Áp dụng hiệu quả kỹ thuật mới trong công tác khám chữa bệnh

Nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, ngành y tế tỉnh luôn chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ vào khám chữa bệnh. Thành quả từ công tác này đã khích lệ đội ngũ cán bộ phát huy tinh thần sáng tạo để có những sáng kiến được áp dụng hiệu quả vào công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Bệnh viện Mắt tỉnh Quảng Trị luôn chú trọng việc nghiên cứu, áp dụng các đề tài sáng kiến vào khám, chữa bệnh về mắt - Ảnh: H.T

Bệnh viện Mắt tỉnh Quảng Trị luôn chú trọng việc nghiên cứu, áp dụng các đề tài sáng kiến vào khám, chữa bệnh về mắt - Ảnh: H.T

Tại hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ X, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh là đơn vị có 3 giải pháp sáng tạo kỹ thuật đoạt giải Nhì, giải Ba và giải Khuyến khích. Trong đó, giải pháp “Tự động reset bộ phận hình ảnh IP Cassette sau mỗi tư thế chụp của hệ thống X-quang nhũ ảnh” của nhóm tác giả Nguyễn Hoài Nam và Lê Anh Thư là một trong hai giải pháp xuất sắc đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) của hội thi.

Anh Nguyễn Hoài Nam, nhân viên Phòng Vật tư - Trang thiết bị, BVĐK tỉnh, đại diện nhóm tác giả chia sẻ: Giải pháp “Tự động reset bộ phận hình ảnh IP Cassette sau mỗi tư thế chụp của hệ thống X-quang nhũ ảnh” góp phần hỗ trợ việc khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân, đồng thời kéo dài tuổi thọ của máy móc, trang thiết bị y tế. Đề tài nghiên cứu đoạt giải cao tại hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ X không chỉ là niềm vinh dự của nhóm tác giả mà qua đó còn khẳng định được tính thiết thực của phong trào thi đua nghiên cứu khoa học và cải tiến kỹ thuật được tổ chức hàng năm tại đơn vị.

Trang thiết bị y tế là phương tiện rất cần thiết để chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh một cách chính xác và hiệu quả. Mặt khác, việc sử dụng trang thiết bị y tế sao cho phát huy hết chức năng, công năng và hạn chế những tác động hư hỏng bên ngoài, kéo dài tuổi thọ cũng là một vấn đề cần được đặt ra.

Năm 2017, máy X-Quang nhũ ảnh được đưa vào sử dụng tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK tỉnh. Sau mỗi lần chụp 1 tư thế, kỹ thuật viên sẽ rút cassette (hộp đựng tấm phim) rửa phim và phải gắn cassette mới nếu muốn chụp các tư thế khác.

Năm 2018, nhận thấy việc trả kết quả bằng cách rửa phim thủ công không mang lại hiệu quả cao, bệnh viện đã trang bị thêm tấm nhận ảnh IP cassette, nâng cấp thành X-Quang kỹ thuật số. Nhưng đối với thiết bị này lại tồn tại một nhược điểm, đó là kỹ thuật viên phải thực hiện thao tác rút tấm nhận ra, đưa tấm nhận vào sau mỗi tư thế chụp, gây tác động trực tiếp lên tấm nhận.

“Mỗi năm, kỹ thuật viên di chuyển và tác động lên tấm nhận khoảng từ 7.280 - 10.400 lần, do đó ảnh hưởng trực tiếp lên bộ nhận hình ảnh IP cassette và cáp truyền tín hiệu. Chúng tôi thực hiện giải pháp này với mục tiêu hạn chế tác động trực tiếp của người sử dụng lên tấm nhận và cáp truyền tín hiệu (trị giá trên 1,2 tỉ đồng), tránh trường hợp hao mòn, sơ suất làm rơi vỡ trong quá trình sử dụng. Giải pháp được nghiên cứu thực hiện từ tháng 8/2021 đến tháng 1/2022 thì hoàn thành và đưa vào áp dụng để khám, chữa bệnh cho bệnh nhân”, anh Nam cho biết.

Anh Nguyễn Hoài Nam và chị Lê Anh Thư là các tác giả thực hiện sáng kiến “Tự động reset bộ phận hình ảnh IP Cassette sau mỗi tư thế chụp của hệ thống X-quang nhũ ảnh” -Ảnh: H.T

Anh Nguyễn Hoài Nam và chị Lê Anh Thư là các tác giả thực hiện sáng kiến “Tự động reset bộ phận hình ảnh IP Cassette sau mỗi tư thế chụp của hệ thống X-quang nhũ ảnh” -Ảnh: H.T

Chị Lê Anh Thư, nhân viên Phòng Vật tư - Trang thiết bị, BVĐK tỉnh, chia sẻ: “Sau khi đưa vào vận hành chạy thử, tấm nhận hình ảnh hoạt động tốt, không làm thay đổi kết cấu, cấu tạo của thiết bị. Người sử dụng (kỹ thuật viên) không phải tác động ngoại lực lên tấm nhận hình ảnh và cáp truyền tín hiệu giúp giảm tải hao mòn thiết bị do tác động trực tiếp trong quá trình sử dụng.

