Bộ Công Thương chủ động chuẩn bị 2 kịch bản thuế xuất khẩu vào thị trường Mỹ

Ở kịch bản khả quan là Mỹ duy trì chính sách thuế như hiện hành, Việt Nam hoàn toàn có khả năng gia tăng xuất khẩu; ở kịch bản Mỹ tác động thuế quan gắt gao, Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ DN sản xuất, xuất khẩu...

Thông tin tại buổi họp báo quý IV/2024 do Bộ Công Thương tổ chức chiều nay (7/1), bà Mai Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) cho biết, xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật của ngành Công Thương và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm 2024, với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15,4% so với năm trước, đặc biệt xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%, hơn 2 lần chỉ tiêu.

Xuất khẩu hướng đến hầu hết các thị trường

Cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô. Năm 2024 xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 114,59 tỷ USD, tăng 19,8%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong khi khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 290,94 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,7%).

“Điểm nổi bật của lĩnh vực xuất khẩu năm 2024 là cả nước có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 2 mặt hàng so với năm 2023), chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các sản phẩm đã hướng tới hầu hết các thị trường, các đối tác thương mại lớn như Mỹ đạt 119,6 tỷ USD, tăng 23,3%; EU đạt 52,1 tỷ USD, tăng 19,3%; Hàn Quốc ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,7%...”, bà Hiền thông tin.

Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ quý IV/2024

Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ quý IV/2024

Chia sẻ thêm tại họp báo về thành công của hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đây là năm Việt Nam đạt kỷ lục từ trước đến nay về xuất khẩu gạo, khi lượng xuất khẩu lên tới 9,18 triệu tấn, đạt kim ngạch 5,75 tỷ USD tăng trưởng 12% về lượng và 23% về giá, với đơn giá xuất khẩu bình quân 627 USD/tấn, tăng 9% so với năm 2023.

“Thời gian qua, DN xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tập trung nâng cao chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu gạo khá tốt, từ đó đã tìm kiếm được những thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines,… Hiện nay Ấn Độ đã bãi bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, lượng gạo Ấn Độ dồi dào tạo ra sức ép trên thị trường, khiến giá gạo có xu hướng giảm. Thời điểm này, các DN xuất khẩu gạo cần huy động sự hỗ trợ vốn từ các ngân hàng, cũng như cơ chế hoàn thuế xuất khẩu của Bộ Tài chính”, ông Hải lưu ý.

2 kịch bản xuất khẩu vào Mỹ thời ông Donald Trump

Báo chí đề cập đến dự báo khả năng thay đổi thuế xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ, khi Tổng thống Donald Trump chính thức nhậm chức từ ngày 20/1 tới, ông Hải cho biết, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác lớn thứ 8 của Mỹ chiếm 4,13% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Mục tiêu của ông Donald Trump sẽ giảm thâm hụt thương mại, thúc đẩy sản xuất trong nước và thu hút đầu tư. Trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu, ông Donald Trump sẽ sử dụng biện pháp áp thuế cao với hàng hóa từ nhiều thị trường như Trung Quốc, EU…

“Trước đây chính sách thuế quan của Mỹ chưa ảnh hưởng nhiều đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng bước vào năm 2025, Bộ Công Thương đã vạch ra 2 kịch bản, với kịch bản khả quan là Mỹ duy trì chính sách thuế nhập khẩu hiện hành, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng”, ông Hải nói.

Năm 2024 Việt Nam đạt kỷ lục từ trước đến nay về xuất khẩu gạo, khi lượng xuất khẩu lên tới 9,18 triệu tấn, đạt kim ngạch 5,75 tỷ USD

Năm 2024 Việt Nam đạt kỷ lục từ trước đến nay về xuất khẩu gạo, khi lượng xuất khẩu lên tới 9,18 triệu tấn, đạt kim ngạch 5,75 tỷ USD

Ở kịch bản thứ hai, nếu Mỹ tác động thuế quan gắt gao có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ ảnh hưởng ít nhiều. Hoặc gián tiếp khi Trung Quốc gặp khó khăn do bị áp thuế cũng sẽ tạo ra sức ép với Việt Nam. “Đối với kịch bản này, Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ DN sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hóa thị trường”, ông Hải cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, tại Nghị định số 01 năm 2025 của Chính phủ có sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, đề ra các giải pháp quản lý rõ ràng, mạch lạc hơn về tình hình xuất khẩu gạo, nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Đồng thời điều tiết giá gạo, đảm bảo chất lượng gạo, đặc biệt là xây dựng thương hiệu gạo. “Với vai trò quản lý nhà nước, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/bo-cong-thuong-chu-dong-chuan-bi-2-kich-ban-thue-xuat-khau-vao-thi-truong-my-post1147202.vov