Áo xanh ngược núi, đưa nước về vùng khát

Công trình thanh niên lắp đặt hệ thống nước tự chảy từ Vực Tròn về các thôn của xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) vừa được Tỉnh đoàn Phú Yên, Đoàn Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Công ty CP Nhựa Bình Minh và UBND xã phối hợp tổ chức khánh thành trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Sức trẻ và sự nhiệt huyết của các lực lượng đã chiến thắng thời tiết khắc nghiệt cùng địa hình khó khăn để mang nguồn nước sạch về cho người dân vùng khát; đồng thời lan tỏa hình ảnh đẹp về màu áo xanh tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.

Gần 1 tháng ròng, hơn 150 sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, chiến sĩ trẻ của Bộ CHQS tỉnh cùng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) của địa phương lội bộ băng qua những cánh rừng, vượt các dốc núi cao để đưa đường ống lên đầu nguồn con nước của Vực Tròn. “Kéo! Kéo!...”, sau khẩu lệnh vang lên, những cánh tay ôm chặt đường ống, đôi bàn chân cố bám, ghì thật chắc xuống đất, dùng hết sức mình kéo những đoạn đường ống vượt qua dốc đá để đưa nước sạch về cho bà con.

Sức trẻ và sự nhiệt huyết của các lực lượng đã mang nguồn nước sạch về cho người dân vùng khát xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân). Ảnh: HÀ MY

Sức trẻ và sự nhiệt huyết của các lực lượng đã mang nguồn nước sạch về cho người dân vùng khát xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân). Ảnh: HÀ MY

Không ngại băng rừng, vượt suối

Theo chân các chiến sĩ, ĐVTN và sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh, chúng tôi vượt hơn 4km đường rừng để lên đầu nguồn con nước của Vực Tròn. Đường đi hiểm trở, tôi và các thành viên trong đoàn được phát một đôi dép đi đường rừng. Vì đường xa, lại là người lần đầu đến nơi này nên tôi được chở đi một đoạn đường bìa rừng bằng xe máy chuyên dụng đi núi của người dân địa phương. Chỉ là đoạn bìa rừng thôi, nhưng tim tôi như muốn rớt ra ngoài vì những trải nghiệm còn hơn chơi các trò cảm giác mạnh. Trên cung đường rừng đầy hiểm trở, những tảng đá lớn, nhỏ nhấp nhô, bánh xe cứ trượt qua rồi trượt lại, trồi lên các tảng đá rồi lại rớt xuống, tôi một tay giữ thanh nắm phía sau yên xe, một tay níu lấy áo của bạn sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh.

Biết tôi đang… xanh mặt, em Phạm Ngọc Quý, sinh viên Khoa Kinh tế, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng mặt trận Phú Yên, người được phân công chở tôi, trấn an: “Chị cứ tin vào tay lái của em. Gần 2 tuần nay, 1 ngày cứ 4 lượt băng rừng, vượt núi, em thuộc vị trí của từng hòn đá, cái cây dọc đường đi”.

Qua được đoạn bìa rừng, nơi có một con suối chảy ngang, xe dừng lại, tôi và mọi người cuốc bộ một đoạn gần 700m đường núi vì xe máy không thể đi được. Lên đến nơi, tôi còn đang thở dốc thì các bạn sinh viên cùng các chiến sĩ và ĐVTN của địa phương đã ngay lập tức bắt tay vào nhiệm vụ. Các bạn trẻ chia ra một vị trí vài người đứng, để sau mỗi đoạn ống được đội kỹ thuật của Công ty CP Nhựa Bình Minh (đơn vị tài trợ đường ống cho công trình) hàn xong, khẩu lệnh “Kéo” vang lên là ngay lập tức cả đội hình gồng sức kéo đường ống.

Quý chia sẻ: Để có thể thực hiện công đoạn hàn và kéo đường ống xuống núi, sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh chúng em cùng các chiến sĩ của Bộ CHQS tỉnh và ĐVTN của địa phương đã phải băng rừng vác hơn 500 ống nước dày và to này lên thượng nguồn.

