Áp lực đồng trang lứa ở giới trẻ

Áp lực đồng trang lứa là một vấn đề tâm lý nổi bật trong giới trẻ hiện nay. Ở Hải Dương, với sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội, áp lực này càng rõ ràng.

Chính những định kiến, thước đo về sự thành công, những tiêu chuẩn không thực tế khiến giới trẻ hiện nay có tâm lý áp lực đồng trang lứa

Chính những định kiến, thước đo về sự thành công, những tiêu chuẩn không thực tế khiến giới trẻ hiện nay có tâm lý áp lực đồng trang lứa

Khi “con nhà người ta" cũng gặp thất bại

Từ nhỏ, em Mạc Phương Đông (17 tuổi) ở TP Hải Dương được bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng, đầu tư lớn cho việc học. Bản thân em cũng luôn phấn đấu, nỗ lực với quyết tâm cao nhất, theo học trường trọng điểm và thành tích luôn nằm trong top đầu của lớp, của trường. Chính vì vậy, năm học lớp 9, khi Đông là học sinh xuất sắc thuộc đội tuyển môn hóa học nhưng không giành được bất cứ giải nào trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, em đã rơi vào khủng hoảng và suy sụp. Thời điểm đó, chính cô giáo ngữ văn đã động viên, chia sẻ, đưa em ra khỏi vũng lầy thất bại. Em nhận ra không có gì đáng ngại cả, khi cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Vì vậy, em đã phấn đấu thi đỗ Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi và trở thành lớp trưởng lớp chuyên Hóa.

Từng được đánh giá là con ngoan trò giỏi nhưng sau 4 năm đại học, chị Phạm Thị Ngọc Diệp (27 tuổi) ở Nam Sách lại có khởi đầu công việc không được thuận lợi, phải đi làm trái ngành 3 năm. Tâm lý áp lực đồng trang lứa cũng xuất hiện từ đây. Nhìn các bạn có công việc ổn định, làm đúng ngành nghề với mức thu nhập cao, mua nhà, mua xe… khiến chị tự ti, nghi ngờ về bản thân. Đồng thời, chị cũng bị áp lực về gia đình khi gần 30 tuổi vẫn độc thân, trong khi các bạn đã yên bề gia thất, liên tục khoe ảnh cưới, ảnh con cái trên mạng xã hội.

Là một lớp trưởng giàu năng lượng nhưng Phương Đông luôn có tâm lý so sánh mình với lớp trưởng lớp khác

Là một lớp trưởng giàu năng lượng nhưng Phương Đông luôn có tâm lý so sánh mình với lớp trưởng lớp khác

Tâm lý áp lực đồng trang lứa xuất phát do sự tác động, ảnh hưởng từ những người cùng lứa tuổi hoặc cùng một nhóm xã hội được cho là thành công, hạnh phúc hơn đối với một cá nhân, gây ra những cảm xúc tự ti, bất an, lo lắng.

Áp lực đồng trang lứa thời nào cũng có, nhưng thể hiện rõ và ảnh hưởng mạnh nhất chính là thế hệ trẻ hiện nay. Nguyên nhân do các bạn trẻ sống trong thời đại công nghệ số, mọi thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, TikTok... nên dễ dàng biết được thông tin của nhau. Tuy nhiên, chúng cũng tạo ra những tiêu chuẩn không thực tế về ngoại hình, thành công và lối sống. Giới trẻ thường cảm thấy cần phải thể hiện mình theo cách mà người khác mong đợi, dẫn đến áp lực lớn.

Ngoài ra, sự cạnh tranh trong môi trường học đường, những kỳ vọng về thành tích học tập, nghề nghiệp của con cái đến từ các bậc phụ huynh cũng là những áp lực cho giới trẻ. Khi những kỳ vọng này không được đáp ứng, giới trẻ cảm thấy thất bại.