Đặc biệt, mỗi lần chụp sẽ tiết kiệm được khoảng từ 9 -15 phút/bệnh nhân. Từ đó, giúp rút ngắn thời gian trả kết quả cho bệnh nhân, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và tăng năng suất, khối lượng công việc thực hiện được cho các kỹ thuật viên”.

Được biết, ngoài đề tài nghiên cứu trên, anh Nguyễn Hoài Nam còn là tác giả của nhiều đề tài nghiên cứu giúp cải tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng các trang thiết bị, máy móc nhằm chẩn đoán và điều trị bệnh, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân như: Cải tiến vòng roăng dẫn động cho máy định danh vi khuẩn và kháng sinh đồ (năm 2020); Cải tiến nguồn pin sạc qua nguồn 5V dùng cho SpO2 cầm tay dùng trong lồng ấp sơ sinh (năm 2021)...

Bệnh viện Mắt Quảng Trị cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc hưởng ứng phong trào thi đua lao động sáng tạo do ngành y tế phát động. Nhiều đề tài, sáng kiến khoa học kỹ thuật, phương pháp điều trị mới của đơn vị được áp dụng thành công vào công tác khám, chữa bệnh, đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy của Nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Năm 2021, giải pháp “Hiệu quả của phương pháp ghép kết mạc tự thân nhiều lớp điều trị viêm loét giác mạc thủng hoặc dọa thủng” của tác giả Bùi Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh đoạt giải Ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ IX (2020-2021).

Bác sĩ Bùi Thị Vân Anh chia sẻ, đây là kỹ thuật mới và lần đầu tiên được áp dụng tại Quảng Trị cũng như Việt Nam. Trước đây, các bệnh nhân viêm loét giác mạc dọa thủng hoặc thủng ở Quảng Trị gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và được tiến hành ghép màng ối hoặc dán keo sinh học điều trị bảo tồn. Đứng trước thực tế đó, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, Bệnh viện Mắt Quảng Trị đã tiến hành nghiên cứu và đưa vào áp dụng phương pháp ghép kết mạc nhiều lớp để điều trị cho các trường hợp thủng hoặc dọa thủng giác mạc do viêm loét giác mạc.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày càng đổi mơíphong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh - Ảnh: H.T

Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày càng đổi mơíphong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh - Ảnh: H.T

Việc áp dụng phương pháp này giúp điều trị kịp thời và bảo tồn được nhãn cầu của người bệnh, đồng thời giảm tỉ lệ mù lòa do giữ lại nhãn cầu hoặc một phần thị lực để giúp người bệnh chờ cơ hội được ghép giác mạc, nhất là với những người trong độ tuổi lao động.

“Khi chưa áp dụng phương pháp này, người bệnh viêm loét giác mạc dọa thủng hoặc thủng ở tỉnh Quảng Trị phải lên bệnh viện tuyến trung ương, người bệnh giảm thị lực phải có người nhà đi cùng nên tốn nhiều tiền bạc và thời gian; chi phí của một cuộc phẫu thuật ghép màng ối hoặc dán keo sinh học cũng thường rất cao.

Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp ghép kết mạc tự thân nhiều lớp tại Quảng Trị, bệnh nhân sau điều trị được theo dõi, tái khám ngay tại tuyến cơ sở nên tiết kiệm chi phí, thời gian và giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội”, bác sĩ Vân Anh cho biết.

Với mục tiêu tạo động lực và tinh thần làm việc hăng say, hiệu quả, vì sự hài lòng của người bệnh, thời gian qua, Công đoàn ngành Y tế Quảng Trị đã phát động các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành.

Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Nguyễn Thị Minh Tuyết cho biết: “Các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, người lao động do công đoàn ngành phát động có nhiều đổi mới cả về nội dung, hình thức và biện pháp tổ chức thực hiện. Trọng tâm là các phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” với 666 đề tài, sáng kiến được nghiệm thu trong giai đoạn 2018-2023, trong đó có nhiều đề tài, sáng kiến ứng dụng có hiệu quả, tham gia hội thi Sáng tạo, kỹ thuật cấp tỉnh đoạt giải cao.

Thời gian tới, Công đoàn ngành Y tế Quảng Trị tiếp tục phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch, phát động phong trào thi đua yêu nước, thi đua chuyên đề; đổi mới nội dung và hình thức tổ chức các phong trào thi đua trong đoàn viên và người lao động, trọng tâm là phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” nhằm khơi dậy, phát huy tinh thần sáng tạo trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động”.

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/ap-dung-hieu-qua-ky-thuat-moi-trong-cong-tac-kham-chua-benh/182524.htm