Áp lực dọn 4 căn nhà đón Tết, bao gồm cả nhà người yêu
Năm nay, Tiến Tâm đảm nhận dọn 4 căn nhà, gồm nhà chính, nhà trọ của gia đình, căn nhà ở quê Quảng Nam và cả nhà của gia đình người yêu.
Mỗi dịp cuối năm, Anh Thư (31 tuổi, Đà Nẵng) lại tất bật với việc dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón Tết.
Năm nay, cô đảm nhận dọn 3 căn nhà, gồm nhà chính, nhà trọ của gia đình và căn nhà ở quê Quảng Nam. Công việc tưởng chừng đơn giản này đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian.
Giống như Anh Thư, dọn nhà đón Tết là công việc "thường niên" của mọi gia đình. Trong khi một số người thấy ám ảnh, áp lực với hàng tá việc vặt không tên, nhiều người cảm thấy hồ hởi và thoải mái, cho rằng đây là một kiểu "teambuilding gia đình".
Mệt nhưng vui
Theo Anh Thư, mỗi căn mất khoảng 1-2 ngày để dọn xong. Cô cho biết nhà trọ chỉ cần lau hành lang, cầu thang và các khu vực chung nên không quá vất vả. Tuy nhiên, hai căn nhà còn lại rất tốn công vì phải xử lý các khu ít được sử dụng như tủ bếp hay nóc tủ lạnh, nơi bụi bẩn tích tụ lâu ngày.
Việc phân loại đồ đạc cũng không hề dễ dàng. Gia đình Anh Thư có thói quen giữ lại nhiều đồ cũ, từ chai lọ đến những vật dụng ít giá trị sử dụng. Kết quả, cả nhà phải dành cả ngày để phân loại đồ cần bỏ đi hay giữ lại.
"Nhưng khi mọi thứ gọn gàng, sạch sẽ, mình cảm thấy rất hài lòng", Thư nói thêm.
Công việc dọn nhà khiến Thư không tránh khỏi mệt mỏi, nhất là đau lưng, mỏi gối sau mỗi buổi tối. Tuy nhiên, cô không muốn thuê dịch vụ dọn nhà.
"Gia đình mình từng thuê dọn một lần rồi mình nhận ra Tết đó không vui như mọi năm", cô bày tỏ. "Vừa dọn dẹp vừa trò chuyện, bật nhạc hát karaoke, cả nhà cảm giác như một buổi team building. Đây là khoảng thời gian giúp mọi thành viên gắn kết và tận hưởng những ngày cuối năm".
Tiến Tâm, em trai út của Anh Thư, cũng tham gia dọn nhà cùng chị. Song, thay vì 3 căn, Tâm phải dọn đến 4 căn nhà vì anh còn giúp dọn nhà của người yêu.
Tâm bắt đầu dọn từ giữa tháng 1 cho 3 căn nhà của gia đình. Sau đó, anh dành thời gian sang nhà người yêu để giúp đỡ.
"Ba mẹ bạn gái xem tôi như người trong nhà nên tôi thường sang phụ giúp, dọn dẹp. Tết chẳng qua là dịp dọn dẹp kỹ lưỡng hơn", anh nói.
Dù mệt mỏi, thậm chí đau lưng, nhức mỏi khi đêm về, cả hai chị em đều "tận hưởng và thích dọn nhà đón Tết". Với Anh Thư, việc tìm lại những món đồ kỷ niệm cũ trong lúc dọn dẹp cũng mang đến những cảm xúc đặc biệt.
"Những món đồ nhỏ gắn liền với nhiều ký ức. Tìm lại chúng khiến mình vừa xúc động vừa vui vẻ, cảm giác mà dịch vụ dọn nhà không thể mang lại được", cô chia sẻ.
Trong khi đó, Tiến Tâm cho rằng dọn nhà là yếu tố không thể thiếu trong mỗi dịp Tết Nguyên đán. "Cảm giác ngồi trong ngôi nhà sạch sẽ do tự tay mình dọn gọn gàng, đón Tết thật sự thoải mái và ý nghĩa hơn nhiều", Tâm nói thêm.
Nghiện dọn nhà đón Tết
Nghỉ Tết từ ngày 23/1, Thái Thảo (29 tuổi, giáo viên) đã tất bật cùng các thành viên trong nhà chia nhau dọn dẹp.
"Không hiểu thế nào mà từ hôm đó tới giờ tôi mới chỉ dọn xong nhà tắm. Còn phải lau dọn nhiều thứ, càng dọn càng thấy đẻ ra nhiều thứ để làm hơn, tôi thấy khá mệt mỏi", Thảo bày tỏ.
Cô cho biết việc dọn dẹp sẽ từ từ làm cho đến sát giao thừa. Ngoài dọn nhà, còn "ti tỉ việc không tên" xen vào như mua sắm quà cáp, chọn đồ trang trí, mua hoa, bánh kẹo... nên khó có thể làm mọi thứ một cách liền mạch, sẽ tốn thời gian hơn.
Trái ngược với cảm xúc của Thảo, Hà Trang (24 tuổi) lại rất đam mê trong việc dọn dẹp nhà cửa mỗi dịp Tết đến, đến mức khiến người thân và bạn bè thấy kinh ngạc.
Trang cho biết việc dọn dẹp sạch sẽ đem đến cho cô một liều dopamine, hay còn gọi là hormone hạnh phúc. Cô không coi việc dọn nhà là gánh nặng.
Năm nay, ngày 25/1, vừa đi xe khách từ Hà Nội về nhà lúc gần sáng, đến 9h cô đã thức dậy và bắt tay ngay vào công việc dọn dẹp.
"Đầu tiên, tôi tháo hết vỏ chăn, gối, rèm cửa, màn đem đi ngâm, giặt và phơi phóng tươm tất. Sau khi ăn trưa, tôi tiếp tục lau dọn nhà ngang một chút rồi tiếp tục giặt số chăn màn chưa xong, đem cả quần áo mùa đông ra giặt, mang những cái chăn nặng ra tiệm giặt", Trang kể với vẻ hồ hởi.
Trang cho biết trước khi cô về, mẹ đã dọn trước một số chỗ như quét và lau trần nhà, dọn bàn thờ.
"Chắc mẹ sợ tôi về làm nhiều quá sẽ lao lực. Nhưng với tôi đây là niềm vui, rất thích khi thấy nhà cửa sạch sẽ, chân đi dưới nền không dính tí bụi nào", cô nàng bày tỏ. "Mẹ bảo đã dọn bàn thờ, nhưng tôi thấy mình vẫn có thể lau lại một lần nữa để sạch hơn", cô nói tiếp.
Trang thấy có rất nhiều thứ trong nhà có thể lau chùi, sắp xếp lại, từ nhà chính, nhà ngang, đến cửa gỗ, bộ bàn ghế, từng tủ kệ, nhà bếp... Cô sẽ sắp xếp lịch dọn từ ngày về cho đến chiều 29 Tết.
"Đến 16h chiều 29 tháng Chạp, tức trước đêm giao thừa, khi bắt đầu cúng kiếng, mẹ sẽ không cho tôi quét nhà hay lau dọn bất kỳ thứ gì nữa. Vì vậy, ngày hôm đó tôi sẽ lau nhà 2 lần sáng, chiều để sạch nhất có thể. Phải chờ đến chiều mùng 1 Tết, tôi mới lại được cầm chổi quét nhà", Trang nói.