Áp dụng chế tài mạnh hơn với hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Trả lời chất vấn về chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội sáng 6-6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội đang được nghiên cứu sửa đổi để quy định áp dụng chế tài mạnh hơn với hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Về vấn đề chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội được đại biểu Trần Quốc Quân (Đoàn Long An) đặt ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, số chậm đóng hiện nay khoảng hơn 3 nghìn tỷ đồng. Số người bị ảnh hưởng do chậm đóng đều được kết nối để giải quyết chính sách theo đúng quy định.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng cần quy định hành vi để xử phạt nghiêm minh. Bộ trưởng cho biết, đến nay còn 2,91% doanh nghiệp chậm đóng, nếu chậm đóng 1 tháng đã bị phạt. “Thông thường, việc chậm đóng do kiểm tra thu chi của các cơ quan quản lý chưa đến nơi đến chốn. Thời gian tới, các cơ quan sẽ tăng cường kiểm tra, tuy nhiên, điều lo ngại nhất là việc trốn đóng bảo hiểm”, Bộ trưởng nói.
Trả lời về hướng xử lý quyền lợi cho 4.240 chủ hộ kinh doanh bị thu sai bảo hiểm xã hội bắt buộc giai đoạn 2003-2021 được đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) đặt ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định cơ quan công quyền làm sai thì phải xin lỗi và hướng xử lý việc này theo quy định là: Chuyển chủ hộ sang diện đóng bắt buộc; chuyển sang bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu người đóng đồng ý, không đồng ý thì phải thoái thu.
“Với quan điểm bảo đảm quyền lợi của chủ hộ, nên sớm đưa họ vào diện đóng bắt buộc”, Bộ trưởng nói.
Về vấn đề chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, đến hết năm 2022, khối lượng chậm đóng, trốn đóng tăng 2,69% so với mức của năm 2021, có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng, quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt...
Về hướng xử lý quyền lợi cho hơn 206.400 lao động bị trốn đóng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng cho hay đã hướng dẫn Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết theo hướng thu đến đâu tính đến đó. Với những người lao động đã chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp khác thì tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này chốt sổ để tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội.
“Biện pháp căn cơ là phải sửa Luật Bảo hiểm xã hội sớm trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu vào tháng 10-2023. Dự thảo đã bổ sung làm rõ hành vi chậm, trốn đóng, vì hành vi trốn đóng trước đây được đưa vào Bộ luật Hình sự nhưng chưa được xác định rõ. Cần áp dụng chế tài mạnh hơn với hành vi này như ngừng hóa đơn, cấm xuất cảnh bởi các biện pháp như hiện nay không có hiệu quả", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về vấn đề thu sai đối tượng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2003, chúng ta có chủ trương mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn cho một số tỉnh về đóng bảo hiểm xã hội. Có 54 tỉnh thu của 4.240 đối tượng từ năm 2003 đến năm 2016, đến năm 2016 thì có chủ trương dừng lại, nhưng có một số đối tượng vẫn nộp tiếp đến năm 2020 thì dừng hẳn.
“Về bản chất và đạo lý không có gì sai, nhưng vẫn bị vướng về quy định pháp luật. Cụ thể, quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội là phải có hợp đồng về giao kết bảo hiểm, nhưng ở đây, các chủ hộ kinh doanh không có hợp đồng giao kết, mà chỉ có hợp đồng của họ với nhân viên, những nhân viên của họ được nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng đối với các chủ hộ thì không có hợp đồng với ai cả, nên không được nộp bảo hiểm”, Bộ trưởng nói.
Những đối tượng này vừa là chủ hộ, vừa là người lao động, vừa có thu nhập, nên việc được tham gia bảo hiểm có thể coi là chấp nhận được, nhưng pháp luật lại không quy định, nên có thể kết luận là sai đối tượng. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, tới đây, khi tiến hành sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sẽ cho phép chủ hộ kinh doanh được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.