Áp dụng giải pháp 'tiền phòng – hậu kiểm' để bảo vệ thị trường vốn
Bộ Tài chính sẽ triển khai các giải pháp ngăn ngừa vi phạm trên thị trường vốn theo hướng 'tiền phòng, hậu kiểm' nhằm bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và các doanh nghiệp.
Thông điệp này được ông Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Bộ Tài chính – chia sẻ trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: mof.gov.vn
Ông cho biết Bộ Tài chính sẽ có các giải pháp để ngăn ngừa vi phạm theo hướng “tiền phòng, hậu kiểm” để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư tham gia thị trường vốn. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trên thị trường được hoạt động một cách bình đẳng, minh bạch và đúng pháp luật.
Theo đó, cơ quan này đã trình Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các luật khác liên quan với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, qua đó tăng cường các điều kiện để thị trường phát triển lành mạnh. Công việc này, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, giống như “xây dựng những con đường nhưng có thêm các quy định để hạn chế xảy ra tai nạn”.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 nhằm định hình mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển thị trường trong dài hạn.
Bên cạnh đó, tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo hướng rà soát, phân loại, kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án với từng công ty để có biện pháp xử lý. Đồng thời, tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư nhằm cải thiện chất lượng cầu đầu tư, hướng tới cầu đầu tư bền vững.
Với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý thị trường, ông Phớc khẳng định các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm, dứt điểm, nhanh gọn. Nhưng cũng tạo mọi điều kiện để các tổ chức sai phạm vừa qua sớm ổn định, nhanh chóng ổn định sản xuất – kinh doanh nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho cổ đông và người lao động.
“Nhà nước tôn trọng quy luật khách quan của thị trường, nhưng luôn có sự giám sát, quản lý, điều tiết hợp lý bằng pháp luật”, ông Phớc nói và cho biết mục tiêu của cơ quan quản lý là xây dựng thị trường chứng khoán thành sân chơi minh bạch, công bằng, bình đẳng cho mọi người chơi trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết đã hoàn thành dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020 và trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Cơ quan này cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh các sai phạm. Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ kiểm tra và chấn chỉnh các tổ chức kinh doanh chứng khoán nhằm ngăn ngừa các sai phạm, hạn chế việc “lách” quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Còn Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán sẽ trực tiếp kiểm tra báo cáo tài chính đã kiểm toán tại các đơn vị phát hành. Đồng thời, kiểm tra lại những công ty kiểm toán đã kiểm toán các doanh nghiệp đó. “Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm các đơn vị kiểm toán độc lập thiếu trách nhiệm để xảy ra sai sót”, ông Phớc nói.
Những giải pháp nói trên được Bộ Tài chính đưa ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán trải qua giai đoạn điều chỉnh giảm điểm mạnh trong gần 3 tuần qua do tâm lý thận trọng trước động thái xử lý các vụ việc trên thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của cơ quan chức năng.
Về triển vọng thị trường, ông Phớc dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng các yếu tố hỗ trợ tích cực mang tính nền tảng từ kinh tế vĩ mô và nội tại thị trường. Ngoài ra, nỗ lực thanh lọc, lành mạnh hóa thị trường trong những tháng qua cũng tạo tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường trong trung và dài hạn.
“Các sự việc, sự vụ đơn lẻ vừa qua chỉ có tác động tới tâm lý của thị trường trong ngắn hạn. Việc thanh lọc thị trường sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp, nhà đầu tư chân chính, tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán nhằm thu hút thêm các dòng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước, góp phần hỗ trợ quá trình nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi”, ông Phớc nói.
Vân Phong