Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa

Sau 2 vụ thử nghiệm phương pháp gieo và cấy mạ bằng máy, đến nay, nhiều nông dân trồng lúa trên địa bàn xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu) đã tích cực tham gia sản xuất lúa bằng hình thức trên với kỳ vọng nâng cao chất lượng lúa, xây dựng thương hiệu gạo sạch.

Máy gieo mạ khay được nông dân đầu tư sản xuất. Ảnh: N.Liên

Máy gieo mạ khay được nông dân đầu tư sản xuất. Ảnh: N.Liên

Theo các nông dân, mô hình gieo và cấy mạ bằng máy giúp cho lúa đạt năng suất cao, chất lượng hạt lúa tốt và phù hợp với hướng sản xuất gạo sạch mà nhiều bà con đang theo đuổi. Đặc biệt, trong vụ mùa năm nay, số lượng bà con nông dân cũng như diện tích lúa tham gia mô hình này đã tăng lên cho thấy niềm tin của bà con vào hiệu quả của mô hình gieo, cấy lúa bằng máy.

* Tiếp cận máy móc trong sản xuất lúa

Ngoài những hiệu quả về chất lượng lúa được nâng lên, việc sử dụng thiết bị máy móc trong gieo, cấy cũng hướng đến mục đích giảm sức lao động cho nông dân. Là người đang áp dụng mô hình gieo mạ và cấy lúa bằng máy cho 1,4ha lúa của gia đình, ông Lê Ngọc Hải, nông dân ấp Bình Lục, xã Tân Bình cho biết, từ khi áp dụng cơ giới hóa trong việc gieo và cấy lúa, năng suất lúa của gia đình ông cao hơn so với phương pháp sạ lúa thông thường trước kia. Ruộng lúa nhà ông Hải đã giảm bón phân hóa học cũng như công chăm sóc rất nhiều. Theo ông Hải, tuy chi phí cho việc gieo mạ khay cũng như việc cấy lúa bằng máy cao hơn phương pháp thủ công truyền thống nhưng đó chỉ là chi phí ban đầu, bởi những khâu chăm sóc sau như phân bón, thuốc, lúa giống đều giảm nên xét về tổng thể thì gieo cấy lúa bằng máy không phát sinh chi phí nhiều hơn phương pháp truyền thống.

Bà Trần Thị Phương Chi cho biết, phương pháp gieo mạ và cấy lúa bằng máy giúp bà con nông dân tiết kiệm được 50% lúa giống và tránh được tình trạng lúa lộn (lúa cỏ, không có năng suất). Những ruộng được cấy lúa bằng máy hạn chế tình trạng bị chuột đồng phá hoại cây lúa do không có lúa lộn (chuột phá ruộng do tìm lúa lộn để ăn). Đặc biệt là giảm được rất nhiều phân bón, thuốc hóa học trong quá trình chăm sóc. Cây lúa được trồng bằng máy trưởng thành cứng cáp hơn, hạn chế tình trạng đổ ngã, hạt lúa chắc, cho năng suất cao. Một số giống lúa được trồng chủ yếu hiện nay là các giống Đài thơm 8, OM4900, 6162; đặc biệt đây là vụ thứ hai xã Tân Bình trồng giống lúa ST24 theo hướng hữu cơ được người tiêu dùng đón nhận.

Không chỉ hộ gia đình ông Hải, các hộ ông dân khác như hộ ông Lương Thiện Phương, Nguyễn Điền Trung... đều đồng tình với quan điểm áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất gạo sạch là một trong những giải pháp giúp nông dân tiết kiệm sức lao động, lúa giống, nâng cao năng suất và chất lượng hạt lúa. Theo ông Nguyễn Điền Trung, người tham gia mô hình này ngay từ những ngày đầu cho biết, trước đây gia đình ông sử dụng phương pháp sạ lúa truyền thống bị lẫn rất nhiều lúa lộn (lúa cỏ, không có năng suất), đây là một trong những món ăn ưa thích của chuột đồng nên ruộng lúa của gia đình ông bị chuột phá, thiệt hại nặng. Từ khi chuyển qua gieo mạ khay và cấy lúa bằng máy, tình trạng chuột phá lúa không còn, hạt lúa chắc hơn nên năng suất cao hơn.

