Áp lực đè nặng tâm lý, giới đầu tư tiếp tục thoát hàng
Phố Wall lao dốc trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (8/9) khi giới đầu tư vẫn chưa thoát khỏi được áp lực từ dữ liệu kinh tế kém cỏi được công bố cuối tuần trước thì lại thêm lo lắng bởi những tuyên bố của các quan chức Fed.
Thị trường chứng khoán Mỹ trở nên thận trọng và vẫn chưa tìm lại được động lực sau báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 8 yếu kém được công bố vào thứ Sáu tuần trước.
Đối mặt với áp lực từ bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm lại, giới đầu tư còn thêm lo ngại, Fed có thể sẽ sớm bắt đầu thắt chặt các chính sách tiền tệ trong thời gian sắp tới.
Trả lời phỏng vấn Financial Times hôm thứ Tư, Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard tuyên bố, Fed vẫn nên tiếp tục với kế hoạch cắt giảm các chương trình kích thích kinh tế của mình bất chấp tốc độ tăng trưởng việc làm chậm lại. Vị quan chức này cho rằng, thị trường lao động có thể phục hồi “rất mạnh mẽ” vào năm tới nếu cuộc chiến chống đại dịch tiếp tục tiến triển.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed New York John Williams thì cho biết, ông cảm thấy lạm phát đã đạt tiêu chuẩn để thắt chặt lại chính sách bơm tiền vào nền kinh tế. Tuy nhiên, ông vẫn muốn thấy thị trường lao động được cải thiện hơn nữa.
“Giả sử nền kinh tế tiếp tục được cải thiện như tôi dự đoán thì việc bắt đầu cắt giảm mua tài sản trong năm nay là phù hợp”, ông Williams phát biểu trong một sự kiện trực tuyến do Đại học St. Lawrence tổ chức.
Cũng trong hôm thứ Tư, Fed công bố bản tóm tắt Beige Book nêu ra đánh giá, nền kinh tế Mỹ đã “đi xuống một chút” trong tháng 8 trước làn sóng dịch bệnh mới song vẫn nằm trong cơn bão bùng phát giá cả, tình trạng thiếu lao động và tỷ lệ thuê mướn nhân công thấp.
Bộ 3 chỉ số chính trên phố Wall đều giảm điểm trong phiên đêm qua. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures cũng trong xu hướng lao dốc.
Kết thúc phiên 8/9, chỉ số Dow Jones giảm 68,93 điểm (-0,20%), xuống 35.031,07 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,96 điểm (-0,13%), xuống 4.514,07 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 87,69 điểm (-0,57%), xuống 15.286,64 điểm.
Chứng khoán châu Âu tiếp tục đỏ lửa trong phiên ngày thứ Tư do lo lắng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại đè nặng lên tâm lý thị trường, bên cạnh không khí ảm đạm bao trùm khi giới đầu tư hướng tới cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thứ Năm để tìm kiếm tín hiệu về chính sách.
Kết thúc phiên 8/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 53,84 điểm (-0,75%), xuống 7.095,53 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 232,81 điểm (-1,47%), xuống 15.610,28 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 57,18 điểm (-0,85%), xuống 6.668,89 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản leo lên mức cao nhất gần sáu tháng, khi các nhà đầu tư mạnh tay mua cổ phiếu đang bị định giá rẻ.
Chứng khoán Trung Quốc gần như không đổi, khi các quan chức của ngân hàng trung ương nước này tuyên bố sẽ duy trì chính sách tiền tệ thận trọng.
Chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ với nhóm cổ phiếu tài chính dẫn đầu đà giảm trong khi các gã khổng lồ công nghệ hồi phục sau khi truyền thông Trung Quốc trấn an các quy định mới là để thúc đẩy sự phát triển của họ.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm trong bối cảnh các rủi ro từ pháp lý kéo lùi cổ phiếu các công ty công nghệ nặng ký như Naver và Kakao.
Kết thúc phiên 8/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 265,07 điểm (+0,89%), lên 30.181,21 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,40 điểm (-0,04%), xuống 3.675,19 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 32,70 điểm (-0,12%), xuống 26.320,93 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 24,43 điểm (-077%), xuống 3.162,99 điểm.
Sau khi đánh mất mốc 1.800 USD/ounce, giá vàng tiếp tục giảm trong phiên đêm qua trong bối cảnh đồng USD mạnh lên khi mà các quan chức Fed bày tỏ quan điểm nên siết lại các chương trình mua tài sản, bơm tiền vào nền kinh tế.
Kết thúc phiên 8/9, giá vàng giao ngay giảm 5,50 USD (-0,31%), xuống 1.788,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 5,10 USD (-0,28%), xuống 1.791,20 USD/ounce.
Giá dầu trở lại đà tăng trong phiên ngày thứ Tư trong bối cảnh các nhà sản xuất ở Vịnh Mexico của Mỹ “chậm chạp” khôi phục sản lượng sau cơn bão Ida.
Các nhà sản xuất ở vùng Vịnh vẫn đang vật lộn để khởi động lại hoạt động, 9 ngày sau khi bão Ida càn quét. Khoảng 77% sản lượng khai thác tại vùng Vịnh vẫn đang bị đình chỉ, tương đương khoảng 1,4 triệu thùng mỗi ngày. Nguồn cung đã thất thoát khoảng 17,5 triệu thùng dầu cho đến nay.
Mặt khác, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) hôm thứ Tư cho biết, họ dự kiến sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ giảm 200.000 thùng/ngày xuống 11,08 triệu thùng/ngày trong năm 2021, mức giảm lớn hơn so với dự báo trước đó là giảm 160.000 thùng/ngày.
Kết thúc phiên 8/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,95 USD (+1,4%), lên 69,30 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,91 USD (+1,3%), lên 72,60 USD/thùng.