Áp dụng IFRS: Thành bại tại nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp

Chìa khóa để triển khai Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) tại Việt Nam nằm ở nhận thức và sự chủ động của lãnh đạo doanh nghiệp chứ không phải kinh phí.

Việc triển khai IFRS tại Việt Nam được đánh giá là bước đi chiến lược giúp nâng cao tính minh bạch và hội nhập thị trường.

Việc triển khai IFRS tại Việt Nam được đánh giá là bước đi chiến lược giúp nâng cao tính minh bạch và hội nhập thị trường.

Có lộ trình, lo thiếu nhận thức

Tại Việt Nam, lộ trình áp dụng IFRS đã được Bộ Tài chính phê duyệt từ năm 2020 theo Quyết định số 345/QĐ-BTC, với định hướng từng bước đưa các chuẩn mực quốc tế vào hệ thống kế toán doanh nghiệp.

Theo ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Kế toán, Kiểm toán Bộ Tài chính, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc; Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng Thông tư để tạo khung khổ pháp lý cho việc áp dụng IFRS tại Việt Nam, tuy nhiên hiện Thông tư đang trong giai đoạn dự thảo, hy vọng trong thời gian tới khi Dự thảo thông tư hoàn chỉnh và được đưa ra xin ý kiến thì sẽ thấy rõ cách thức mà nhà nước hướng dẫn áp dụng IFRS như thế nào...

Ông Trịnh Đức Vinh cho biết thêm, Thông tư xây dựng trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp áp dụng IFRS, đồng thời tính đến từng đối tượng áp dụng tự chủ và tự nguyện áp dụng IFRS.

Đồng thời, để hỗ trợ doanh nghiệp về mặt nhân lực, kỹ thuật, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các hiệp hội nghề nghiệp và tổ chức quốc tế như ACCA, ICAEW để tổ chức các chương trình đào tạo miễn phí, nâng cao năng lực cho đội ngũ kế toán, kiểm toán viên và lãnh đạo doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai IFRS vẫn đang gặp nhiều rào cản. Một trong những điểm nghẽn lớn nhất là nhận thức chưa đầy đủ từ một bộ phận lãnh đạo doanh nghiệp.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế - Giải pháp và lộ trình cho doanh nghiệp Việt” do Tạp chí Kinh tế - Tài chính tổ chức, bà Nguyễn Thị Thủy- Giám đốc Đào tạo Công ty tư vấn kế toán, kiểm toán Auditcare & Partners Việt Nam (ACV) cho rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng hay hiểu rõ vai trò thiết yếu của IFRS trong việc nâng cao năng lực quản trị, tăng tính minh bạch thông tin tài chính và tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn quốc tế.

Theo bà Thủy, trong khi các tập đoàn lớn, doanh nghiệp FDI hay ngân hàng đã bắt đầu tiếp cận IFRS từ sớm, thì nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn mơ hồ, thậm chí xem IFRS như một gánh nặng hành chính hơn là một cơ hội chiến lược.

“Nếu không có sự nhận thức đúng đắn và quyết tâm từ cấp lãnh đạo, đặc biệt là ban giám đốc và hội đồng quản trị, thì rất khó để doanh nghiệp có thể triển khai IFRS một cách bài bản, hiệu quả”, bà Thủy nhận định.

Cùng quan điểm với bà Thủy, ông Trần Hồng Kiên- Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam nhận định, IFRS không đơn thuần là hệ thống kế toán, mà là nền tảng thúc đẩy tư duy minh bạch và quản trị hiện đại. Thành công trong triển khai IFRS phụ thuộc trước hết vào nhận thức và cam kết của ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Ông Kiên phân tích, điểm khác biệt cốt lõi giữa IFRS và chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) không chỉ là kỹ thuật trình bày, mà là triết lý kế toán dựa trên bản chất giao dịch thay vì hình thức pháp lý. Điều đó đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ đủ mạnh, văn bản hóa toàn bộ cách thức đánh giá giao dịch và cam kết bảo đảm độ tin cậy của thông tin tài chính.

“IFRS không thể áp dụng hiệu quả nếu tư duy lãnh đạo vẫn còn e ngại công khai thông tin, hoặc điều hành doanh nghiệp theo lối ứng biến thay vì chuẩn hóa quy trình,” ông Kiên nhấn mạnh.

Lỗi tại tư duy quản trị, không phải kỹ thuật

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thủy cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay không nằm ở cơ chế, chi phí hay năng lực kỹ thuật, mà là tư duy lãnh đạo.

“Chúng tôi từng chứng kiến nhiều doanh nghiệp FDI và ngân hàng như MB, Techcombank chủ động đào tạo nhân sự, thậm chí áp dụng IFRS từ trước khi có lộ trình chính thức. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn dè dặt do lo ngại minh bạch thông tin sẽ làm lộ điểm yếu tài chính hoặc ảnh hưởng tới giá cổ phiếu,” bà Thủy nhận xét.

Tuy nhiên, theo bà Thủy, những e ngại này là rào cản về tư tưởng nhiều hơn là thực tế. IFRS không chỉ phục vụ nhà đầu tư, mà còn giúp lãnh đạo doanh nghiệp ra quyết định tốt hơn nhờ thông tin tài chính chuẩn hóa, phản ánh đúng bản chất kinh tế.

Việc áp dụng IFRS không thể thành công trong “một sớm một chiều”. Đây là quá trình chuyển đổi toàn diện, cần sự kiên trì, đầu tư cả về tài chính lẫn con người. Trong bối cảnh đó, vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp trở nên then chốt, không chỉ là người ra quyết sách, mà còn là người dẫn dắt, tạo động lực thay đổi.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ quan chức năng, tổ chức nghề nghiệp như Bộ Tài chính, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), ACCA, ICAEW… đang đẩy mạnh tổ chức các khóa đào tạo, tọa đàm chuyên đề và xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hành. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng vẫn phụ thuộc vào sự chủ động, quyết tâm và tầm nhìn dài hạn của lãnh đạo doanh nghiệp.

Như một phép thử cho năng lực hội nhập, IFRS không đơn thuần là “áp lực tuân thủ” mà còn là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm trong chuỗi giá trị toàn cầu, nếu dám thay đổi từ gốc rễ nhận thức.

Tuấn Thủy

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/ap-dung-ifrs-thanh-bai-tai-nhan-thuc-cua-lanh-dao-doanh-nghiep.html