Ấp Dọn hôm nay

Ấp Dọn, nơi ra đời tờ báo cách mạng đầu tiên ở Hải Dương đang từng ngày thay da đổi thịt. Địa danh này gắn với tên tuổi của người chiến sĩ cộng sản kiên trung Nguyễn Lương Bằng.

Xã Thái Dương đề nghị xây bia kỷ niệm ghi nhớ công lao đồng chí Nguyễn Lương Bằng ở nhà văn hóa thôn Kinh Dương

Xã Thái Dương đề nghị xây bia kỷ niệm ghi nhớ công lao đồng chí Nguyễn Lương Bằng ở nhà văn hóa thôn Kinh Dương

Nơi ra đời báo Công nông

Tháng 5.1931, đồng chí Nguyễn Lương Bằng bị mật thám Pháp bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc) rồi chuyển về giam giữ tại Sài Gòn và Hà Nội. Cuối năm 1931, chúng lại chuyển ông từ nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) về nhà tù ở Hải Dương. Tại đây, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã vận động tù nhân tuyệt thực tập thể, đấu tranh đòi cai tù phải bỏ cùm, bỏ xích; đòi có nón và áo tơi khi đi làm, có chăn chiếu để ngủ, có bát đĩa để ăn cơm... Tháng 6.1932, ông bị xét xử với án chung thân và chuyển lên trại giam Hỏa Lò. Ngày 25.12.1932, ông và một số người khác vượt ngục Hỏa Lò thành công.

Ra khỏi nhà tù đế quốc, đồng chí Nguyễn Lương Bằng trở về quê hương và tìm đến ấp Dọn (nay là thôn Kinh Dương, xã Thái Dương, Bình Giang) xây dựng cơ sở cách mạng. Tại đây, ông vừa làm việc đồng áng, vừa tuyên truyền cách mạng cho người dân trong vùng. Thời điểm ấy, ông thường ở 2 cơ sở là chùa ấp Dọn nằm giữa cánh đồng và nhà ông Tư Hợi.

Với sự cố gắng của bản thân và được nhân dân trong ấp giúp đỡ, tháng 7.1933, đồng chí Nguyễn Lương Bằng xuất bản tờ báo Công nông, đây là tờ báo cách mạng đầu tiên ở Hải Dương. Tờ Công nông phát hành 20 bản mỗi kỳ, khổ giấy học trò 18 x 25 cm.

Một mình đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm toàn bộ tờ báo, vừa viết bài, vừa trực tiếp in báo trên đá. Tờ báo nêu lên nỗi khổ cực của nhân dân, vạch trần tội ác của thực dân Pháp và bọn quan lại phong kiến, kêu gọi nhân dân đoàn kết vùng lên đấu tranh. Tuy khuôn khổ có hạn nhưng báo Công nông cũng có đủ các thể loại: xã luận, kể chuyện, thơ ca... Báo in xong được truyền bá khắp vùng giáp ranh 2tỉnh Hải Dương, Hưng Yên như Bình Giang, Thanh Miện, Ân Thi.

Ông Nguyễn Văn Kháng ở ấp Dọn năm nay 71 tuổi cho biết: "Bố tôi kể lại từng giúp đồng chí Nguyễn Lương Bằng in, phát báo, truyền đơn. Có lần thực dân Pháp và tay sai truy lùng nhưng không bắt được đồng chí do đã được gia đình ông Tư Hợi trong ấp nuôi giấu".

Cuối năm 1933, trong khi đi tìm liên lạc với cơ sở của Trung ương ở Bắc Giang, đồng chí Nguyễn Lương Bằng lại bị địch bắt. Báo Công nông ngừng hoạt động. Gia đình ông Tư Hợi cũng chuyển sang Hưng Yên, sau đó lên Hà Nội sinh sống, đến nay bặt vô âm tín.

Mong mỏi công trình bia kỷ niệm

Ấp Dọn được sáp nhập năm 2019, nay có tên mới là thôn Kinh Dương. Theo năm tháng, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng từng ngày thay da đổi thịt. Nhiều người trong thôn năng động phát triển kinh tế, có của ăn của để. Hiện nay, thu nhập của người dân đạt từ 35-37 triệu đồng/năm. Số hộ nghèo trong thôn không còn nhiều.

Là nơi ra đời tờ báo cách mạng đầu tiên của tỉnh Hải Dương, xã Thái Dương ngày nay cũng là điển hình của huyện Bình Giang về công tác tuyên truyền. Nhiều năm nay, cấp ủy, chính quyền xã và người dân thôn Kinh Dương vẫn đau đáu một điều là chưa có bia kỷ niệm di tích lịch sử cách mạng ghi nhớ công lao của đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Năm 2008, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tỉnh giai đoạn 2008-2015, định hướng đến năm 2020. Theo quy hoạch, sẽ có một nhà bia kỷ niệm đồng chí Nguyễn Lương Bằng về xây dựng cơ sở cách mạng ở Hải Dương và ra báo Công nông. Nhưng đến nay, công trình này cũng chưa được xây dựng.

Giờ đây về thăm ấp Dọn, ngôi chùa đồng chí Nguyễn Lương Bằng một thời hoạt động vẫn còn đó. Ngôi nhà ông Tư Hợi, nơi ông hoạt động cách mạng nay đã sang tên đổi chủ cho nhiều người.

Ông Phạm Xuân Hội, Chủ tịch UBND xã Thái Dương cho biết: Trước đây, xã đã đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để xây bia kỷ niệm ở chùa, nơi đồng chí Nguyễn Lương Bằng từng hoạt động cách mạng. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập các thôn, hiện có một nhà văn hóa ở thôn Kinh Dương bỏ không nên xã mong muốn được dựng bia kỷ niệm tại đây. Nhà văn hóa sẽ trưng bày một số hình ảnh, tư liệu về đồng chí Nguyễn Lương Bằng và là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ở địa phương.

MINH NGUYỆT

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/ap-don-hom-nay-139367