Lý do đối thủ Trung Quốc của SpaceX được thực hiện nhiệm vụ tiếp theo nhanh hơn khi phóng tên lửa thất bại
Trong khi SpaceX phải đối mặt với các thủ tục giấy tờ kéo dài cho mỗi lần phê duyệt phóng tên lửa, các quy định linh hoạt ở Trung Quốc giúp các công ty hàng không vũ trụ được thực hiện nhiệm vụ khác nhanh hơn.
Một tên lửa tái sử dụng của Deep Blue Aerospace, công ty hàng không vũ trụ tư nhân Trung Quốc, đã phát nổ khi hạ cánh trong chuyến bay thử nghiệm hôm 22.9. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai báo cáo thất bại trong việc hạ cánh của tên lửa.
Song không giống SpaceX, phải chờ nhiều phê duyệt của cơ quan liên bang Mỹ trước khi thực hiện một nhiệm vụ phức tạp khác, Deep Blue Aerospace đã chuẩn bị cho lần phóng tiếp theo.
Deep Blue Aerospace cho biết chuyến bay tiếp theo đã được lên lịch vào tháng 11, nhờ các quy định hàng không vũ trụ linh hoạt ở Trung Quốc và các giao thức an toàn toàn diện của riêng công ty.
Lúc 13 giờ 40 chiều 22.9, Deep Blue đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm cất và hạ cánh theo phương thẳng đứng của phương tiện phóng tái sử dụng Nebula-1 từ một địa điểm ở khu tự trị Nội Mông thuộc miền bắc Trung Quốc. Phương tiện này đã bay lên và xuống một cách trơn tru, nhưng động cơ của nó tắt trước khi hạ cánh, khiến tên lửa bị rơi và phát nổ.
Dù gặp sự cố trong giai đoạn cuối, Nebula-1 đã hoàn thành 10 trong 11 mục tiêu của thử nghiệm cất hạ cánh thẳng đứng. Thử nghiệm được coi là sự kiện quan trọng với quá trình phát triển tên lửa tái sử dụng của Trung Quốc vì đây là lần đầu tiên một tên lửa quỹ đạo, thay vì tên lửa thí nghiệm, được dùng.
"Một cuộc thử nghiệm cất, hạ cánh theo phương thẳng đứng khác sẽ được thực hiện vào tháng 11 và tên lửa sẽ được phóng vào quỹ đạo trong quý 1/2025", Du Pengfei (kỹ sư trưởng của Deep Blue Aerospace) cho biết.
Giải thích về việc Deep Blue Aerospace được phóng lại tên lửa một cách nhanh chóng, Du Pengfei nói hôm 28.9: “Chính phủ Trung Quốc rất khoan dung và khuyến khích các chuyến bay thương mại vào vũ trụ. Chúng tôi đã triển khai các biện pháp an toàn toàn diện và việc nhận được sự chấp thuận sau khi nộp đơn yêu cầu diễn ra nhanh chóng”.
Một chuyên gia khác trong ngành vũ trụ, yêu cầu không nêu tên, chia sẻ với trang SCMP: “Việc đăng ký và được chấp thuận các chuyến bay thử nghiệm dưới 30km không quá phức tạp theo các quy định trên trang web của Cục Quản lý Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng Nhà nước”.
Bên kia Thái Bình Dương, SpaceX cho biết đã phải đối mặt với sự chậm trễ khi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) xem xét các phê duyệt phóng tên lửa. Thế nhưng, những lần phê duyệt này chủ yếu liên quan đến các nhiệm vụ phức tạp hơn.
Các vụ phóng tên lửa của SpaceX cần được FAA phê duyệt giấy phép phóng, những yêu cầu về an toàn và môi trường, vấn đề về trách nhiệm tài chính và tuân thủ chính sách.
Giấy phép cho chuyến bay thử nghiệm thứ 5 của tên lửa khổng lồ Starship được dự kiến vào tháng 9 này, nhưng FAA tuyên bố rằng SpaceX phải đợi đến cuối tháng 11. Đây là quyết định được cho dựa trên các yếu tố kỹ thuật, an toàn và thậm chí là cả yếu tố chính trị tiềm ẩn khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần (tháng 11 tới).
SpaceX chỉ trích sự chậm trễ về phê duyệt phóng tên lửa của FAA trong một bài đăng trên blog: "Thật không may, chúng tôi vẫn tiếp tục bị mắc kẹt trong thực tế là mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành thủ tục giấy tờ của chính phủ để cấp phép phóng tên lửa so với việc thiết kế và chế tạo phần cứng thực tế".
Giải thích về sự khác biệt về phạm vi giữa hai nhiệm vụ, Du Pengfei của Deep Blue Aerospace nói: "Chuyến bay thử nghiệm Starship thực sự ở cấp độ quỹ đạo. Độ cao và tốc độ bay của nó tương đối cao, trong khi thử nghiệm cất và hạ cánh của chúng tôi gần với bề mặt Trái đất hơn".
Du Pengfei cho rằng mức độ tự chủ cao của Deep Blue Aerospace trong sản xuất tên lửa và công nghệ phóng giúp công ty có thể nhanh chóng đưa ra các phản ứng sau các sự cố hoặc thách thức, nhấn mạnh một số tiến bộ công nghệ quan trọng của Nebula-1.
