Áp dụng quản lý rủi ro nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế
Quản lý rủi ro tuân thủ là phương thức quản lý thuế tiên tiến, hiện đại, được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Việc áp dụng quản lý thuế theo rủi ro giúp cơ quan thuế phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khan hiếm của mình để tập trung quản lý nhóm người nộp thuế có mức độ tuân thủ thấp nhất; giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời các hành vi không tuân thủ, nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế.
Góp phần nâng cao nhận thức của người nộp thuế
Ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, khi số lượng người nộp thuế (NNT) tăng ngày càng nhanh, quy mô hoạt động của NNT ngày càng lớn, tính chất hoạt động ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro về thuế... nên quản lý thuế theo rủi ro càng đóng vai trò quan trọng. Theo đó, việc áp dụng quản lý thuế theo rủi ro sẽ giúp cơ quan thuế phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của mình để tập trung quản lý nhóm NNT có mức độ tuân thủ thấp nhất, khả năng gian lận về thuế cao nhất; tiết kiệm thời gian, hiểu được hành vi tuân thủ của NNT, từ đó có chiến lược xử lý rủi ro phù hợp, giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời các hành vi không tuân thủ, nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của NNT.
Triển khai hiệu quả khi có pháp lý vững chắc và dữ liệu đầy đủ
“Việc triển khai áp dụng QLRR tuân thủ chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi chúng ta xây dựng được một hành lang pháp lý vững chắc, xây dựng được cơ sở dữ liệu đảm bảo tính chính xác đầy đủ và kịp thời” - ông Nguyễn Văn Được.
Bên cạnh đó, việc cơ quan thuế áp dụng quản lý rủi ro (QLRR), quản lý tuân thủ để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để NNT tuân thủ tốt các quy định của pháp luật, đồng thời phòng chống, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật thuế trong quản lý thuế đối với NNT. Do vậy, việc triển khai áp dụng QLRR tuân thủ là cần thiết đối với cơ quan thuế Việt Nam.
Tại Việt Nam, việc áp dụng QLRR trong quản lý thuế hiện nay được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; Thông tư số 31/2021/TT-BTC và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Theo đó, cơ quan thuế thực hiện áp dụng QLRR trong đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, nợ thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, hoàn thuế, kiểm tra thuế, thanh tra thuế, quản lý và sử dụng hóa đơn, chứng từ và các nghiệp vụ khác trong quản lý thuế.
Ông Nguyễn Văn Được cho rằng, áp dụng QLRR tuân thủ trong quản lý thuế góp phần nâng cao nhận thức của NNT và cộng đồng xã hội trong việc cải cách quản lý thuế theo hướng minh bạch, công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT chấp hành tốt pháp luật về thuế, góp phần nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật thuế của NNT, giảm chi phí quản lý thuế và chi phí tuân thủ của NNT.
Bên cạnh đó, việc áp dụng QLRR góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra tại trụ sở NNT, tiết kiệm đáng kể chi phí, nguồn lực con người; xác định đúng đối tượng cần kiểm tra, thanh tra thuế, ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực trong việc lựa chọn đối tượng, đảm bảo tính khách quan, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra tại trụ sở NNT... Dựa trên kết quả áp dụng các bộ tiêu chí đánh giá rủi ro, kết quả thanh tra, kiểm tra NNT tại cơ quan thuế các cấp đều tăng qua các năm.
Xây dựng dữ liệu lớn và đưa trí tuệ nhân tạo vào áp dụng
Ông Nguyễn Văn Được cho rằng, sau hơn 10 năm áp dụng phương pháp QLRR cho thấy, ngành Thuế đã kiến nghị xây dựng và cơ bản hoàn thiện được hành lang pháp lý khá toàn diện để áp dụng QLRR trong quản lý thuế; xây dựng và hình thành kho cơ sở dữ liệu thông tin về NNT… Mặc dù vậy, nhìn từ góc độ kinh nghiệm quốc tế, cũng còn nhiều điểm cần tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện để phù hợp với thực tế phát triển của Việt Nam cũng như thông lệ tốt trên thế giới về QLRR tuân thủ.
Hiện trên thế giới, việc ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) trong quản lý thuế tại các nước tiên tiến đã được nghiên cứu, triển khai và đạt được nhiều kết quả trong công tác quản lý thuế nói chung và quản lý rủi ro nói riêng. Đồng thời, các nước cũng đã áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích rủi ro tuân thủ.
