Áp dụng Luật Căn cước, thẻ căn cước công dân cũ có phải cấp đổi?

Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/11 quy định, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong thẻ, được cấp đổi sang thẻ căn cước khi công dân có yêu cầu.

Sáng 27/11, với 87,25% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Căn cước. Luật gồm 7 chương, 46 điều. Sau khi Luật Căn cước được thông qua, một số ý kiến băn khoăn về giá trị sử dụng của thẻ căn cước công dân và chứng minh nhân dân đã cấp trước đó.

Trả lời báo PV VietNamNet, đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an cho biết: Việc Luật Căn cước vừa được thông qua không gây phiền hà cho người dân vì có điều khoản quy định chuyển tiếp rất rõ ràng.

Cụ thể, tại điều 46, Luật Căn cước vừa được thông qua quy định: Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ, được cấp đổi sang thẻ căn cước khi công dân có yêu cầu;

Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.

Thẻ CCCD gắn chip vẫn có giá trị sử dụng sau khi Luật Căn cước được thông qua. Ảnh: VNN

Thẻ CCCD gắn chip vẫn có giá trị sử dụng sau khi Luật Căn cước được thông qua. Ảnh: VNN

Thẻ căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại Luật Căn cước.

Đáng chú ý, tại khoản 3 điều 46 nêu rõ: Cơ quan quản lý Nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Theo đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp: Hơn 80 triệu thẻ CCCD gắn chip đã được cấp trước khi Luật Căn cước có hiệu lực vẫn sử dụng bình thường. Khi người dân có nhu cầu đổi sang thẻ căn cước thì sẽ được cấp theo yêu cầu.

"Việc đưa ra thời hạn 31/12/2024 đối với chứng minh nhân dân là để giảm những phát sinh trong giải quyết thủ tục hành chính", đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, thông tin

Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, nhân dạng và sinh trắc học của một người.

Điều 18 của Luật Căn cước nêu các trường thông tin thể hiện trên thẻ căn cước. Trong đó có ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày cấp thẻ và hạn sử dụng. Như vậy so với Luật Căn cước công dân 2014, trường thông tin về quê quán, vân tay đã được bỏ không cần thể hiện trên thẻ căn cước.

Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói; nghề nghiệp...

Người được cấp thẻ căn cước bao gồm: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước; công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Đoàn Bổng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ap-dung-luat-can-cuoc-the-can-cuoc-cong-dan-cu-co-phai-cap-doi-2219641.html