Áp dụng quản lý rủi ro, ngăn chặn các trường hợp xuất hóa đơn khống

Nhằm nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, ngăn chặn các trường hợp xuất hóa đơn khống, đồng thời phòng chống gian lận gây thất thoát ngân sách nhà nước, Tổng cục Thuế cho biết sẽ tiếp tục sử dụng các giải pháp quản lý rủi ro đã triển khai để áp dụng quản lý đối với hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Nguồn: Tổng cục Thuế Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Tổng cục Thuế Đồ họa: Văn Chung

Nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế

Lãnh đạo Tổng cục Thuế đánh giá, việc triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) được xem là một trong những nội dung quan trọng trong việc chuyển đổi số, chuyển đổi phương thức quản lý, cải cách hành chính. Tính đến cuối tháng 2/2024, tổng số HĐĐT đã tiếp nhận và xử lý là hơn 6,8 tỷ hóa đơn, trong đó: hóa đơn có mã là 1,92 tỷ hóa đơn; hóa đơn không mã là 4,88 tỷ hóa đơn. Đã có 42.845 doanh nghiệp (DN), hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, với số lượng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền là hơn 180,6 triệu hóa đơn.

Tăng cường kiểm soát, kịp thời phát hiện các nghi vấn

Đại diện Ban Quản lý rủi ro cho biết, sau nâng cấp ứng dụng, cơ quan thuế sẽ tăng cường kiểm soát hàng ngày để kịp thời phát hiện nhanh các nghi vấn liên quan đến sử dụng hóa đơn, kịp thời ngăn chặn các trường hợp nghi ngờ xuất hóa đơn khống. Cảnh báo theo hệ số K hiện đã phân tích cả với nhóm người nộp thuế là doanh nghiệp, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai sử dụng hóa đơn từ máy tính tiền.

Để quản lý HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, Tổng cục Thuế đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về HĐĐT không mã và có mã xác thực của cơ quan thuế và các thông tin liên quan đến người nộp thuế (NNT) đáp ứng yêu cầu phân tích, phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ NNT tuân thủ pháp luật về thuế và quản lý rủi ro (QLRR) trong quản lý thuế. Đại diện Ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế) cho biết, sẽ tiếp tục sử dụng các giải pháp QLRR đã triển khai để áp dụng đối với HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền; riêng với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ tiếp tục hoàn thiện giải pháp QLRR cho giai đoạn tiếp theo.

Thông tin về kết quả triển khai áp dụng QLRR trong quản lý và sử dụng HĐĐT, đại diện Ban Quản lý rủi ro cho rằng, với xu hướng số lượng NNT ngày một gia tăng, hoạt động kinh tế phát sinh ngày càng phức tạp, ngành Thuế đã đẩy mạnh áp dụng QLRR nhằm nâng cao tính tuân thủ của NNT, đồng thời phòng chống gian lận gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Đại diện Ban Quản lý rủi ro cho biết, qua báo cáo kết quả rà soát của cơ quan thuế các cấp trong 6 tháng triển khai cuối năm 2023, theo số liệu cập nhật đến ngày 8/12/2023 toàn ngành đã thực hiện rà soát 34.314 NNT (bao gồm cả tổ chức, DN và hộ kinh doanh), trong đó đã có kết quả kiểm tra trên 80% NNT, nhiều cơ quan thuế đã thực hiện rà soát hơn 90% - 100% số lượng NNT vượt ngưỡng hệ số K, xác định được 15,26% NNT vượt hệ số K - có mức độ rủi ro cao, như: kê khai sai, dừng hoạt động, bỏ trốn, chuyển cơ quan điều tra,...

Đại diện Ban Quản lý rủi ro cho rằng, với đặc thù tốc độ phát sinh nhanh của dữ liệu HĐĐT, hệ số K là công cụ theo dõi giám sát có độ trễ sát với thời gian xuất hóa đơn của NNT; đồng thời, là giải pháp quản lý cho thấy tính chủ động và trách nhiệm trong thực thi công vụ của công chức thuế.

Nâng cao hiệu quả giám sát, sử dụng hóa đơn điện tử

Ảnh minh họa.

Trước đó, ngày 10/5/2023, Tổng cục Thuế đã hướng dẫn thực hiện ứng dụng đối chiếu tờ khai và hóa đơn đối với NNT là DN trên phạm vi cả nước. Việc triển khai chức năng ứng dụng hỗ trợ thực hiện đối chiếu dữ liệu HĐĐT và tờ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) giúp giảm tải công việc cho cán bộ thuế cũng như nâng cao hiệu quả công tác giám sát quá trình sử dụng HĐĐT của NNT.

