AP: Lầu Năm Góc đưa thêm quân đến châu Phi vì binh biến Sudan
Quân đội Mỹ đã triển khai thêm binh sĩ và thiết bị tới châu Phi để chuẩn bị cho khả năng sơ tán nhân viên Mỹ khỏi Sudan, nơi giao tranh ác liệt đã khiến hàng nghìn người chết và bị thương.
Theo AP và Politico, các binh sĩ đã được bố trí tại Camp Lemonnier - một căn cứ quan trọng của Mỹ ở Djibouti (Đông Phi), được cho là để chuẩn bị cho nhiệm vụ sơ tán các nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Khartoum (Sudan).
Đại sứ quán có khoảng 70 nhân viên Mỹ, tuy nhiên Washington vẫn chưa quyết định sơ tán các nhân viên này khỏi Sudan.
Trong một tuyên bố chính thức được đưa ra hôm 20/4, Lầu Năm Góc cho biết đã triển khai thêm “năng lực” đến châu Phi như một phần của “kế hoạch thận trọng cho nhiều tình huống bất ngờ”. Lầu Năm Góc không xác nhận bất kỳ hoạt động sắp tới nào và không tiết lộ nơi quân đội sẽ đóng quân.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, kế hoạch được triển khai từ ngày 17/4, khi một đoàn xe của Đại sứ quán Mỹ bị các chiến binh tấn công. Ông lưu ý rằng không có người Mỹ nào bị thương. Đại sứ Mỹ tại Sudan - John Godfrey không có mặt trên xe vào thời điểm xảy ra vụ việc.
Nhiệm vụ sơ tán sẽ tiềm ẩn rủi ro, vì sân bay ở Khartoum không hoạt động và một số con đường ra khỏi thành phố hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của các chiến binh. Nếu không xác định được khu vực hạ cánh an toàn, những người sơ tán có thể sẽ buộc phải lái xe 12 giờ tới Cảng Sudan trên Biển Đỏ, cách thủ đô hơn 800km, các quan chức nói với AP.
Một cách khác là lái xe đến nước láng giềng Eritrea, tuy nhiên, việc này cũng không dễ dàng vì lãnh đạo của Eritrea, Isaias Afwerki, không thân thiết với Mỹ. Lần cuối cùng nhân viên đại sứ quán Mỹ sơ tán bằng đường bộ là từ Libya vào tháng 7/2014, khi một đoàn xe quân sự lớn của Mỹ chở nhân viên từ đại sứ quán ở Tripoli đến Tunisia. Đã có nhiều cuộc sơ tán gần đây, đáng chú ý nhất là ở Afghanistan và Yemen, nhưng những cuộc sơ tán đó chủ yếu được tiến hành bằng đường hàng không.
Căng thẳng ở Sudan leo thang do bất đồng giữa chỉ huy quân đội kiêm lãnh đạo Hội đồng Chủ quyền Abdel Fattah al-Burhan và cấp phó của ông trong hội đồng, Mohamed Hamdan Dagalo, người đứng đầu lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF). Các cuộc giao tranh đã nổ ra vào ngày 15/4 và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 20/4 cho biết số người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa quân đội Sudan và RSF đã tăng lên đến 330 người, với 3.200 người bị thương.