Áp dụng PPP trong thể thao: Hay nhưng cần cân nhắc

Là thành phố lớn, trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước nhưng các cơ sở thể thao của TPHCM hiện chưa thực sự tương xứng. Nhiều dự án có chủ trương đầu tư hơn 30 năm nhưng chưa được thực hiện do chưa bố trí được nguồn vốn. Vì vậy, việc áp dụng phương thức đối tác công tư vào lĩnh vực thể thao được xem là giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư hữu hiệu hiện nay.

Có chủ trương đầu tư từ năm 1994, dự án Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc quy mô 466 ha, gồm các công trình thể thao đạt chuẩn Olympic, có thể tổ chức các giải đấu quốc tế lớn. Tuy nhiên, sau gần 30 năm, dự án này vẫnchưa được thực hiện do liên quan tới chi phí giải phóng mặt bằng. Hiện TPHCM còn nhiều dự án thể thao khác cũng đang trong tình trạng “đắp chiếu” vì vướng và thiếu vốn.

Để giải quyết bài toán này, trong Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, TPHCM đã đề xuất áp dụng phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực thể thao – văn hóa.

Tuy nhiên, trước đó TPHCM đã có dự án Nhà Thi đấu Phan Đình Phùng được phê duyệt đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng – chuyển giao (BT). Đây là công trình thể thao duy nhất của TP được thực hiện dưới phương thức PPP, tuy nhiên, sau hơn 10 năm, dự án cũng chưa được thực hiện do chưa bố trí được quỹ đất cho nhà đầu tư. Mảnh đất hơn 14.700m2 tại khu vực trung tâm TPHCM để không, gây lãng phí rất lớn.

Do đó, khi nghiên cứu, đề xuất áp dụng phương thức PPP trong lĩnh vực thể thao, bên cạnh nghiên cứu cơ chế thu hút nhà đầu tư, thành phố cũng cần cân nhắc kỹ phương án thực hiện, tránh tình trạng xã hội hóa xong dự án lại “ đắp chiếu” vì vướng quy trình, thủ tục, vì chưa bố trí được các điều kiện trong hợp đồng... Có như vậy, việc áp dụng PPP mới thực sự hiệu quả, tạo tiền đề cho sự phát triển văn hóa – thể thao nói riêng, kinh tế xã hội thành phố nói chung.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thực hiện : Thùy Vân Tăng Sắc

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/ap-dung-ppp-trong-the-thao-hay-nhung-can-can-nhac