Cần bố trí phù hợp các nguồn lực phòng, chống ma túy đến năm 2030
Chiều 8-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Thảo luận tại tổ, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng, chống ma túy hiện nay, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần chú trọng giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại; đồng thời, lấy người nghiện là trung tâm để tổ chức công tác cai nghiện cho hiệu quả; tìm giải pháp để kiểm soát nguồn cung. Để giải quyết vấn đề ma túy hiện nay, đặc biệt với tình trạng buôn bán phức tạp, đại biểu cho rằng, bên cạnh quyết tâm chính trị, phải có những biện pháp mạnh, đổi mới cách thức thực hiện cũng như phân công, phân nhiệm phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đánh giá cao nội dung, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Theo đại biểu, việc “phòng” quan trọng hơn là “chống”, như vấn đề phòng ngừa sản xuất và mua bán chất gây nghiện qua mạng hiện nay đang có diễn biến phức tạp; việc sản xuất và phối trộn chất, tiền chất gây nghiện cũng ngày càng phức tạp, đặc biệt là ma túy, thuốc lá thế hệ mới với nhiều tác hại với người dùng.
Đại biểu cũng đề nghị cần thường xuyên cập nhật những vấn đề mới, khó đưa vào Luật để việc phòng, chống ma túy bảo đảm hiệu quả. Cùng với đó, việc đẩy mạnh truyền thông trong cộng đồng về tác hại của ma túy. Bộ Công an cần đặc biệt quan tâm đến các loại thuốc lá thế hệ mới, gây tác hại với giới trẻ. Đại biểu cho rằng, khi kết thúc chương trình này vào năm 2030, cần có đánh giá cụ thể về kết quả, những bất cập...
Quan tâm đến chỉ tiêu “Các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy phấn đấu được phát hiện, triệt phá 100%”, đại biểu Lý Anh Thư (Đoàn Kiên Giang) nhận thấy chỉ tiêu này cao, quá tuyệt đối, cần được xem xét kỹ hơn.
“Ai cũng mong muốn các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy sớm được phát hiện và triệt phá hoàn toàn để an tâm cho cuộc sống của mình, người thân và an toàn cho xã hội. Nhưng trên thực tế, các đối tượng bán lẻ ma túy rất đa dạng kiểu, núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau, nên khó phát hiện được hết 100%”, đại biểu nói.
Đóng góp vào Chương trình, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk) đề nghị làm rõ thêm về một số nhóm mục tiêu trong giai đoạn trước chưa hoàn thành, chưa hiệu quả, như: Số vụ bắt giữ ma túy hằng năm; kiểm soát tiền chất gây nghiện, chất hướng thần; số người nghiện được tiếp cận dịch vụ cai nghiện ma túy…
“Báo cáo nêu nguyên nhân do nguồn lực thực hiện chưa bảo đảm. Nhưng đây có phải nguyên nhân chính hay không? Cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá nguyên nhân chủ quan, các cấp, ngành đã vào cuộc quyết liệt, dành sự quan tâm thấu đáo cho công tác này hay chưa?”, đại biểu nói.
Về nguồn lực thực hiện chương trình, đại biểu Đoàn Đắk Lắk nhận định, tổng vốn thực hiện Chương trình khá cao, có sự thay đổi về nguồn lực đầu tư khi giai đoạn trước, nguồn lực địa phương, các ngành chiếm phần lớn, trong khi giai đoạn tới, nguồn lực của trung ương lại chiếm phần lớn. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ thêm vấn đề này và cơ chế phân bổ ngân sách thực hiện chương trình đối với các địa phương chưa cân đối được ngân sách.
Cùng quan tâm về nguồn lực đầu tư chương trình, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, về cơ cấu ngân sách, nguồn đầu tư sự nghiệp khá quan trọng nhưng lợi ích và kết quả đầu ra nên hướng đến mục tiêu phát triển nhiều hơn. Do ngân sách mỗi địa phương khác nhau nên khi huy động nguồn lực dành cho Chương trình, cần lưu ý đặc thù của địa phương, đặc biệt với những địa phương có vấn nạn ma túy phức tạp nhưng nguồn lực lại hạn chế.
Đồng thời, đại biểu Đoàn Hà Nội nêu ý kiến, cần tính toán kỹ các nguồn vốn huy động cho chương trình, bởi giai đoạn này có nhiều chương trình, công trình quốc gia quan trọng khác cần đến nguồn vốn lớn. “Vì thế, cần có sự ưu tiên chương trình nào quan trọng để bố trí vốn cho hợp lý, vừa bảo đảm tiết kiệm, vừa bảo đảm được mục tiêu đề ra. Đồng thời, chú ý đến khả năng giải ngân của các địa phương”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, nguồn vốn đầu tư của Chương trình trong 5 năm là không nhiều, do đó, cần tập trung dành cho những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đại biểu, trước mắt, năm 2025, bố trí một nguồn vốn nhất định và dành thời gian rà soát lại toàn bộ các văn bản pháp quy, những văn bản liên quan khác để phòng, chống, giảm cung cầu và giảm tác hại của ma túy.