Ðào, quất, hoa tươi giảm giá
Tại vựa hoa miền Bắc ở huyện Mê Linh (Hà Nội), khác với cảnh vận chuyển tấp nập cận tết năm ngoái, đợt này hoa lên chậu nhiều hơn nhưng người mua buôn, mua lẻ thưa thớt.
Chị Mẫn (thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh) cho biết, năm ngoái Hạ Lôi đã có một đợt phong tỏa do dịch bệnh, sau gần 1 năm chăm lại cây, cộng thêm thời tiết thuận lợi, hơn 200 gốc hồng cổ nhà chị đều sinh trưởng tốt, giá mỗi gốc khoảng 3 triệu đồng. Những tưởng là năm thuận lợi cho nông dân thì “đùng một cái” dịch COVID-19 trở lại. “Nhiều đơn hàng đi vào miền Nam bị hủy, chúng tôi không kịp trở tay. Như năm ngoái mất trắng gần 50 triệu đồng, giờ có khi lại mất Tết”, chị Mẫn than thở.
Ông Dũng (chủ trang trại hoa lan Công nghệ cao Mê Linh Hashfarm) cho biết, hoa lan công nghệ cao cũng không đứng ngoài vòng xoáy dịch bệnh. Đến thời điểm này, số lượng lan bán ra chỉ bằng 70% so với cùng kỳ. Các mối mua buôn hủy hàng rất nhiều. Khi được hỏi về việc giảm giá, kích cầu tiêu thụ hoa lan, ông Dũng khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng giảm giá để có nguồn thu trang trải chi phí, phát triển sản xuất nhưng làm gì có ai mua đâu mà giảm giá. Kể cả khách lẻ cũng rất ít do không có nhiều nhu cầu”.
Theo đại diện UBND huyện Mê Linh, huyện đang cố gắng thúc đẩy tiêu thụ hoa Tết cho bà con trên tinh thần vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế như “mục tiêu kép” Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo. Tuy nhiên, ngoài thị trường miền Nam còn có một số thị trường tiêu thụ hoa lớn là Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng... đang bị ảnh hưởng nặng bởi dịch. Do ngại sức mua giảm, thương lái từ một số tỉnh đặt hàng đã lấy lại tiền cọc vào những ngày giáp Tết khiến bà con của làng hoa càng thêm lao đao.
Dạo một vòng quanh những điểm bán hoa Tết, khung cảnh ảm đạm chen lẫn trong những nụ hoa xuân. Tại chợ hoa Tết tại công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), những chậu quất bonsai, quất cảnh cao chừng 50- 60cm, xum xuê quả có giá chỉ từ 300.000 đồng/chậu; cây mai trắng bonsai, giá chỉ trên dưới 700.000 đồng/chậu. Anh Thắng, chủ cửa hàng mai ngay cổng chợ hoa cho biết, hoa mai trồng ở Ba Vì mang về đây. “Năm nay bày hàng mấy ngày mà do dịch nên ít người mua. Giá cũng đã giảm hết cỡ, chứ năm ngoái những chậu mai thế này không có giá dưới 1 triệu đồng”, anh Thắng nói. Tại chợ hoa Tết trên phố Lạc Long Quân, giá giảm nhiều so với năm trước. Cành đào Nhật Tân năm ngoái giá khoảng 600 nghìn đồng thì nay chỉ tầm 300-350 nghìn đồng.
Chợ hoa Hàng Lược cũng không khá khẩm hơn, mỗi năm chợ chỉ họp vào một dịp duy nhất từ ngày 23 - 30 tháng Chạp và thu hút rất đông đảo người dân Thủ đô và khách du lịch ghé thăm.
Tại các điểm bán hoa trên nhiều tuyến đường Hà Nội như Lạc Long Quân, Âu Cơ, Hoàng Hoa Thám... giá các loại hoa giảm nhanh chóng, ví dụ như cúc mâm xôi chỉ 180.000 đồng/ chậu, bó cúc Đà Lạt 50 bông hơn 100.000 đồng…
Lay ơn rẻ hơn cỏ voi
UBND huyện Ðức Trọng (Lâm Ðồng) cho biết, vừa ra văn bản hỏa tốc gửi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn về việc triển khai những giải pháp hỗ trợ nông dân làng hoa lay ơn xã Hiệp An tiêu thụ hoa trong dịp Tết Nguyên đán 2021. Ðây là làng hoa lay ơn lớn nhất nước, riêng vụ Tết trồng gần 300 ha với sản lượng hơn 30 triệu cành. Dịp rằm tháng Chạp âm lịch vừa rồi, hoa lay ơn có giá từ 3.500 - 4.000 đồng/cành. Thế nhưng, ngay sau khi các ổ dịch COVID-19 xuất hiện ở nhiều tỉnh thành, giá lay ơn nhanh chóng hạ xuống chỉ còn 300 - 400 đồng/cành.
Theo ông K’Luynh (trú thôn K’Long, xã Hiệp An), với mức giá này, hoa lay ơn còn rẻ hơn cỏ voi, loại cỏ được dùng phổ biến để nuôi bò sữa. Nhiều hộ thấy giá hoa quá rẻ, không bù được công thu hoạch và vận chuyển nên đành nhổ hoa mang về cho bò sữa ăn.Trước tình hình đó, UBND huyện Ðức Trọng kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trực tiếp đến những hộ trồng lay ơn trên địa bàn để mua hoa về trang trí trong những ngày Tết nhằm kích cầu tiêu thụ hoa, hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn hiện nay. Kim Anh
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/%C3%B0ao-quat-hoa-tuoi-giam-gia-1790763.tpo