Mỗi ngày 4 lượt băng rừng, vượt núi chỉ là một trong những vất vả, thử thách mà các chiến sĩ, ĐVTN phải đối mặt trên hành trình đưa nước từ Vực Tròn về nhà dân. Các bạn trẻ còn phải chống chọi với muỗi rừng, côn trùng đốt và thời tiết khắc nghiệt, sáng nắng như đổ lửa, chiều mây đen kéo về ùn ùn, mưa ào ạt như trút nước, ở giữa rừng không có chỗ trú… “Làm công trình này mặc dù rất vất vả, nhưng cứ nghĩ đến việc từ nay bà con không còn thiếu nước sinh hoạt nữa là chúng em quên mệt, cố gắng làm cho kịp tiến độ”, Quý bộc bạch.

Giải cơn khát nước sạch cho người dân

Sau gần 1 tháng vất vả, nước từ đầu nguồn sau khi qua bể lọc (được xây trực tiếp trên nguồn) đã được dẫn về cho người dân các thôn: Suối Cối 1, Suối Cối 2, Kỳ Lộ của xã Xuân Quang 1. Thay vì phải ra suối lấy từng can nước về dùng, giờ đây, người dân vùng thiếu nước xã Xuân Quang 1 đã có nước về tận nhà. Những giọt mồ hôi thấm đẫm của các lực lượng tình nguyện đổi được trái ngọt là nụ cười hạnh phúc của hơn 400 hộ dân.

Ngày nước chảy về thôn Suối Cối 1, ông Nguyễn Sô, một người dân trong thôn không giấu được niềm xúc động. Ông Sô chia sẻ: Trước đây, cứ mỗi khi vào mùa nắng, gia đình tôi và các hộ dân trong thôn lại thiếu nước sinh hoạt. Công trình nước được địa phương và các đơn vị thi công, đưa vào sử dụng giúp bà con trong xã có nước dùng quanh năm, chúng tôi rất vui mừng.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Xuân Quang 1 Huỳnh Anh Tuấn, Xuân Quang 1 là xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Đồng Xuân, điều kiện khí hậu nơi đây rất khắc nghiệt. Xã đã được huyện đầu tư 1 công trình nước sạch và 1 công trình nước tự chảy phục vụ cho 195 hộ dân ở thôn Phú Tâm. Một số thôn còn lại của xã vào mùa nắng nóng, người dân thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, nhất là ở thôn Suối Cối 1 và thôn Suối Cối 2.

Vì vậy, nhân tổ chức chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh tại mặt trận Xuân Quang 1, Đoàn Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã chủ công phối hợp với UBND xã, Tỉnh đoàn, Công ty CP Nhựa Bình Minh thực hiện công trình lắp đặt hệ thống nước tự chảy từ Vực Tròn đến các thôn của xã để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho hơn 400 hộ dân. Tổng kinh phí thực hiện công trình hơn 1 tỉ đồng, trong đó Công ty CP Nhựa Bình Minh hỗ trợ hơn 600 triệu đồng, địa phương vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ 400 triệu đồng.

Anh Lương Minh Tùng, Bí thư Tỉnh đoàn cho hay: Tỉnh đoàn xác định công trình lắp đặt hệ thống nước tự chảy từ Vực Tròn đến các thôn của xã Xuân Quang 1 là một trong những công trình trọng điểm của đoàn thanh niên trong năm 2024. Sau khi rà soát nhu cầu của địa phương, Tỉnh đoàn đã phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện, huy động các lực lượng phối hợp đồng bộ để công trình hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn, đưa nước về phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Thêm một chiến dịch Mùa hè xanh khép lại, thêm một công trình ý nghĩa mang dấu ấn của các chiến sĩ tình nguyện ở lại cùng người dân vùng cao. Công trình dân sinh ý nghĩa này đã góp phần lan tỏa tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, thực hiện lời Bác Hồ căn dặn: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.

Cứ mỗi ngày trôi qua, đường ống càng dài thì sức nặng càng tăng lên, đồng nghĩa việc kéo sẽ rất mất sức, nhưng ai nấy đều vui và hạnh phúc vì biết rằng nước sắp được dẫn về cho bà con.

Em Phạm Ngọc Quý, Chủ tịch Hội Sinh viên

Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh

HÀ MY

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/160/320586/ao-xanh-nguoc-nui-dua-nuoc-ve-vung-khat.html