Áp 'ba tại chỗ': Công nhân chối việc, đối tác hủy đơn hàng, DN kêu trời
Tiếp tục bị áp làm việc 3 tại chỗ, công nhân không chịu làm việc, đối tác hủy đơn hàng, DN chán nản vì kêu ca nhưng chậm được phản hồi.
Thợ may không được đi làm, phải bán cá, đi phụ hồ kiếm sống
Đã hơn 3 tháng nay, chị Liên Nga - quản lý một công ty may mặc đóng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang - phải "đau đầu" nghĩ cách trả lời câu hỏi của hơn 300 người lao động. “Bao giờ công ty mở lại? Bao giờ chúng tôi mới được đi làm?”.
Tỉnh Tiền Giang yêu cầu thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” nhưng vì công nhân trong công ty không chấp thuận, DN may này đã đóng cửa từ ngày 15/7. Thời gian qua, để có thu nhập mưu sinh, nhiều thợ may của công ty phải đi làm phụ hồ, bán cá chờ ngày được đi làm. Chị Nga cho biết, tỉnh vẫn chưa có một văn bản nào cụ thể về việc sẽ trở lại làm việc. Trong khi DN của chị đã có 100% người lao động tiêm vắc xin mũi 1 sau 14 ngày và 60% đã tiêm mũi 2.
“Tỉnh hoàn toàn bị động trong việc phòng, chống dịch. Các doanh nghiệp hỏi Ban quản lý các khu công nghiệp cũng không thấy ai phản hồi. Công nhân liên tục gọi điện hỏi về công việc trong khi đơn hàng thì bị khách hủy hàng loạt”, chị chán nản.
Chị Thu Trang,quản lý nhân sự tại một công ty thực phẩm cho hay, công ty này đã thực hiện “3 tại chỗ” từ thời điểm đầu, chi phí hoàn toàn các DN chịu và tỉnh Tiền Giang chưa có sự hỗ trợ nào. Khó khăn DN đang gặp phải là việc lưu trú tại các khách sạn ‘đệm’ để luân chuyển người lao động. Do công nhân ở lâu “3 tại chỗ” không chịu được nên xin về, DN cần thay người mới vào để bổ sung nhân lực. DN phải sắp xếp lượng công nhân mới ở tại khách sạn ‘đệm’ nhưng thủ tục hành chính chậm, xin khách sạn để công nhân lưu trú tạm mà cơ quan này thì đẩy sang cơ quan kia, trong khi đoàn liên ngành thì mười mấy Sở, ban, ngành đi kiểm tra DN.
“Ban quản lý các khu công nghiệp thì chờ tỉnh, tỉnh thì chờ cấp thành phố/huyện. Quá nhiêu khê, cái gì cũng chậm”, chị Trang nói.
Doanh nghiệp thất vọng
Chị Nga và chị Trang cũng như đại diện nhiều DN khác đang đóng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đều có chung nỗi bức xúc. Mới đây, Ban đại diện cho gần 2.000 người lao động tại Công ty TNHH Sản xuất chế biến Nông thủy sản xuất khẩu Thuận Phong (Công ty Thuận Phong) ở TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) đã phải "đòi" dừng mô hình sản xuất “3 tại chỗ” đang áp dụng tại tỉnh.
Người lao động tại Công ty Thuận Phong dẫn chứng, mục 4 Nghị quyết 128 quy định: Cơ sở sản xuất, đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng được “hoạt động từ cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3. Riêng cấp độ 4 được hoạt động hạn chế”. Sở Y tế Tiền Giang cũng phân loại toàn tỉnh thuộc cấp độ dịch là “cấp 2”, địa bàn cơ sở sản xuất của DN cũng là “cấp 2”. Chưa kể, 100% công nhân tại DN đã tiêm vắc xin mũi một, 20% công nhân đã được tiêm vắc xin mũi thứ hai. Do vậy, việc áp thực hiện “3 tại chỗ” cho DN không còn giá trị, các tiêu chí thực hiện không còn phù hợp với cấp độ dịch mà cơ quan y tế ban hành.
Ngày 19/10, 19 doanh nghiệp FDI với khoảng 70.000 lao động cũng đã phải gửi thư cầu cứu trực tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sau khi chính quyền tỉnh không có động thái thay đổi tích cực cũng như phản hồi đối với các DN.
“Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định rất rõ việc xét nghiệm và đi lại của người dân ở các khu vực từ cấp độ 1-4, Bộ Y tế cung cấp thẻ xanh để đi lại cho người dân đã tiêm 1 mũi vắc xin nhưng tỉnh Tiền Giang vẫn giữ quan điểm “3 tại chỗ”. Nhiều DN vẫn phải đóng cửa. Chúng tôi cảm thấy vô cùng thất vọng với những gì đang diễn ra”, thư cầu cứu nêu.
Ông Việt Hưng - đại diện một công ty bao bì - cho rằng, các DN trên địa bàn tỉnh chỉ mong muốn địa phương thực hiện đúng như theo tinh thần của Nghị quyết 128, thích ứng với dịch trong trạng thái “bình thường mới”.
“Độ phủ vắc xin đạt ở mức nhất định, các doanh nghiệp chỉ cần đi làm lại. Ròng rã mấy tháng trời chúng tôi chờ tỉnh. Một số khách đã cắt đơn hàng vì trễ mùa mặt hàng may mặc, giờ mở lại cũng phải tìm cách bán tống, bán tháo sản phẩm còn hơn đóng cửa treo niêu”, chị Liên Nga nói.
Trả lời báo chí sáng 21/10, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Tiền Giang - ông Nguyễn Nhật Trường cho biết, đến nay, có 76/186 doanh nghiệp tham gia phương án “3 tại chỗ” với 17.206 người. Thời gian qua, các chuỗi cung ứng sản phẩm được đảm bảo, không bị đứt gãy. Phần lớn DN trên 5.000 người không đảm bảo phương án “3 tại chỗ” nên dừng hoạt động trong thời điểm này.
Bà Châu Thị Mỹ Phương - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang cho thông tin, ngoài các DN trong khu, cụm công nghiệp, hiện nay, các DN dưới 50 lao động được tỉnh giao thẩm quyền cho các đơn vị cấp huyện để quyết định. Đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang có 739 DN có số lao động dưới 50 người được hoạt động trở lại bình thường theo phương án phòng, chống dịch. Nghĩa là, người lao động, công nhân đi làm bình thường.
Từ ngày 1/11 đến cuối năm 2021, tỉnh sẽ chuyển các DN hoạt động “3 tại chỗ” sang hoạt động theo phương án gắn với phòng, chống dịch. Các DN này từng bước tăng dần quy mô. Đảm bảo vừa khôi phục sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn về công tác phòng, chống dịch bệnh", bà Phương nói.