Dẫn tới trầm cảm, lo âu

Áp lực đồng trang lứa có thể dẫn tới trầm cảm, lo âu, nhưng cũng có thể là động lực để giới trẻ vượt qua giới hạn bản thân

Áp lực đồng trang lứa có thể dẫn tới trầm cảm, lo âu, nhưng cũng có thể là động lực để giới trẻ vượt qua giới hạn bản thân

Độ tuổi bộc lộ áp lực đồng trang lứa rõ ràng nhất rơi vào thế hệ Gen Z bởi đây là tuổi phải bắt đầu cuộc sống độc lập, chưa có nhiều kinh nghiệm sống và chịu khá nhiều ảnh hưởng từ xung quanh. Bên cạnh đó, độ tuổi này còn đang khao khát thành công trong học tập cũng như công việc. Những người gặp tình trạng tâm lý trên thường có dấu hiệu căng thẳng, mệt mỏi, hay xuất hiện cảm giác lo lắng, bồn chồn không rõ nguyên nhân, suy nghĩ quá nhiều làm rối loạn giấc ngủ, thường so sánh mình với người khác hoặc nặng hơn là bị stress kéo dài.

Ngoài ra, áp lực đồng trang lứa có thể dẫn đến tình trạng lo âu, trầm cảm, làm cho mối quan hệ giữa các bạn trẻ trở nên căng thẳng. Họ có thể ganh ghét, đố kỵ lẫn nhau, hoặc thậm chí xa lánh những người bạn đang thành công hơn mình. Trong một số trường hợp, áp lực có thể khiến giới trẻ tìm đến những hành vi tự hủy hoại, tổn thương bản thân.

Khi phải sống theo những tiêu chuẩn mà xã hội đặt ra, giới trẻ có thể mất đi khả năng sáng tạo và khám phá bản thân. Họ trở nên thụ động và không dám thử nghiệm, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển cá nhân. Mặc dù sống trong một thế giới kết nối, nhưng áp lực đồng trang lứa có thể làm cho các bạn trẻ cảm thấy cô đơn, không dám chia sẻ cảm xúc thật sự của mình với người khác vì sợ bị đánh giá.

Để vượt qua áp lực đồng trang lứa, mỗi bạn trẻ lại tìm cho mình một cách khác nhau. Ở một trường chuyên, Phương Đông đối mặt với áp lực giữa các lớp trưởng với nhau khi em nhìn thấy rất nhiều thành tích từ các lớp trưởng khác. Để tìm được giải pháp trấn an bản thân, mỗi tuần, Đông đều hỏi các bạn trong lớp xem mình làm lớp trưởng có ổn không, các bạn thấy mình như thế nào. Mục đích để tìm kiếm câu trả lời an toàn từ các bạn, bù đắp nỗi sợ tinh thần và là phương pháp chữa lành tâm hồn cho em.

Còn với chị Ngọc Diệp, để tránh việc bị áp lực, chị đã lên kế hoạch định hướng cho tương lai, tự đánh giá năng lực của bản thân để tìm công việc phù hợp. Đến nay, chị đã có một công việc ổn định, đúng ngành tại một văn phòng luật sư với mức thu nhập ổn định, biết cân bằng trong suy nghĩ, hiểu được bản thân làm gì, muốn gì. “Mỗi người đều có định hướng riêng nên mình đã thôi không so sánh bản thân với bất kỳ ai, bản thân mình là duy nhất và tập trung theo đuổi mục tiêu cá nhân", chị Diệp nói.

Chị Diệp đang làm việc tại một văn phòng luật sư, có định hướng tương lai của bản thân

Chị Diệp đang làm việc tại một văn phòng luật sư, có định hướng tương lai của bản thân

Các trường học cũng nên chú trọng đến giáo dục tâm lý, giúp học sinh nhận thức rõ hơn về áp lực đồng trang lứa và cách đối phó bằng việc tổ chức các buổi hội thảo, nói chuyện về tâm lý. Gia đình và xã hội cũng cần tạo điều kiện để giới trẻ phát triển sự tự tin. Việc khuyến khích cá nhân khám phá điểm mạnh và chấp nhận những thiếu sót sẽ giúp họ cảm thấy thoải mái hơn trong việc thể hiện bản thân. Đồng thời, tạo ra những không gian an toàn để giới trẻ chia sẻ cảm xúc và trải nghiệm của mình, các hoạt động nhóm, câu lạc bộ, tạo ra cơ hội để kết nối và hỗ trợ lẫn nhau.

Áp lực đồng trang lứa là một vấn đề phức tạp mà giới trẻ đang phải đối mặt. Việc xây dựng một môi trường tích cực, nơi mà mỗi cá nhân có thể tự do thể hiện bản thân mà không sợ bị đánh giá là rất quan trọng. Chỉ khi đó, giới trẻ mới có thể phát triển một cách toàn diện và hạnh phúc.