Điển hình tại Mỹ, cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS) đã triển khai thành công hệ thống phân tích dữ liệu lớn (Data Analytics Platform) để hỗ trợ công tác quản lý thuế. Hệ thống này đã giúp IRS phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều trường hợp trốn thuế, gian lận thuế. Tại Anh, cơ quan Thuế Vương quốc Anh (HMRC) áp dụng ADEPT (Analytics for Debtor Profiling and Targeting), là một hệ thống phân tích dữ liệu lớn được triển khai vào năm 2018 nhằm giúp HMRC nâng cao hiệu quả quản lý nợ thuế. Còn tại Úc, Văn phòng Thuế Úc (ATO) sử dụng ANGIE (Automated Network & Grouping Identification Engine), là một hệ thống phân tích dữ liệu lớn được triển khai vào năm 2020 nhằm giúp ATO phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận, trốn thuế có tổ chức...
BÀ NGUYỄN THỊ CÚC – CHỦ TỊCH HỘI TƯ VẤN THUẾ VIỆT NAM: Kiện toàn bộ phận quản lý rủi ro là yêu cầu bức thiết
Từ năm 2015, Tổng cục Thuế đã thành lập Ban Quản lý rủi ro (QLRR) có chức năng tham mưu giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý, tiêu chí, quy trình, quy định về QLRR trong quản lý thuế.
Từ đó đến nay, Ban QLRR đã chủ trì nghiên cứu và xây dựng các bộ tiêu chí, quy trình nghiệp vụ áp dụng QLRR trong quản lý thuế; xây dựng thông tư hướng dẫn về QLRR; phối hợp với các vụ, đơn vị trong Tổng cục Thuế để xây dựng, nâng cấp ứng dụng QLRR với các phân hệ khác nhau như lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra, quản lý và sử dụng hóa đơn, hoàn thuế…
Tuy nhiên, tại các cơ quan thuế địa phương không có đơn vị chuyên trách thực hiện công tác QLRR trong quản lý thuế. Vì vậy, các công việc về QLRR chưa được thực hiện thống nhất.
Trên thế giới, theo khuyến nghị của nhiều tổ chức quốc tế, nhiều cơ quan thuế các nước đã và đang đưa QLRR tuân thủ trở thành một đơn vị thường trực trong cơ cấu tổ chức để thực hiện các biện pháp phát hiện rủi ro và sử dụng QLRR tuân thủ như một công cụ tích hợp cho tất cả các quy trình lập kế hoạch và đưa ra quyết định của ngành Thuế.
Từ thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế, việc xây dựng và kiện toàn bộ phận QLRR tuân thủ về thuế thuộc Tổng cục Thuế đang là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay./.
ÔNG TRẦN VŨ TRUNG – CHỦ NHIỆM CẤP CAO, CÔNG TY CP TƯ VẤN EY VIỆT NAM: Con người, công nghệ và quy trình là yếu tố cốt lõi cần được kiện toàn
Cơ quan thuế đã có những bước đi cơ bản, đặc biệt là công tác QLRR, tuy nhiên nhìn vào cơ quan thuế các nước trên thế giới, có thể thấy lĩnh vực QLRR tuân thủ của chúng ta vẫn còn rất nhiều dư địa cần hoàn thiện. Để phát huy tối đa tiềm năng, bộ phận QLRR tuân thủ cần được kiện toàn về cả ba khía cạnh: con người, công nghệ và quy trình.
Thứ nhất, về con người, lĩnh vực QLRR tuân thủ cần kết hợp năng lực khoa học dữ liệu, khoa học máy tính và năng lực phân tích nghiệp vụ thuế. Những dự án đổi mới, hiện đại hóa gần đây đã chứng minh năng lực của chúng ta về khoa học máy tính và phân tích nghiệp vụ thuế.
Thứ hai, về công nghệ, bộ phận QLRR thuế cần nền tảng hạ tầng dữ liệu lớn đủ mạnh và đủ linh hoạt. Cụ thể, phải đủ mạnh để thu thập, xử lý được các dữ liệu về tài chính, về giao dịch, về hành vi người nộp thuế và các dữ liệu khác từ nhiều nguồn; cần phải đủ linh hoạt để thực hiện, thử nghiệm được các bài toán phân tích ứng dụng một cách nhanh và kịp thời.
Thứ ba, cần có hành lang pháp lý chuẩn mực để kết nối và thu thập dữ liệu. Hiện Chính phủ đã thiết lập được các cơ chế trao đổi dữ liệu giữa Tổng cục Thuế với Tổng cục Hải quan và Bộ Công thương... Song thời gian tới, cần tiếp tục hoạch định những dữ liệu cần thiết làm đầu vào cho quá trình phân tích rủi ro tuân thủ và tiếp tục bổ sung, kiện toàn hành lang pháp lý này.