Tính đến ngày 31/12/2023, theo báo cáo của các cục thuế số thuế GTGT mà NNT đã thực hiện kê khai bổ sung là 2.951 tỷ đồng, trong đó phát hiện 17.245 NNT tạm dừng hoạt động, 12.843 NNT đã dừng hoạt động, 19.364 NNT bỏ địa chỉ kinh doanh, đã chuyển hồ sơ 2.188 NNT sang cơ quan công an xử lý.

Từ ngày 27/12/2023, Tổng cục Thuế đã nâng cấp ứng dụng đối chiếu tờ khai và hóa đơn đối với NNT là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên phạm vi cả nước áp dụng từ kỳ kê khai thuế tháng 12/2023.

Đại diện Ban Quản lý rủi ro cho biết, từ khi triển khai áp dụng QLRR trong quản lý và sử dụng hóa đơn đến ngày 31/12/2023, cơ quan thuế đã chuyển hình thức sử dụng hóa đơn từ hóa đơn không mã sang có mã đối với 618 DN. Đồng thời, cơ quan thuế đã đưa 4.809 DN và danh sách cần kiểm tra công tác quản lý và sử dụng hóa đơn.

Trong năm 2024, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu HĐĐT; xây dựng dữ liệu phân tích rủi ro; xây dựng hồ sơ phân tích rủi ro NNT; thực hiện thống kê, báo cáo tổng hợp về tình hình kê khai nộp thuế, rủi ro về thuế của NNT dựa trên các công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, máy học.

Cụ thể, trong quý I/2024, Ban Quản lý rủi ro trình lãnh đạo Tổng cục Thuế phê duyệt chủ trương xây dựng Bộ chỉ số tiêu chí và Quy trình áp dụng QLRR đối với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Cùng với đó, Tổng cục Thuế tiếp tục nghiên cứu, phân tích các chuỗi mua bán mặt hàng điện thoại, máy tính bảng; phối hợp với đơn vị liên quan nghiên cứu, phân tích chuỗi mua bán liên quan đến dăm gỗ; tiếp tục nghiên cứu, triển khai công nghệ mới áp dụng trí tuệ nhân tạo, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, máy học vào phân tích trên dữ liệu HĐĐT và phân tích rủi ro đối với NNT trong đó bao gồm cả nhóm NNT sử dụng HĐĐT từ máy tính tiền.

Đối với việc triển khai kiểm soát HĐĐT, ngăn chặn tình trạng xuất khống hóa đơn, Tổng cục Thuế tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp hoàn thiện ứng dụng theo hướng: bổ sung chức năng hỗ trợ quá trình đánh giá, rà soát và cập nhật kết quả lên hệ thống cho công chức thuế; bổ sung các trường thông tin cập nhật kết quả rà soát; cập nhật bổ sung dữ liệu hàng hóa dịch vụ mua vào, dữ liệu hàng tồn kho còn thiếu, phân quyền để cơ quan thuế cấp trên có thể tra cứu được danh sách cảnh báo rủi ro (theo hệ số K) của cơ quan thuế cấp dưới…

Hơn 42.800 doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền

Triển khai giải pháp HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền theo quy định Luật Quản lý thuế số 38/2029/QH14, Nghị định 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 78/2020/BTC của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có chỉ đạo quyết liệt thực hiện thống nhất trên toàn quốc; đồng thời đã ban hành quy trình quản lý HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền và quy định về thành phần chứa dữ liệu nghiệp vụ HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền.

Cụ thể, Tổng cục Thuế đã đặt lộ trình triển khai theo 2 giai đoạn, trong đó: giai đoạn 1 triển khai từ 15/12/2022 đến 31/3/2023; giai đoạn 2 từ 1/4/2023 đến 31/12/2023. Kết quả giai đoạn 1, số lượng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền là 2,2 triệu hóa đơn. Giai đoạn 2, tính đến ngày 31/12/2023, cả nước đã có 40.355 doanh nghiệp (DN), hộ, cá nhân kinh doanh đã đăng ký sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, đạt 94,36% so với kế hoạch, số lượng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền sử dụng là 104,8 triệu hóa đơn (tăng gấp 47,6 lần).

Còn tính đến cuối tháng 2/2024, đã có 42.845 DN, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, với số lượng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền là hơn 180,6 triệu hóa đơn.

Một số địa phương triển khai HĐĐT và HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế đạt kết quả cao như: TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Đồng Nai, Quảng Ninh. Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế), đây là những tín hiệu rất tốt trong quá trình triển khai, bởi các địa phương trên đều có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam./.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ap-dung-quan-ly-rui-ro-ngan-chan-cac-truong-hop-xuat-hoa-don-khong-146407-146407.html