Học cách cân bằng tâm lý trong cuộc sống

Nhiều bạn trẻ luôn có tâm lý so sánh mình với người khác, lấy người khác là thước đo, khiến bản thân chán nản, tự ti và đánh mất chính mình. Để tránh bị áp lực đồng trang lứa, các bạn trẻ cần hiểu được bản thân mình, phát huy điểm mạnh và cải thiện điểm yếu, từ đó giảm áp lực và phát triển bản thân trên cơ sở những gì mình có.

Mỗi cá nhân là phiên bản duy nhất trên thế giới này, vì vậy học cách tôn trọng những gì mình có, tạo cho mình một cuộc sống tích cực phù hợp năng lực bản thân. Xây dựng kế hoạch rõ ràng để thực hiện mục tiêu dựa trên khả năng của bản thân, tránh làm theo người khác một cách định tính và tạo được tâm thế chuyên tâm với công việc của chính mình.

Không nên chạy theo người khác một cách máy móc khi mình không đủ khả năng. Đồng thời, luôn học cách cân bằng tâm lý trong cuộc sống và giữ gìn sức khỏe vì chỉ khi tâm trí khỏe mạnh mới vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống, tạo động lực để biến ước mơ thành hiện thực.

Vũ Thị Thu Trang, giảng viên Trường Đại học Hải Dương

Tạo áp lực cho bản thân để nỗ lực từng ngày

Em cũng từng chịu áp lực đồng trang lứa bởi sự kỳ vọng của bạn bè. Bước vào ngôi trường chuyên, em nhận ra mỗi bạn đều có những dự định, mục tiêu riêng chứ không phải ai cũng tập trung cho môn chuyên. Thích hoạt động ngoại khóa nên em nhiệt tình tham gia câu lạc bộ nhưng vẫn cân bằng việc học trên lớp, để thành tích không quá tệ. Chính vì vậy, giai đoạn tranh cử làm chủ nhiệm câu lạc bộ ở trường, các bạn trong câu lạc bộ luôn nghĩ em chắc chắn sẽ giành được vị trí này càng tạo thêm áp lực cho em. Tuy nhiên, chính những kỳ vọng đó như tiếp thêm 200% động lực để em cố gắng hơn. Hiện em đang đồng thời là chủ nhiệm và phó chủ nhiệm 2 câu lạc bộ của trường.

Mỗi học sinh đều có những mục tiêu phấn đấu riêng, không có quy chuẩn nào cụ thể về sự thành công cả. Và áp lực đồng trang lứa có 2 mặt, nếu so sánh để suy nghĩ tiêu cực sẽ dẫn đến tự ti, bất an. Nhưng khi có áp lực, so sánh bản thân với các bạn thấy mình chưa tốt cũng giúp chúng ta nỗ lực cố gắng từng ngày để tốt hơn.

Trương Khánh Ngọc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sự kiện, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi

Trân trọng chính mình, chăm sóc bản thân

Áp lực đồng trang lứa có thể khiến nhiều bạn dễ đánh mất bản thân, nhưng cũng là cơ hội để bạn khám phá và thấu hiểu chính mình. Để vượt qua áp lực đồng trang lứa, mỗi chúng ta cần trân trọng chính mình, chăm sóc bản thân cả về thể chất lẫn tinh thần.

Về thể chất, các bạn trẻ nên duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và bảo đảm giấc ngủ đủ giấc, giúp giảm stress, cải thiện tâm trạng.

Về tinh thần, các bạn có thể chia sẻ những cảm xúc và suy nghĩ với người thân, bạn bè xung quanh, hoặc tìm kiếm niềm vui và sự thỏa mãn bằng cách làm những hoạt động yêu thích. Ví dụ, nhiều bạn trẻ tìm đến các chuỗi hoạt động tại xưởng nghệ thuật như vẽ tranh, móc len, làm đồ handmade... Những hoạt động này sẽ kích thích sự sáng tạo, như liều thuốc tinh thần chữa lành tâm hồn mình.

Ngoài ra, các bạn có thể sử dụng phương pháp trị liệu tâm lý để cân bằng cảm xúc, giải tỏa căng thẳng, yêu thương bản thân mình và có suy nghĩ tích cực.

Nguyễn Minh Ngọc Linh, chuyên gia tham vấn tâm lý, người sáng lập Xưởng nghệ thuật Chạm ở TP Hải Dương

MỘC MIÊN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/ap-luc-dong-trang-lua-o-gioi-tre-395310.html