Nebula-1 là tên lửa hai tầng đường kính 3,35m, hoạt động bằng hỗn hợp dầu kerosene và oxy lỏng. Tầng đầu tiên có 9 động cơ Thunder-R1 biến đổi lực đẩy, sản xuất bằng công nghệ in 3D. Tầng thứ hai chỉ trang bị một động cơ duy nhất. Thiết kế này cho phép tên lửa vận chuyển 2.000kg lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp, với phiên bản nâng cấp trong tương lai có khả năng mang tới 8.000kg.
Tầng đầu tiên của Nebula-1 được trang bị động cơ dầu kerosene và oxy lỏng được phát triển hoàn toàn ở Trung Quốc.
Ngoài ra, hơn 90% cấu trúc chính của động cơ, ngoại trừ các con dấu và một số thành phần điện, được làm bằng công nghệ in 3D, Du Pengfei cho biết. “Điều này rút ngắn thời gian sản xuất từ 3 tháng xuống chỉ còn 10 ngày với chi phí bằng 1/10, tạo điều kiện cho việc cải tiến sản phẩm nhanh chóng”, ông tiết lộ.
Du Pengfei nói thêm rằng nhóm thiết kế cũng sử dụng cấu trúc composite sợi carbon để chế tạo các chân hạ cánh nhẹ, có độ bền cao, đáp ứng các yêu cầu hạ cánh mềm trong khi giảm thiểu trọng lượng.
Hạ cánh mềm là thuật ngữ được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, nhưng ý nghĩa chung nhất là sự kiện hoặc quá trình kết thúc một cách êm ái, trơn tru và không gây ra bất kỳ tổn hại hay xáo trộn đáng kể nào.
Một lợi thế bổ sung là bãi phóng do Deep Blue Aerospace tự xây dựng và đội phóng tự động, cả hai đều rất quan trọng để thực hiện lại các thử nghiệm nhanh chóng.
“Chuyến bay thử nghiệm hôm 22.9 được tiến hành tại một trung tâm phóng tư nhân do Deep Blue xây dựng tại Ejin (Nội Mông), với tất cả thiết bị mặt đất, hệ thống tiếp nhiên liệu và hệ thống điều khiển do công ty tự phát triển. Căn cứ phóng chỉ cách Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền 100km và nằm ở một vùng sa mạc xa xôi. Tên lửa được trang bị cơ chế tự hủy trong các tình huống ngoài tầm với hoặc ở độ cao lớn. Cả hai đều là biện pháp an toàn mạnh mẽ để đảm bảo an toàn cho vụ phóng”, Du Pengfei nói.
Bốn địa điểm phóng chính của Trung Quốc, gồm Tửu Tuyền, Thái Nguyên, Tây Xương và Hải Nam, được coi là không đủ để đáp ứng nhu cầu tăng dự kiến về các vụ phóng tên lửa thường xuyên.
Do đó, Deep Blue Aerospace bắt đầu tìm hiểu việc xây dựng các địa điểm phóng tư nhân, nơi cũng có thể cung cấp những hiểu biết có giá trị cho các sáng kiến quốc gia trong tương lai, theo Du Pengfei.
Mục tiêu chính từ cuộc thử nghiệm hôm 22.9 là đo hiệu suất của tên lửa trong điều kiện lực đẩy thay đổi và thu thập dữ liệu để cải tiến trong tương lai, Du Pengfei cho hay. Nebula-1 có thể mang 9 động cơ khi được nạp đầy, nhưng cuộc thử nghiệm này chỉ sử dụng 3 động cơ và ít hơn 1/5 nhiên liệu đẩy.
Theo Du Pengfei, thử nghiệm đã xác nhận khả năng dẫn đường ngang của tên lửa trong giai đoạn hạ cánh, với máy tính điều khiển chuyến bay duy trì độ lệch quỹ đạo nhỏ hơn 0,5m trong một chuyển động ngang dự kiến là 200m.
Được thành lập vào năm 2016, Deep Blue Aerospace hy vọng Nebula-1 cuối cùng sẽ đưa vệ tinh và phi hành gia vào không gian.
Cuộc thử nghiệm của Deep Blue Aerospace vào tháng 11 tới sẽ nhằm mục đích phóng một tên lửa nhiều tầng, với mỗi tầng chứa động cơ riêng, trước khi phóng lên quỹ đạo theo kế hoạch vào đầu năm 2025.
Du Pengfei cho biết: "Mục tiêu thiết kế cho sản phẩm này là đạt được khả năng mang tải trọng 6 - 8 tấn lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp và 4 - 5 tấn lên quỹ đạo địa tĩnh, với khoảng 20 chu kỳ tái sử dụng".
Quỹ đạo địa tĩnh là quỹ đạo tròn đặc biệt quanh Trái đất, nằm ngay phía trên đường xích đạo. Vệ tinh di chuyển trên quỹ đạo này sẽ có cùng chu kỳ quay với Trái đất, nghĩa là nó sẽ luôn ở vị trí cố định so với một điểm trên bề mặt Trái đất.