* Hướng tới ngày càng nhiều nông dân tham gia

Là người tự bỏ tiền túi để đầu tư máy gieo mạ khay và máy cấy lúa, ThS Trần Thị Phương Chi cho biết, để thuyết phục được bà con tin tưởng và áp dụng phương pháp gieo, cấy lúa bằng máy, vụ lúa đầu tiên, bà Chi hỗ trợ hoàn toàn công cho bà con. Thời điểm đó, bà Chi thuyết phục được một số hộ dân tham gia với diện tích khoảng 9ha. Vụ đầu tiên đạt chất lượng nhưng vẫn chưa có nhiều người quan tâm do lần đầu áp dụng máy móc vào sản xuất nên chưa có kinh nghiệm, còn áp dụng máy móc theo công thức mà không chú ý đến thời tiết, thổ nhưỡng nên mạ phát triển chưa đều. Rút kinh nghiệm qua từng vụ, vụ mùa năm nay, có khoảng 13ha lúa của 14 hộ dân sẽ sử dụng phương pháp gieo mạ và cấy bằng máy. “Tất cả diện tích lúa sử dụng phương pháp gieo mạ và cấy lúa bằng máy sẽ phải trả chi phí dịch vụ 5 triệu đồng/ha. Cơ sở Gạo sạch Bình Lục sẽ bảo đảm đầu ra cho những hộ tham gia sản xuất sạch với giá tốt nhất” - bà Chi chia sẻ.

Máy cấy lúa được đưa vào sử dụng, nâng cao năng suất cây lúa

Máy cấy lúa được đưa vào sử dụng, nâng cao năng suất cây lúa

Xã Tân Bìnhhiện có khoảng 120ha diện tích đang cấy lúa. Phần lớn bà con vẫn áp dụng mô hình sạ lúa truyền thống. Ông Bùi Văn Đáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình cho biết, phương pháp gieo mạ và cấy lúa bằng máy mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân nên bản thân ông mong muốn ngày càng nhiều người tham gia. áp dụng máy móc vào sản xuất lúa vừa tiết kiệm sức lao động, vừa có điều kiện sản xuất lúa sạch do giảm phân bón, thuốc hóa học nhằm xây dựng một thương hiệu lúa sạch chung cho cả địa bàn xã Tân Bình.

Bà Trần Thị Phương Chi cho biết, Cơ sở Gạo sạch Bình Lục do bà Chi làm chủ sẽ sẵn sàng hỗ trợ tất cả nông dân trên địa bàn huyện có nhu cầu cấy lúa bằng máy với các công đoạn từ khâu gieo mạ đến khâu cấy. “Chúng tôi sẽ cho những hộ nào có nhu cầu trải nghiệm cấy lúa bằng máy mượn các thiết bị máy móc mà không tính chi phí, đồng thời tư vấn giúp bà con kỹ thuật ngâm, ủ giống và chuẩn bị ruộng trước khi cấy và cách chăm sóc lúa sau khi cấy xong. Tôi đã phải tìm hiểu rất kỹ trước khi đầu tư, triển khai mô hình này đến bà con xã Tân Bình, sau 3 vụ thấy rằng đây là phương pháp cho hiệu quả cao, do đó tôi mong có nhiều nông dân trồng lúa được sử dụng phương pháp này, sẵn sàng hỗ trợ khi bà con cần” - bà Chi cho hay.

Thời gian qua, UBND H.Vĩnh Cửu luôn khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ về cơ giới hóa phục vụ sản xuất đồng bộ từ khâu làm đất đến gieo trồng, phun thuốc, tưới nước, thu hoạch; ứng dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ để giảm chi phí, hạ giá thành và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm tiêu thụ trên thị trường.

Theo đó, công tác giống, quy trình công nghệ sản xuất đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện và áp dụng rộng rãi trong sản xuất; các nguồn giống chủ lực của huyện đang được tập trung thực hiện theo kế hoạch. Các khâu sản xuất nông nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã được xây dựng theo quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng sản xuất hữu cơ. Để nông dân có cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật, UBND huyện thường xuyên tổ chức hội thảo, đánh giá mô hình, phổ biến sâu rộng trong nhân dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học, công nghệ cao trong sản xuất, nhất là đối với các loại cây trồng chủ lực; sử dụng các loại cây giống mới có năng suất, chất lượng đảm bảo; tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án khoa học công nghệ để nhân rộng trên địa bàn huyện.

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/trangdiaphuong/202009/ap-dung-co-gioi-hoa-trong-san-xuat-lua-3020307/