Ðào tạo nghề gắn với thị trường lao động

Kinh tế của đất nước ngày càng phát triển, yêu cầu nguồn lao động lớn, có chất lượng cao. Vì vậy, việc học nghề ngày càng thu hút được các bạn trẻ lựa chọn. Nhưng để đào tạo nghề trúng, đúng với nhu cầu của thị trường cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động.

Trình diễn kỹ năng nghề sơn ô tô tại Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2021.

Trình diễn kỹ năng nghề sơn ô tô tại Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2021.

Kinh tế của đất nước ngày càng phát triển, yêu cầu nguồn lao động lớn, có chất lượng cao. Vì vậy, việc học nghề ngày càng thu hút được các bạn trẻ lựa chọn. Nhưng để đào tạo nghề trúng, đúng với nhu cầu của thị trường cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động.

Ðang học đại học năm thứ hai về thương mại, nhưng tình cờ được tiếp cận với ngành sơn ô-tô, Nguyễn Xuân Lực (sinh năm 1998) đã yêu thích và quyết định chuyển sang học Khoa Công nghệ ô-tô, Trường trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội. Nhờ sự đam mê, chăm chỉ, Nguyễn Xuân Lực đã nhanh chóng thành thục, đoạt giải cao tại các kỳ thi tay nghề khu vực Ðông - Nam Á và thế giới. Chỉ sau ít năm, cậu học viên này đã được giao làm nhân viên quản lý kinh doanh ở một công ty về hóa chất sơn, đồng thời, tham gia đào tạo cho nhiều kỹ thuật viên, học viên tại hai trung tâm đào tạo sơn ô-tô tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nguyễn Xuân Lực chia sẻ: "Ngành công nghiệp ô-tô tại Việt Nam đang ngày càng phát triển, nhu cầu lao động rất lớn, nhất là lĩnh vực sơn ô-tô có cơ hội việc làm và thăng tiến nhanh. Dù hai cơ sở đào tạo mới thành lập năm 2013 và 2015, nhưng đã đào tạo được 300 kỹ thuật viên sơn cho các xưởng dịch vụ và hiện đang có hơn 100 học viên. Chỉ sau khóa học ba tháng, các học viên đều có việc làm với mức lương khởi điểm từ 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng".

Không chỉ với những ngành nghề mới như công nghiệp ô-tô, công nghệ sinh học mà ngay cả những ngành nghề quen thuộc như nấu ăn, quản lý khách sạn…, khi có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, thì chất lượng đào tạo được nâng cao lên rất nhiều. Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Xúc tiến việc làm của Trường trung cấp Kinh tế du lịch Hoa Sữa Nguyễn Ngọc Thanh cho biết, nhiều năm nay, nhà trường đã chủ động liên hệ, hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp để có thể đưa học sinh vào thực hành, rèn kỹ năng tại doanh nghiệp ngay trong quá trình học. Sau khi tốt nghiệp, học sinh được nhận vào làm luôn. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh ra trường có việc làm luôn đạt mức gần 100%, với mức lương khởi điểm khá cao, từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng/người, nhất là với ngành nghề chế biến bánh mì - bánh ngọt.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, nhờ mở rộng quan hệ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà doanh nghiệp có số lượng lao động kịp thời, đáp ứng tiến độ sản xuất, nhất là khi phải chạy các đơn hàng xuất khẩu. Chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa, bộ phận tuyển dụng Công ty TNHH Tamron Optical Việt Nam (Khu Công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn) chia sẻ, việc gắn kết trong đào tạo nghề giúp doanh nghiệp có nguồn lao động chất lượng hơn, không mất thời gian, chi phí đào tạo lại nhiều. Thông thường, đào tạo tại các trường nghề giúp người lao động có kiến thức cơ bản về điện, điện tử, tự động hóa..., cho nên khi tuyển dụng, các bạn trẻ chỉ cần được hướng dẫn qua là có thể đáp ứng yêu cầu công việc ngay.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết thêm, những năm gần đây, TP Hà Nội thường xuyên tổ chức các hoạt động, giải pháp nhằm gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Trung bình mỗi năm, hơn 360 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 200 nghìn lượt người. Số người học nghề tăng lên, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Thủ đô tăng từ 34,2% vào năm 2010 lên 70,25% vào năm 2020, thuộc nhóm cao của cả nước, dự kiến, tỷ lệ này sẽ tăng lên 71,5% vào cuối năm 2021.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đánh giá: Hà Nội là trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước, nơi tập trung đông đảo người lao động và nhiều cơ sở đào tạo nghề lớn nhất nước, cho nên việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động cần được các bên quan tâm thực hiện nhiều hơn nữa. Thành phố cần nâng cao tính tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh gắn kết với thị trường lao động, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp cũng cần phối hợp cơ quan nhà nước cung cấp nhu cầu lao động hằng năm, làm cơ sở để đặt hàng các trường mở khoa, ngành. Ðồng thời, doanh nghiệp cũng tham gia vào quá trình đào tạo để học viên có kiến thức thực tiễn, cơ hội thực hành tay nghề.

Ðể nâng cao chất lượng nguồn lao động cho Thủ đô và đất nước, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các sở, ngành liên quan, các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, tổ chức… tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của xã hội, sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề. Cùng với đó, triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh sự gắn kết doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động đổi mới tuyển sinh, tổ chức đào tạo, kết hợp đào tạo trực tiếp và trực tuyến, ưu tiên đào tạo chất lượng cao, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Nguyên Trang

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/ao-tao-nghe-gan-voi-thi-truong-lao-dong-647628/