Thanh âm ngày tết giữa những lối đi mùa xuân

Biến đổi khí hậu toàn cầu đang tác động rõ nét trên từng mùa, từng vùng. Dường như thời tiết chẳng còn đủ khả năng báo hiệu sự dịch chuyển của trời đất vào không gian bận bịu tết.

Minh họa: HƯNG DŨNG

Minh họa: HƯNG DŨNG

Cơn gió lạnh cũng mơ hồ, đợt mưa bụi cũng mơ hồ, và vạt nắng mới cũng mơ hồ. Thế nhưng, thật đáng mừng, thanh âm ngày tết chưa bao giờ phai nhạt. Thanh âm ngày tết dắt người Việt đến phút đoàn viên, đến giờ hạnh ngộ, đến cuộc sum vầy.

Thanh âm ngày tết bắt đầu bằng tiếng còi tàu xe những ngày hối hả tháng Chạp, rồi loang dần ra thành những tiếng cười nói xôn xao. Thanh âm ngày tết ở các phiên chợ cuối năm cũng đặc biệt hơn, tiếng chào mời niềm nở thay cho tiếng cãi vã gay gắt. Mỗi người đều tự nguyện hạ giọng xuống thấp để giữ lấy sự tao nhã chào đón niềm vui và may mắn.

Thanh âm ngày tết khi tắt hết những câu hát dạt dào nhung nhớ là những giai điệu ký ức thì thầm trên bức tranh quê nhà tất bật sửa soạn tất niên, như lời mẹ dặn dò con cẩn trọng bước đường tha phương cầu thực, như lời hẹn hò lứa đôi không phai nhạt hẹn ước nhân duyên, như lời hỏi han láng giềng sau thời gian cách mặt chìm nổi bôn ba.

Hơn một phần tư thế kỷ trót quen nhịp sống đô thị ồn ào, tôi thích thú với những thanh âm ngày tết ở nông thôn. Đó là những thanh âm đan xen quá khứ và hiện tại, thanh âm từ cây gậy trúc nương tựa cụ già ra bậc thềm ngắm nhìn một màu hoa vừa chớm nụ sau thử thách bão dông và thanh âm từ bước chân náo nức đứa trẻ tìm kiếm bạn bè để khoe một món quà mừng tuổi vừa được chuyển phát nhanh của người thân còn nhọc nhằn danh lợi nơi xa.

Thanh âm quá khứ và thanh âm hiện tại không tách riêng nhau và không loại trừ nhau, mà cộng hưởng bồi đắp thanh âm tương lai. Thanh âm ngày tết lắng lại, chắt chiu thành kỷ niệm, chắt chiu thành vốn liếng, chắt chiu thành báu vật cho hành trang lận đận trần gian mến thương.

Ngày tết, không có gì thú vị bằng việc ngồi một quán nhỏ đầu làng mà lắng nghe những thanh âm rộn ràng của những phép toán chất phác, những nhắn nhủ chân thành, những kế hoạch lương thiện. Quán nhỏ đầu làng, mấy lon nước ngọt, mấy gói bánh quy, mấy bịch đậu phộng. Quán nhỏ đầu làng, bà chủ ngoài năm mươi lặng lẽ và từ tốn, khách chòm xóm ghé qua tự nhiên như nhà mình.

Hầu như chẳng bán mua gì, hàng hóa được giao dịch ở quán nhỏ đầu làng chỉ là những câu chuyện bất tận chờ tết, đợi tết, mong tết xen lẫn sợ tết. Câu chuyện người còn chật vật, tết này bán bầy heo gom tiền cho con nộp học phí. Câu chuyện người bớt hắt hiu, tết này đặt thêm mâm cỗ xem mắt nàng dâu sắp dạm ngõ.

Câu chuyện người vừa thu hoạch, tết này giá lúa lên cao cũng đủ trả hết nợ nần cho đại lý phân bón. Câu chuyện người đang gieo cấy, tết này lo sương muối đe dọa khóm rau vườn cà thì qua Giêng không biết xoay xở ra sao…

Mỗi người một câu chuyện, nói xong rồi đi tiếp, rẽ trái ra cánh đồng, rẽ phải lên phố huyện. Quán nhỏ đầu làng như trạm thu nạp thông tin, bà chủ ngoài năm mươi gật gù sẻ chia và đồng cảm, thỉnh thoảng hướng đôi mắt sang hàng vạn thọ vàng rực rỡ phía bên kia đường.

