Áp dụng linh hoạt nghiệp vụ kiểm soát hải quan trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Dự báo trong thời gian tới, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại vận chuyển hàng hóa trái phép trên tuyến biên giới sẽ gia tăng nhằm phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán. Do vậy, lực lượng hải quan luôn bám sát, áp dụng đúng, linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan theo quy định.
Kiểm soát được tình hình buôn lậu
Thống kê sơ bộ cho thấy, trong tháng 11/2024, cơ quan Hải quan đã phát hiện, xử lý 1.666 vụ vi phạm với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính gần 3.000 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng, con số này lên tới 16.390 vụ, trị giá gần 30.000 tỷ đồng. Số vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong tháng 11 có giảm 19% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, trị giá hàng hóa vi phạm lại tăng mạnh 140%. Đáng chú ý, số vụ vi phạm hành chính tăng, dẫn đến số thu ngân sách Nhà nước từ xử lý vi phạm tăng 242% so với cùng kỳ năm trước.
Tại phía Nam, đặc biệt là tuyến biên giới Tây Nam tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt tuyến biên giới đường bộ, đường sông giáp với Campuchia. Các tỉnh, thành phố trọng điểm như: Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang, TP. Hồ Chí Minh.
Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 10/2024, đơn vị đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ 265 vụ việc vi phạm với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính đạt 335,15 tỷ đồng. Trong đó, có 5 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa và buôn bán vận chuyển hàng cấm. Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 31/10/2024, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ 1.942 vụ việc vi phạm với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 4.347 tỷ đồng. Trong đó, đã xử lý hành chính đối với 1.939 vụ, với tổng số tiền xử phạt, nộp ngân sách nhà nước gần 39 tỷ đồng; khở tố và chuyển cơ khác khởi tố 46 vụ việc.
Theo thống kê của Cục Hải quan Tây Ninh từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả qua tuyến biên giới, cửa khẩu của Tây Ninh cơ bản được kiểm soát. Các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa. Nhờ đó, Cục Hải quan Tây Ninh đã phạt 170 vụ vi phạm, với số tiền hơn 22 tỷ đồng; phạt bổ sung 5 vụ, số tiền 683 triệu đồng. Tổng số nộp ngân sách hơn 24 tỷ đồng.
Tại các khu vực giáp biên giới Việt-Campuchia, tình trạng buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, đặc biệt là thực phẩm đông lạnh, hàng tiêu dùng, thuốc lá, vẫn phức tạp. Thêm vào đó, việc vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, vàng qua biên giới cũng có dấu hiệu gia tăng ở tuyến biên giới Tây Nam, đặc biệt tại tỉnh An Giang.
Trong 9 tháng năm 2024, Cục Hải quan An Giang đã phát hiện, bắt giữ và xử lý trên 40 vụ vi phạm. Trong đó, có 7 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, số còn lại vi phạm thủ tục hải quan; trị giá hàng vi phạm gần 2,2 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023 tăng 19 vụ, trị giá hàng vi phạm tăng gần 2 tỷ đồng...
Đối tượng buôn lậu thường là cư dân biên giới và cư dân địa phương tại các xã tiếp giáp biên giới, trong đó, có những đối tượng buôn lậu thuốc lá chuyên nghiệp. Ngoài ra, còn xuất hiện những đối tượng là hành khách thường xuyên xuất cảnh, nhập cảnh vì mục đích mua bán, thương mại; tài xế; nhân viên phục vụ các casino, trường gà, vũ trường phía Campchia thường xuyên qua lại cửa khẩu...
Ngoài ra, tuyến hàng không quốc tế cũng được xác định là địa bàn trọng điểm hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ nước ngoài vào Việt Nam.
Trong đó, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh kiểm tra hành lý xách tay của du khách người Hàn Quốc xuất cảnh, phát hiện và bắt giữ được 365,4 gram ketamine; phát hiện trong bưu kiện nhập khẩu từ Canada khai báo là hàng quà tặng cá nhân có chứa tổng cộng 1kg cần sa.
Cao điểm chống buôn lậu cuối năm
Dự báo trong thời gian tới, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng buôn lậu sẽ đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Theo dự báo, hoạt động buôn lậu sẽ tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng, thiết yếu như rượu bia, sữa, đường cát, thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vật tư y tế, điện thoại di động, vàng, ngoại tệ...; các mặt hàng cấm như ma túy, vũ khí, pháo nổ, động vật hoang dã, sản phẩm làm từ động vật hoang dã... nhằm phục vụ nhu cầu thị trường dịp tết Nguyên đán.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và liên tục của tất cả các cấp, các ngành, kiên quyết xử lý không có vùng cấm trong công tác này, đồng thời chủ động phòng, chống tiêu cực toàn diện ngay trong các lực lượng chức năng thi hành công vụ; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật…
Trong đó, luôn bám sát, áp dụng đúng, linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan theo quy định; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát và trao đổi thông tin với lực lượng chức năng; duy trì tham gia hoạt động của tổ công tác liên ngành tại các địa bàn; qua đó, góp phần kéo giảm và kiểm soát được tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, thông qua các hoạt động niêm yết thông tin tại cửa khẩu, phát tờ rơi, hướng dẫn trực tiếp tại cửa khẩu, tại khu dân cư..., lực lượng chức năng ngành Hải quan đã tuyên truyền đến người dân khu vực cửa khẩu biên giới về tác hại của ma túy, các hành vi vi phạm liên quan đến vận chuyển mua bán ma túy, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật về công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cho cư dân biên giới.