Áp dụng pháp luật nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý của kết luận, kiến nghị kiểm toán
Việc áp dụng pháp luật nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho kết luận, kiến nghị kiểm toán là yếu tố then chốt tạo nên giá trị, chất lượng, tính hợp pháp và hiệu lực của báo cáo kiểm toán.
Sáng 20/12, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý của kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN” do ThS. Mai Văn Quang - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I và TS. Nguyễn Văn Giáp - KTNN chuyên ngành Ia đồng chủ nhiệm.
TS. Bùi Quốc Dũng - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, cùng tham dự có các thành viên Hội đồng và Ban đề tài.
Theo quy định của Luật KTNN, báo cáo kiểm toán có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán; đồng thời, là căn cứ để đơn vị được kiểm toán thực hiện quyền khiếu nại khi không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại. Vì vậy, áp dụng pháp luật nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý của kết luận, kiến nghị kiểm toán là vấn đề phải được chú trọng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN thời gian qua cho thấy, chất lượng kiểm toán ngày càng được nâng cao, hầu hết các kết luận, kiến nghị kiểm toán được các đơn vị, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đồng thuận và thực hiện. Tuy nhiên, kết luận, kiến nghị kiểm toán trong một số báo cáo kiểm toán còn có một số hạn chế, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ việc áp dụng pháp luật chưa chính xác do chưa hiểu đúng bản chất của điều luật, áp dụng văn bản cũ, chưa cập nhật, nắm bắt các quy định mới…
Trong khi đó, hoạt động kiểm toán bao phủ tất cả các lĩnh vực, trải dài trên tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương. Vì vậy, việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn để có giải pháp khả thi, khoa học nhằm nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật đảm bảo cơ sở pháp lý của kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN là rất cần thiết.
Đề tài đã đề xuất 3 quan điểm và 5 giải pháp nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật vào hoạt động kiểm toán nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho kết luận, kiến nghị kiểm toán, cụ thể: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTNN để bảo đảm tính độc lập của KTNN; Nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của công chức, kiểm toán viên; Nâng cao kỹ năng cập nhật và áp dụng pháp luật cho công chức, kiểm toán viên; Nâng cao chất lượng thẩm định tính pháp lý của dự thảo báo cáo kiểm toán; Tăng cường hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán. Ngoài ra, để bảo đảm tính khả thi của các giải pháp nêu trên, đề tài đề xuất các kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước và cơ quan KTNN, nhằm nâng cao tính khả thi của các kết luận, kiến nghị bảo đảm hiệu lực kiểm toán của KTNN.
Đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương 1- Cơ sở lý luận về áp dụng pháp luật nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý của kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN; Chương 2 - Thực trạng hoạt động bảo đảm áp dụng pháp luật để bảo đảm cơ sở pháp lý của kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN; Chương 3: Quan điểm và giải pháp nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý của kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.
Tại cuộc họp, Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Ban đề tài, đặc biệt là làm rõ hạn chế, tồn tại của việc áp dụng pháp luật; đề xuất các 5 nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp về quy trình 4 bước áp dụng pháp luật; giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định dự thảo báo cáo kiểm toán; giải pháp hoàn thiện pháp luật. Đề tài đã có 3 kiến nghị với Đảng, 3 kiến nghị với Nhà nước và 4 kiến nghị với KTNN.
Để hoàn thiện đề tài, các thành viên Hội đồng đề nghị nhóm tác giả cần bổ sung, hệ thống hóa các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN theo từng lĩnh vực kiểm toán hiện nay làm căn cứ để đánh giá thực trạng tại Chương II và triển khai các nội dung nghiên cứu tiếp theo. Phân tích ảnh hưởng của các nhân tố khách quan ảnh hưởng đến việc áp dụng pháp luật; bổ sung nội dung về yêu cầu, nguyên tắc và các điều kiện thực hiện việc áp dụng pháp luật nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý của kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.
Phát biểu kết luận cuộc họp, TS. Bùi Quốc Dũng - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban đề tài tiếp thu tối đa các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, trong đó tập trung một số nội dung: đảm bảo tính logic giữa các chương; đưa ra các dẫn chứng cụ thể tương ứng với các đánh giá, hạn chế được chỉ ra; kinh nghiệm trong nước và quốc tế cần có sự chọn lọc, phù hợp với KTNN.
Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban đề tài hoàn thiện đề tài đúng quy định, hướng tới phát triển thành sổ tay cho kiểm toán viên trong việc áp dụng pháp luật khi đưa ra kết luận, kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài xếp loại Khá.