Áo xanh hành động vì 'chợ xanh'

Nhiều năm qua, với sự tham gia tích cực của lực lượng ĐVTN, mô hình 'Chợ giảm thiểu rác thải nhựa' được triển khai hiệu quả trên địa bàn quận Thanh Khê (Đà Nẵng), khi các tiểu thương dần thay đổi thói quen, hạn chế sử dụng bao bì ni lông.

Thay đổi thói quen

Sáng cuối tuần, các tình nguyện viên của Đoàn phường An Khê (quận Thanh Khê), có mặt tại chợ Thuận An để tuyên truyền, vận động bà con tiểu thương và người dân giảm thiểu rác thải nhựa. Cầm trên tay xấp túi sinh học thân thiện với môi trường, những bóng áo xanh tỏa đi khắp chợ, tới từng sạp hàng để chia sẻ với các tiểu thương về tác hại của túi ni lông đối với môi trường.

Các tình nguyện viên tặng túi sinh học cho tiểu thương tại chợ, góp phần thay đổi hành vi, tạo thói quen đi chợ “xanh” Ảnh: G.T

Các tình nguyện viên tặng túi sinh học cho tiểu thương tại chợ, góp phần thay đổi hành vi, tạo thói quen đi chợ “xanh” Ảnh: G.T

Vốn đã quen thuộc với các tình nguyện viên, bà Tô Thị Nga (tiểu thương chợ Thuận An), hào hứng nhận lấy xấp túi sinh học và khoe với mọi người rằng mình đã đổi hẳn sang loại túi sinh học dễ phân hủy. “Vì bán hàng gia vị nên trước đây, tôi dùng khá nhiều túi ni lông để đựng hàng hóa bán cho khách. Tuy biết tác hại của túi ni lông nhưng vì tiện lợi nên đa phần tiểu thương đều sử dụng. Sau nhiều lần được các cháu tình nguyện viên vận động, hướng dẫn, tôi biết thêm các loại túi khác thay thế túi ni lông. Chi phí chỉ nhỉnh hơn chút mà lại thân thiện với môi trường nên tôi quyết định thay đổi”, bà Nga nói.

Ở khu vực cổng chợ, một nhóm tình nguyện viên tặng người dân đến mua sắm những chiếc giỏ xách đi chợ, túi giấy, túi xách có thể tái sử dụng. Tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi, các bạn trẻ tuyên truyền cho người dân về lợi ích của việc thay đổi thói quen dùng túi ni lông để đựng thực phẩm, hàng hóa khi đi chợ.

“Qua mỗi lần triển khai tới các chợ, người dân dần thay đổi thói quen, xách theo làn, giỏ xách để đựng thực phẩm. Không cần sự hỗ trợ của Đoàn Thanh niên, nhiều tiểu thương đã tự mua thêm túi sinh học để đựng hàng hóa”, anh Phan Trần Hải Giang, Bí thư Đoàn phường An Khê cho biết.

Mô hình “Chợ giảm thiểu rác thải nhựa” được Đoàn phường An Khê triển khai và duy trì từ năm 2020 với nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động người dân, các hộ kinh doanh trong chợ giảm thiểu rác thải nhựa, tạo thói quen đi chợ xanh cho cả người mua và người bán. Song song với việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức, tình nguyện viên tổ chức phát miễn phí các loại túi thân thiện với môi trường (như túi giấy, túi sinh học, túi hữu cơ tự phân hủy…), để tiểu thương thay thế cho túi ni lông. Đồng thời, vận động các bà nội trợ sử dụng giỏ xách, làn, hộp đựng khi mua thực phẩm, hàng hóa ở chợ.

“Nhiều mô hình được duy trì qua các năm, cho thấy hiệu quả và tính lan tỏa. Bạn trẻ đã vận động, hướng dẫn người dân chung tay chống rác thải nhựa thông qua thực hiện các hành động, việc làm cụ thể trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, góp phần lan tỏa phong trào chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Anh Võ Duy Rin - Bí thư Quận Đoàn Thanh Khê

Nguồn kinh phí để mua các loại túi tặng cho người dân và tiểu thương được Đoàn phường An Khê gây quỹ từ hoạt động thu gom rác thải nhựa, vỏ lon bia, bìa cát tông, giấy báo… ở khu dân cư hằng tuần, hằng tháng.

Hướng đến cộng đồng không rác thải nhựa

Mô hình “Chợ giảm thiểu rác thải nhựa” được các đơn vị Đoàn phường của Quận Đoàn Thanh Khê đồng loạt triển khai từ nhiều năm nay, mang lại sự thay đổi tích cực tại các chợ, điểm chợ của 10 phường trên địa bàn. Với sự tham gia tích cực của hàng trăm ĐVTN, đa dạng các hoạt động như trao tặng túi thân thiện với môi trường, giỏ xách đi chợ, đổi rác lấy cây, đổi rác lấy thực phẩm,… phong trào giảm thiểu rác thải nhựa đã lan tỏa tại các chợ, thay đổi thói quen của tiểu thương.

Theo anh Võ Duy Rin, Bí thư Quận Đoàn Thanh Khê, việc duy trì mô hình được các Đoàn phường định kỳ triển khai vào mỗi tháng, mỗi quý tùy thuộc vào điều kiện và tình hình thực tế. Đây là một trong những mô hình có tính lan tỏa, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện các tiêu chí chợ dân sinh hạn chế rác thải nhựa.

“Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động tiểu thương và người dân thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông, Quận Đoàn triển khai hướng dẫn người dân cách phân loại rác, thu gom các loại rác thải có thể tái chế, bỏ rác đúng nơi quy định… để xây dựng chợ sạch hơn, xanh hơn”, anh Rin cho biết.

Thanh Khê là một trong 2 địa phương đầu tiên trên địa bàn Đà Nẵng triển khai chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa vì cộng đồng khỏe và thành phố xanh. Với vai trò xung kích tình nguyện, tuổi trẻ Thanh Khê đã triển khai nhiều mô hình nhằm tạo thói quen phân loại rác, thu gom và tái chế rác thải nhựa, xây dựng các khu dân cư không rác thải nhựa.

Giang Thanh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ao-xanh-hanh-dong-vi-cho-xanh-post1646051.tpo