương Đông nói chung, thờ phụng là một việc hết sức thiêng liêng, hệ trọng. Đó là tín ngưỡng, đồng thời là truyền thống đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam. Việc hướng dẫn sắp xếp không gian thờ là cần thiết nhằm giữ gìn truyền thống văn hóa và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng. Trong hướng dẫn các địa phương sắp xếp không gian thờ tại hệ thống di tích của ngành chức năng có yêu cầu: Việc triển khai sắp xếp không gian thờ cần phải bảo đảm thông thoáng, tránh đặt quá nhiều đồ thờ trên ban thờ, nhất là đồ thờ mới không đúng chức năng, vị trí, ý nghĩa, làm từ chất liệu giấy, nhựa (hoa quả nhựa, hoa giấy, đồ mã…) gây phản cảm, làm giảm tính thẩm mỹ và mất an toàn trong công tác phòng, chống cháy nổ. Đặc thù của không gian thờ cúng là u tịch, hoài niệm nên ánh sáng trong không gian thờ nên sử dụng hợp lý. Bố trí đèn chiếu sáng nên đăng đối theo bàn thờ, kiểu dáng, chất liệu của đèn cũng cần phù hợp với không gian chung. Về các loại đồ tế khí ở các di tích rất phong phú và đa dạng như: long ngai, bài vị, hương án, chấp kích, bát bửu, trống, chiêng, kiệu, y môn, cây nến, lư hương, đỉnh đồng, mâm cổ bồng, lọ hoa, tam sự, ngũ sự… Mỗi loại đồ thờ đều có những công năng, ý nghĩa tâm linh riêng và phải được sắp xếp tại một vị trí nhất định, phù hợp với quy luật âm dương, ngũ hành.

Việc thực hiện sắp xếp không gian thờ tại các di tích được bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10/2024 ở tất cả các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh. Việc kiểm tra sẽ được thực hiện vào cuối năm. Hiện tại, ở cơ sở, phòng văn hóa và thông tin các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động rà soát, tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức tập huấn, triển khai việc sắp xếp không gian thờ tại các di tích theo quy định trên địa bàn.

Chu Bình

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/sap-xep-khong-gian-tho-tai-cac-di-tich-bao-dam-thuc-hanh-tin-nguong-cong-dong-127753.html