Đôi mắt bà chủ quán nhỏ đầu làng, cũng là một câu chuyện không lời, ẩn giấu nỗi ngóng trông, chất chứa niềm hy vọng. Có lẽ chị đang chờ ai đó, không phải là khách lạ, quay lại nơi đây.

Chị đang chờ một người con phiêu bạt, hay đang chờ một người tình ruổi rong? Tôi không dám hỏi, cũng không nỡ hỏi, chỉ xao xác mường tượng quán nhỏ đầu làng những ngày tết có một bóng nhỏ cô đơn trong hoàng hôn bịn rịn.

Tết quê của những thanh âm khác hẳn ngày thường. Quá trình xây dựng nông thôn mới đã giảm đáng kể dòng người rời bỏ chốn chôn nhau cắt rốn để lặn lội mưu sinh ở các khu công nghiệp.

Bây giờ dân quê tự tin chọn lựa nghề nghiệp của họ, nên ngày tết cũng đủ đầy theo phong tục truyền thống bái tạ tổ tiên. Sau lũy tre xanh miên man huyền thoại, thanh âm ngày tết vẫn khiến tôi thẫn thờ khi một tiếng gà bất chợt gáy lên nhộn nhịp góc sân.

Tôi đã đến nhiều nơi, đã gặp nhiều người, đã nghe nhiều lời ngọt ngào, nhiều lời cay nghiệt và nhiều lời đãi bôi. Thế nhưng, thanh âm ngày tết lắng đọng sâu sắc nhất trong lòng tôi là giọng kể đều đều của bà nội ngày xưa bên bếp lửa giao thừa. Giọng kể đều đều của bà nội, không buồn cũng không vui, mà tôi cứ nhớ mãi.

Bà nội kể ấu thơ chạy loạn chiến tranh, đạn bom xót xa thân phận cơ hàn. Bà nội kể thanh xuân làm vợ thiếu trước hụt sau, dành cơm cho con, nhường canh cho chồng. Bà nội kể phương pháp tiết kiệm giai đoạn bao cấp, mỗi đêm vặn nhỏ ngọn đèn dầu khâu áo rách cho mình. Bà nội kể cách chia nồi rim mứt thành nhiều phần, để san sớt đùm bọc bà con túng bấn xung quanh…

Giọng kể đều đều không buồn cũng không vui của bà nội, từng chìm khuất trong những giấc mơ trẻ dại rồi cùng tôi lớn lên, dạy tôi biết cách sống không đố kỵ, không oán than, không trách giận. Bà nội đã không còn nữa.

Cuộc đời cam chịu và thiệt thòi của bà nội gửi lại một nấm mồ đơn sơ trên ngọn đồi mọc nhiều cây dú dẻ. Ngọn đồi ấy, có những trái dú dẻ vàng ươm và những hoa dú dẻ thơm lừng, luôn ẩn hiện như một miền che chở tôi suốt năm tháng xa quê.

Trên những lối đi mùa xuân, mỗi thanh âm đều gợi nhắc một bồi hồi, mỗi thanh âm đều thức dậy một xao xuyến, mỗi thanh âm đều nảy nở một ân cần. Bản nhạc gặp gỡ sôi động hay điệp khúc một mình bơ vơ, cũng đều là thanh âm xúc động ngày tết.

Tôi tin như vậy khi chậm rãi ngụp lặn giữa những thanh âm vang vọng tận cõi lòng mình. Bởi lẽ, một điệu bài chòi bên bến sông bình yên, cũng khiến kẻ đa mang quay quắt mường tượng dáng cũ một người dưng qua đò thuở trước chẳng vấn vương gì, mà mái tóc đượm hương bồ kết còn bay ngược dòng hồi tưởng ngổn ngang.

Ngày tết đối với tôi không còn háo hức tiệc tùng sang trọng, mà chỉ thích những bữa cơm giản dị có đông đủ thành viên gia đình. Thịt mỡ hay dưa hành, bánh tét hay củ kiệu, có cũng được mà không cũng không sao. Thanh âm ngày tết không nằm ở những chúc tụng chót lưỡi đầu môi. Thanh âm ngày tết khe khẽ từ trái tim những con người biết nghĩ về nhau, tha thứ và bao dung giữa hơi ấm cội nguồn thiêng liêng.

LÊ THIẾU NHƠN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/325396/thanh-am-ngay-tet-giua-nhung-loi-di-mua-xuan.html