Áp lực bán ròng hạ nhiệt, nhiều yếu tố đang ủng hộ dòng vốn ngoại 'sáng lên'

Khối ngoại đang giảm quy mô bán ròng trên thị trường, đồng thời, giá trị rút ròng từ các quỹ ETF và quỹ chủ động cũng hạ nhiệt đáng kể. Thời gian tới, nhiều yếu tố vĩ mô dự báo thuận lợi hơn, đồng thời với các giải pháp của cơ quan quản lý, đặc biệt là kỳ vọng nâng hạng sẽ góp phần rất tích cực để hỗ trợ dòng vốn ngoại trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nguồn: Blooberg, Fiingroup, SHS Research.

Bán ròng, rút ròng giảm nhiệt

Thống kê trên thị trường chứng khoán (TTCK), diễn biến giao dịch nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực hơn. Nếu như 7 tháng đầu năm, khối ngoài bán ròng rất lớn, thì trong tháng 8 và gần nửa đầu tháng 9/2024, giá trị bán ròng đã giảm rất đáng kể, thậm chí xuất hiện một số phiên mua ròng.

Thanh khoản dự báo được cải thiện

“Khi FED cắt giảm lãi suất sẽ tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước có sự linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ và bổ sung dự trữ ngoại hối. Bước đi nới lỏng này có thể kìm hãm hoặc thậm chí đảo ngược đà tăng hiện nay của lãi suất huy động, qua đó góp phần cải thiện tính thanh khoản của TTCK trong những tháng cuối năm”. Ông Barry Weisblatt David – Giám đốc Phân tích VNDIRECT

Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trong tháng 8, khối ngoại tiếp tục giảm mức bán ròng với giá trị 3.796 tỷ đồng, giảm tới -54,2% so với tháng trước, trong đó bán ròng tại HOSE, HNX và mua ròng tại UPCoM. Tuy vậy, so với một số thị trường khác trong khu vực, diễn biến giao dịch của khối ngoại tại Việt Nam và Thái Lan vẫn đang khá tiêu cực khi một số thị trường như Indonesia (+1,8 tỷ USD), Malaysia (+491 triệu USD), Philipines (+143 triệu USD) đã có tháng thứ 2 liên tiếp khối này mua ròng. Lũy kế 8 tháng năm 2024 NĐTNN vẫn bán ròng mức kỷ lục với giá trị 64.700 tỷ đồng, gấp 2,8 lần năm 2023.

Báo cáo mới nhất từ SSI Research cũng cho biết, các quỹ ETF duy trì đà rút vốn liên tục từ đầu năm, tuy nhiên xu hướng đang giảm dần theo tháng. Giá trị rút vốn trong tháng 8 ghi nhận ở mức -2,14 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2 tháng liền trước.

Cũng theo SSI Research, các quỹ chủ động vẫn duy trì trạng thái bán ròng trong tháng 8, nhưng với tốc độ hạ nhiệt hơn so với tháng 7, phần lớn đến từ việc chững lại từ nhóm Quỹ chỉ đầu tư vào Việt Nam. Tính tổng chung, dòng tiền rút khoảng 1,3 nghìn tỷ đồng trong tháng 8, giảm so với mức 1,4 nghìn tỷ trong tháng 7.

Trao đổi với PV TBTCVN, ông Barry Weisblatt David – Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, yếu tố chính thúc đẩy việc bán ròng của NĐTNN là lo ngại về tỷ giá hối đoái.

“Vào đầu năm, thị trường đồng thuận rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3. Khi rõ ràng điều này sẽ không xảy ra, đồng USD mạnh lên. VND giảm khoảng 5% trong quý I và ổn định trong quý II, nhưng là nhờ Ngân hàng Nhà nước đã có những hành động quyết liệt để ổn định tỷ giá, bao gồm việc bán ra khoảng 6 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Các NĐTNN lo ngại về giá trị đầu tư của họ tại Việt Nam tính theo USD bị ảnh hưởng do tiền đồng mất giá, đã rút bớt vốn. Điều này đặc biệt đúng với các nhà đầu tư ETF, những người có thể dễ dàng chuyển sang các quỹ đầu tư khác” - ông Barry Weisblatt David phân tích.

Nếu không “sáng” cũng bớt “xám”

Nhiều chuyên gia đều bày tỏ kỳ vọng, khối ngoại có thể giảm quy mô bán ròng sau khi FED bắt đầu lộ trình hạ lãi suất.

Ông Barry Weisblatt David cho hay, vào tháng 8, dữ liệu việc làm và lạm phát của Mỹ đã chỉ ra rằng FED sẽ cắt giảm ít nhất 25 điểm cơ bản lãi suất hoặc nhiều hơn trong năm nay. Điều này đã giúp tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giảm xuống dưới 25.000 VND. Hơn nữa, xuất khẩu của Việt Nam vẫn mạnh, giảm bớt lo ngại rằng suy thoái kinh tế Mỹ có thể ảnh hưởng đến sản xuất của Việt Nam.

“Điều này đang bắt đầu khôi phục niềm tin cho các NĐTNN, vì vậy chúng ta có thể kỳ vọng dòng vốn ngoại quay trở lại Việt Nam trong giai đoạn cuối năm nay. Diễn biến này tương tự như những gì đã xảy ra vào cuối năm 2022, khi VND phục hồi và chúng ta đã chứng kiến khối ngoại mua ròng mạnh vào tháng 11 và tháng 12” – Giám đốc Phân tích VNDIRECT cho hay.

Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), mặc dù bán ròng nhưng hoạt động của NĐTNN ở TTCK Việt Nam vẫn có một số điểm tích cực. Cụ thể tổng giá trị danh mục NĐTNN tại Việt Nam tăng khoảng hơn 3% so với cuối năm 2023; một số NĐTNN là cổ đông lớn của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì các khoản đầu tư tại Việt Nam; số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của NĐTNN vẫn tăng so với năm 2023.

Cũng theo đại diện UBCKNN, với mục tiêu thu hút các dòng vốn nước ngoài có tính ổn định, đầu tư dài hạn vào TTCK Việt Nam, trong thời gian tới, Bộ Tài chính, UBCKNN đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và nhất quán về chính sách đầu tư để các NĐTNN nói riêng và nhà đầu tư trên thị trường có thể an tâm đầu tư.

Theo đó, bên cạnh nhiều giải pháp đồng bộ khác, các biện pháp để thúc đẩy quá trình nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nối đã và đang được chú trọng. Quá trình nâng hạng cũng sẽ giúp cải thiện hơn nữa về môi trường đầu, đưa thị trường phát triển sâu rộng, tiến gần hơn các tiêu chuẩn, thông lệ tốt quốc tế và từ đó thu mạnh mẽ hơn dòng vốn đầu tư, đặc biệt là từ các NĐTNN./.

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ap-luc-ban-rong-ha-nhiet-nhieu-yeu-to-dang-ung-ho-dong-von-ngoai-sang-len-159570-159570.html