Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế: Chủ động sẽ là lợi thế cho doanh nghiệp

Quyết định số 345/QĐ-BTC năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thể hiện rất rõ định hướng của Việt Nam trong triển khai Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) theo xu hướng chung của quốc tế. Điều này hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh và tài trợ vốn trong tương lai.

Triển khai IFRS là yêu cầu tất yếu

Thực tế, cho đến nay nhiều doanh nghiệp (DN), trong đó có cả DN nhà nước (DNNN) đã biết nắm bắt cơ hội và xu thế này, đồng thời có sự đầu tư hết sức bài bản và nghiêm túc cho việc áp dụng IFRS tại DN mình. Tuy nhiên, đi cùng thời cơ thì luôn có những thách thức.

Các doanh nghiệp kiểm toán liên tục đổi mới và cập nhật các kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực chuyên ngành kế toán – kiểm toán phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Ông Đỗ Hồng Dương - Phó Tổng giám đốc dịch vụ kiểm toán và đảm bảo của Deloitte Việt Nam, cho rằng Quyết định 345 thể hiện rõ ý chí của Chính phủ hướng đến việc áp dụng IFRS tại Việt Nam theo lộ trình cụ thể.

Trong giai đoạn 2020-2021, Deloitte Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp xúc và hỗ trợ cho các DN nói chung trong nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là DNNN, các ngân hàng có vốn nhà nước lớn hoạt động trên thị trường trong việc chuẩn bị cho việc áp dụng IFRS. “Trong quá trình làm việc, chúng tôi có cơ hội lắng nghe những chia sẻ tâm tư, băn khoăn và phần nào lo lắng từ phía các DN, ngân hàng, thành phần khác trong nền kinh tế trong việc áp dụng IFRS như thế nào” – ông Dương cho biết.

Trong 2 năm qua, khi Quyết định 345 ra đời, cùng với sự truyền thông rất sát sao, quyết liệt của Bộ Tài chính, sự tham gia của Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán, cũng như các đơn vị khác trong Bộ Tài chính đã cho thấy, các DN, các thành viên tham gia thị trường rất hiểu lý do vì sao cần phải triển khai IFRS tại Việt Nam.

Xây dựng chính sách khuyến khích áp dụng IFRS tại Việt Nam

Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) do Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế ban hành và giữ bản quyền, Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều không được cấp quyền xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật để áp dụng IFRS mà phải tuân thủ theo hướng dẫn kỹ thuật của ủy ban này.

Bộ Tài chính Việt Nam hướng dẫn thể thức, pháp lý hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp áp dụng IFRS một cách thuận lợi. Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán cũng sẽ xây dựng những khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước khác để đưa ra những chính sách khuyến khích áp dụng IFRS tại Việt Nam.

Ông Dương chia sẻ, ngôn ngữ kế toán quốc tế chính là IFRS, đồng thời cũng là một phần của ngôn ngữ kinh doanh. Nếu chúng ta muốn hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thì bắt buộc phải có ngôn ngữ của kinh tế quốc tế. Nhu cầu thu hút vốn cả vốn chủ sở hữu, vốn vay, hợp tác trong lĩnh vực tài chính quốc tế đối với các DN, ngân hàng tại Việt Nam ngày càng tăng.

Do vậy trong quá trình các DN, ngân hàng tham gia vào thị trường vốn quốc tế, các yêu cầu nhận được từ đối tác, nhà cho vay, nhà đầu tư là có được báo cáo tài chính lập theo ngôn ngữ kế toán chung, kế toán quốc tế là rất rõ.

Ông Dương cũng cho rằng, xu hướng toàn cầu hóa về hợp tác và phát triển kinh tế, kế toán không còn là vấn đề mang tính nội tại, riêng biệt của từng quốc gia. Đồng thời, nhu cầu các DN Việt Nam niêm yết hoặc thu hút vốn trên thị trường nước ngoài cũng ngày càng gia tăng. Thị trường tài chính đang thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Trong khi đó, các chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) cũng có những hạn chế khi chưa đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế. Trong đó, xuất hiện ngày càng nhiều các giao dịch kinh tế, công cụ tài chính phức tạp chưa có các chuẩn mực, hướng dẫn liên quan; hay chưa sử dụng mô hình giá trị hợp lý/định giá lại cho tài sản trong nhiều trường hợp không phản ánh hết tầm vóc và tiềm năng của DN.

Cần quy trình chuyển đổi để tiếp cận tốt hơn chuẩn mực quốc tế

Định hướng của Bộ Tài chính nhằm hỗ trợ DN cũng như kiến nghị để DN chuyển đổi IFRS thành công, do đó, theo ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính đã thành lập ban biên dịch, soát xét bản dịch IFRS ra tiếng Việt. Tuy nhiên, bản dịch IFRS không phải là điều kiện bắt buộc phải có để áp dụng IFRS tại Việt Nam.

