Từ 9h sáng, các thành viên trong đội "Đi chợ giúp dân" thôn Yến Nê 2 (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã có mặt trước cổng chợ Lệ Trạch để chuẩn bị bắt đầu công việc. Các TNV rà soát kỹ danh sách các hộ và thực phẩm cần mua trước khi vào chợ. Ảnh: Giang Thanh
Các TNV chia nhau ra từng khu để việc mua sắm được nhanh chóng. Các loại thực phẩm cần mua rất đa dạng vì gần 20 hộ gửi danh sách nhờ mua. Ảnh: Giang Thanh
Mô hình "Đi chợ giúp dân" được chi Đoàn thôn Yến Nê 2 triển khai từ ngày 13/8, khi một phần của thôn bị phong tỏa vì có ca nhiễm COVID - 19. Đội đi chợ có 2 nhóm: một nhóm ở ngoài khu phong tỏa sẽ phụ trách mua sắm, một nhóm trong khu phong tỏa sẽ phụ trách vận chuyển thực phẩm đến nhà cho người dân. Ảnh: Giang Thanh
Đội sẽ nhận các đơn hàng từ chiều tối hôm trước đến 9h sáng hôm sau qua điện thoại, tin nhắn... Sau khi chốt danh sách, các TNV sẽ đi chợ mua sắm. Ảnh: Giang Thanh
Việc mua sắm được ghi chép lại kỹ càng, tỉ mỉ, từ tên các loại thực phẩm đến khối lượng, giá tiền.... để tiện cho việc phân chia và tính tiền sau đó. Ảnh: Giang Thanh
Theo anh Nguyễn Quang Tuyến, Bí thư Đoàn xã Hòa Tiến, mô hình "Đi chợ giúp dân" được bà con trong các khu phong tỏa rất ủng hộ. "Dù được hỗ trợ thực phẩm, nhưng bà con bị phong tỏa cũng rất cần mua sắm nhiều loại thực phẩm bổ sung hoặc vật dụng, thuốc men... Chúng tôi duy trì mô hình để hỗ trợ bà con tối đa trong thời gian phong tỏa", anh Tuyến nói.
Mỗi buổi đi chợ thường mất từ 30 - 45 phút tùy thuộc vào số lượng đơn hàng nhiều hay ít. Ảnh: Giang Thanh
Anh Ngô Ngọc Hiếu, Đội trưởng đội "đi chợ giúp dân" thông Yến Nê 2 cho biết: "Đội duy trì khoảng 10 TNV cả vòng trong và vòng ngoài để đi chợ và chuyển thực phẩm đến cho người dân. Các TNV đi chợ đều phải đeo khẩu trang, găng tay. Các TNV hỗ trợ vận chuyển thực phẩm trong khu phong tỏa phải trang bị đồ bảo hộ kỹ càng". Ảnh: Giang Thanh
Sau khi hoàn tất việc đi chợ, anh Hiếu cùng các TNV sẽ rà soát lại số thực phẩm đã mua và danh sách có sẵn, nếu thiếu sẽ mua bổ sung. Ảnh: Giang Thanh
Ngoài thực phẩm, các TNV còn hỗ trợ người dân mua nhu yếu phẩm ở các tiệm tạp hóa, thuốc men ở các quầy thuốc... Ảnh: Giang Thanh
Sau khi đi chợ về, các TNV sẽ tập trung tại 1 địa điểm cố định để phân chia thực phẩm vào túi riêng cho từng hộ. Ảnh: Giang Thanh
Tên các hộ, danh sách thực phẩm và số tiền sẽ được ghi rõ ràng vào các mảnh giấy nhỏ để thuận tiện cho nhóm vận chuyển thu tiền. Ảnh: Giang Thanh
Theo anh Hiếu, công việc phân chia thực phẩm này còn mất thời gian và vất vả hơn cả việc đi chợ. "Mọi người mua từng phần thực phẩm nhỏ, các loại rau gia vị, trái cây... rất đa dạng. Dựa vào danh sách, chúng mình sẽ phân chia ra thành các túi riêng để chuyển đến từng hộ", anh Hiếu nói. Ảnh: Giang Thanh
Một túi thực phẩm vừa được phân chia và dán nhãn. Ảnh: Giang Thanh
Sau khi phân chia xong, toàn bộ thực phẩm sẽ được vận chuyển đến khu phong tỏa. Ảnh: Giang Thanh
Các TNV sẽ đặt thực phẩm ở một chiếc bàn ở vùng đệm khu phong tỏa, phía sau rào chắn. Sau đó, gọi điện cho nhóm vận chuyển ra hỗ trợ. Ảnh: Giang Thanh
Các thành viên trong nhóm vận chuyển sẽ để thực phẩm lên xe ba gác và "ship" đến tận nhà cho người dân rồi thu tiền chợ. Ảnh: Giang Thanh
Dù 2 nhóm chia nhau làm việc liên tục mỗi buổi sáng, nhưng chưa bao giờ tiếp xúc hay trò chuyện với nhau để đảm bảo các yêu cầu phong tỏa. Tiền chợ sau khi thu về sẽ được 1 TNV đặt ở bàn, sau đó, 1 TNV ngoài khu phong tỏa sẽ vào nhận, đem khử khuẩn bằng cồn rồi mang về. Ảnh: Giang Thanh
Ngoài xã Hòa Tiến, xã Hòa Nhơn cũng triển khai mô hình "Đi chợ giúp dân". Theo chị Lê Thị Hồng Tuyết, Phó bí thư Đoàn xã Hòa Nhơn, các bạn đoàn viên linh hoạt "đi chợ giúp" cho những trường hợp đặc biệt như người đang thực hiện cách ly y tế, người dân trong các khu phong tỏa, người già, người khuyết tật đi lại khó khăn... không thể vào chợ. "Công việc này được triển khai nhiều ngày qua tại 2 điểm chợ: buổi sáng chợ Hòa Nhơn và buổi chiều tại Chợ tạm Cầu Giăng. Ảnh: Giang Thanh
"Áo xanh" đi chợ giúp dân ở khu phong tỏa. Clip: Giang Thanh
Giang Thanh