Áp lực chốt lời rình rập, cổ phiếu điện tăng sức 'nóng'
Cùng với sự gia tăng nguy cơ nắng nóng, thiếu điện, cổ phiếu ngành điện cũng được nhà đầu tư 'đốt nóng' giữa mùa Hè cao điểm.
Cổ phiếu điện, vật liệu tăng tốt
Kết thúc phiên 7/6, ngành thiết bị điện và vật liệu xây dựng có mức tăng tốt nhất thị trường. Trong ngành thiết bị điện, POT tăng trần 9,94%; DQC tăng mạnh 6,32%, GEX tăng 5,56%. Nhóm vật liệu xây dựng ghi nhận mức tăng khá được ở nhiều mã như HPG (3,91%), HSG (4,04%), HT1 (3,65%), HVX, NKG, POM đều giữ sắc xanh.
Đóng góp đáng kể cho đà tăng của thị trường là nhóm bất động sản. Trong đó, NVL là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với hơn 53 triệu đơn vị, đóng cửa kịch trần 14.550 đồng, PDR khớp 22,3 triệu đơn vị, đóng cửa còn dư mua trần (15.950 đồng) gần 2,17 triệu đơn vị. Trong khi đó, HPX cũng khớp khá tốt 10,12 triệu đơn vị, còn dư mua trần (4.320 đồng) 2,17 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng và chứng khoán có sự phân hóa, trong đó nhóm ngân hàng mã lớn VCB giảm tới hơn 2% về 97.000 đồng, BID cũng giảm 1% xuống 44.350 đồng. Riêng 2 mã này đã lấy đi của VN-Index gần 3 điểm. Bên cạnh đó là SHB, LPB với mức giảm lần lượt là 1,6% xuống 12.300 đồng và 2,3% xuống 15.000 đồng. Trong đó, SHB là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm và thứ 3 trên sàn với 40,76 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, EIB tăng mạnh nhất 2,4% lên 21.450 đồng, tiếp đến là TPB (+1,7%), MSB (+1,6%), CTG (+0,7%), các mã VPB, ACB, STB và SSB tăng nhẹ trên dưới 0,2%.
Nhóm chứng khoán có 2 mã tăng trần là TVB và TVS, cùng 3 mã khác tăng là VIX, ORS và VCI, trong khi các mã bluechip ngoại trừ VCI tăng nhẹ hơn 0,1%, còn lại đều giảm. Trong đó, SSI giảm nhẹ 0,2% xuống 25.100 đồng, VND sau thời gian bùng nổ cũng điều chỉnh nhẹ 0,3% xuống 19.250 đồng, HCM cũng giảm 0,5% xuống 27.550 đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 1,23 điểm (0,11%) lên 1.109,54 điểm. HNX-Index tăng 1,61 điểm (0,7%) lên 230,33 điểm. UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (0,15%) lên 84,56 điểm
Động lực nào cho cổ phiếu ngành điện?
Đà tăng tích cực của nhóm cổ phiếu điện được củng cố sau thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố tăng 3% giá bán điện bình quân. Tuy nhiên, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng việc tăng giá bán điện chưa thể tác động lên nhóm doanh nghiệp điện một cách thực sự rõ nét.
Nguyên nhân là do các công ty ngành điện thực tế đã thỏa thuận dài hạn khi ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Mirae Asset đánh giá việc tăng giá bán điện bình quân trong ngắn hạn chưa thể tác động đến doanh thu doanh nghiệp sản xuất.
Với những doanh nghiệp phân phối điện, việc tăng giá điện có thể tác động tích cực, vì hợp đồng đã ký dài hạn với giá rẻ, nay bán giá cao, giúp lợi nhuận doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ tăng. Đối với các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất điện dường như không được hưởng lợi trong ngắn hạn, niềm vui vẫn thuộc về doanh nghiệp phân phối điện.
Vừa qua, ngành điện còn đón nhận thông tin tích cực từ việc Quy hoạch điện VIII đã chính thức được phê duyệt. Chứng khoán VNDirect đưa ra một số nhóm doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhờ Quy hoạch điện VIII.
Theo đó, nhóm doanh nghiệp lĩnh vực xây lắp hạ tầng điện sẽ được hưởng lợi rõ ràng nhất nhờ khối lượng công việc khá cao trong kế hoạch của Quy hoạch điện VIII, đặc biệt trong các nhóm ngành điện khí và năng lượng tái tạo. Nhóm xây lắp điện bao gồm đường dây, trạm biến áp cũng sẽ ghi nhận mức tăng tương ứng nhằm đảm bảo khả năng hấp thụ và tính hiệu quả của hệ thống.
Một số doanh nghiệp niêm yết nổi bật trong nhóm xây lắp hạ tầng điện bao gồm CTCP Tập đoàn PC1 (mã chứng khoán PC1), CTCP Tập đoàn Fecon (FCN), CTCP Tư vấn xây dựng điện 2 (TV2) sẽ là những doanh nghiệp được hưởng lợi sớm nhất.
Trong dài hạn hơn, Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) dự kiến gia nhập danh sách này, do tham gia vào lĩnh vực xây lắp điện gió ngoài khơi, với kinh nghiệm trong những dự án gần đây như Thăng Long, La Gàn.
Các doanh nghiệp điện khí nói chung và điện khí hóa lỏng LNG nói riêng cũng sẽ có triển vọng tăng trưởng, do sở hữu dự án đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII, gồm Dự án Nhơn Trạch 3, 4 của Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (POW), Dự án LNG Long Sơn của CTCP Kinh doanh LPG Việt Nam (PGV) và TV2, Dự án Ô Môn 3, 4 của Tổng công ty phát điện 2 (GE2). Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) đang thực hiện phát triển các dự án kho cảng LNG và nhờ đó sẽ được hưởng lợi trong giai đoạn này.
Quy hoạch điện VIII cũng thúc đẩy tiến độ các dự án mỏ khí tỷ đô vốn đã bị đình trệ lâu nay như Lô B, Cá Voi Xanh trong những năm tới, nhằm đảm bảo nguồn khí trong nước và giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu LNG cho phát điện tại Việt Nam.
Ngoài ra, Quy hoạch điện VIII được ban hành sau nhiều lần dự thảo sẽ có tác động tích cực tới các chủ đầu tư có kinh nghiệm phát triển những dự án năng lượng tái tạo như CTCP Bamboo Capital (BCG), CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG), CTCP Cơ điện lạnh (REE), CTCP Điện Gia Lai (GEG).
Với Điện Gia Lai, công ty này đang có các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp sẵn sàng vận hành trong năm 2023-2024, như Điện gió VPL Bến Tre giai đoạn 2 (30 MW), Điện mặt trời Đức Huệ 2 (49 MW).
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ap-luc-chot-loi-rinh-rap-co-phieu-dien-tang-suc-nong.html