Bản dịch IFRS là công cụ hỗ trợ thị trường mà Bộ Tài chính cung cấp để giúp cho cơ quan quản lý nhà nước, những người làm công tác kế toán ở các DN, các cơ sở giảng dạy có thể tiếp cận IFRS dễ dàng hơn, “chứ không phải không có bản dịch IFRS mà chúng ta dừng việc thực hiện IFRS” - ông Vinh nhấn mạnh.

Do vậy, theo đại diện Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán, việc công bố bản dịch cần thời gian rất dài để soát xét nên Bộ Tài chính sẽ công bố theo hình thức cuốn chiếu.

Ông Vinh cho biết thêm, Bộ Tài chính cũng đang khẩn trương nghiên cứu soạn thảo thông tư hướng dẫn thể thức áp dụng IFRS. Khuyến nghị về một số giải pháp để DN áp dụng thành công IFRS, ông Vinh cho rằng: DN cần xây dựng một chiến lược và định hướng cụ thể, rõ ràng trong tương lai. Trong đó, DN cần bố trí quỹ thời gian đủ dài, kinh phí cho đào tạo nguồn nhân lực của bộ phận kế toán, cũng như một số bộ phận liên quan để có thể hiểu và áp dụng thành thạo IFRS, vì hệ thống IFRS có tới 43 chuẩn mực.

DN cũng cần phải thực hiện chuyển đổi số một cách mạnh mẽ ở cả IFRS và VAS. Theo ông Trịnh Đức Vinh, việc đầu tư hệ thống công nghệ thông tin cho chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc.

Dẫn chứng cho sự cần thiết trên, ông Vinh nêu rõ, trong giai đoạn áp dụng tự nguyện đối với DNNN, công ty mẹ được phép trình bày báo cáo tài chính hợp nhất theo IFRS, nhưng báo cáo riêng của công ty mẹ và các công ty con vẫn theo chuẩn mực kế toán của Việt Nam. Chính vì thế, ngoài việc lập báo cáo tài chính hợp nhất, DNNN còn phải chuyển đổi báo cáo tài chính riêng từ VAS sang IFRS, như vậy sẽ mất thêm thời gian nếu DN không thực hiện chuyển đổi số.

Ngoài ra, cũng cần xây dựng quy trình chuyển đổi từ báo cáo tài chính theo chuẩn mực của Việt Nam sang theo chuẩn mực quốc tế. Để hỗ trợ điều đó, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán dự kiến đẩy nhanh quá trình xây dựng lại chuẩn mực kế toán của Việt Nam sao cho tiếp cận ngày càng gần hơn so với chuẩn mực kế toán của quốc tế.

Lưu ý các rủi ro, sai sót cho doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận

Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) vừa phối hợp cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức cuộc họp trực tuyến với chủ đề: “Lưu ý các doanh nghiệp kiểm toán về những rủi ro trong kiểm toán báo cáo tài chính của các công ty đại chúng, công ty niêm yết nhằm nâng cao chất lượng thông tin trên thị trường chứng khoán”.

Theo ông Phạm Sỹ Danh - Chủ tịch VACPA, năm 2022, UBCKNN đã chấp thuận cho 33/210 doanh nghiệp kiểm toán được kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán. Vì vậy nhóm 33 doanh nghiệp kiểm toán này có vai trò quan trọng trong việc minh bạch và nâng cao độ tin cậy của thông tin trên thị trường chứng khoán. Mặc dù số lượng ít, nhưng với doanh thu chiếm khoảng 80% của toàn ngành kiểm toán độc lập, cho thấy vị trí, đóng góp và sự ảnh hưởng của nhóm doanh nghiệp kiểm toán này đối với ngành nghề. Tuy nhiên qua các kỳ kiểm soát chất lượng định kỳ, qua hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên và qua hoạt động xem xét, chấp thuận doanh nghiệp kiểm toán hàng năm của UBCKNN cho thấy, vẫn còn những sai sót, tồn tại cả về hệ thống kiểm soát chất lượng ở cấp độ doanh nghiệp kiểm toán cũng như cả về hồ sơ từng cuộc kiểm toán cụ thể, cần khắc phục để nâng cao chất lượng kiểm toán.

Việc tổ chức cuộc họp này ngay trước thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán năm 2021, rất cần thiết để hướng đến mục tiêu chung là nâng cao chất lượng thông tin trên thị trường chứng khoán.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ap-dung-chuan-muc-bao-cao-tai-chinh-quoc-te-chu-dong-se-la-loi-the-cho-doanh-nghiep-101416.html