Áp lực giá ở Nga dâng cao vì cuộc chiến tại Ukraine
Việc chính phủ mạnh tay chi tiêu cho cuộc chiến tại Ukraine đang khiến áp lực giá ở Nga tăng nhanh chóng trong thời gian qua. Chi tiêu của chính phủ gây lạm phát?
Số liệu mà Moscow công bố ngày vào 8/12 cho thấy, lạm phát tháng 11 đạt 7,5%, cao hơn mức 6,7% trong tháng trước đó. Ngân hàng trung ương Nga đã phải đối phó tình trạng giá cả tăng vọt hồi đầu năm 2022, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Nguy cơ mất kiểm soát với áp lực giá
Mặc dù vậy, tờ Economist đưa tin rằng giờ đây các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng có thể họ đang để mất kiểm soát. Tại cuộc họp gần nhất, các quan chức ngân hàng trung ương Nga quyết định tăng lãi suất hai điểm %, gấp đôi so với dự đoán của thị trường. Giới chuyên gia dự kiến Nga sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào ngày 15/12. Tuy vậy, hầu hết các nhà dự báo vẫn cho là lạm phát sẽ tiếp tục leo thang, kéo theo áp lực giá.
Nguyên nhân gây ra lạm phát vào năm 2022 là sự suy yếu của đồng ruble. Sau khi quân đội Nga tiến vào Ukraine, tỷ giá ruble/USD từng lao dốc tới 25% vào một thời điểm, khiến chi phí nhập khẩu tăng phi mã. Nhưng lần này tỷ giá chỉ đóng vai trò nhỏ.
Vào tháng cuối năm 2023, khi cuộc chiến tại Ukraine sắp đánh dấu một chặng mới, giá cả tại Nga lại một lần nữa tăng tốc dù lạm phát tại những nơi khác trên thế giới đang giảm.
Trong những tháng gần đây, ruble thậm chí đã mạnh lên, một phần là nhờ các biện pháp kiểm soát vốn. Tốc độ tăng giá của những mặt hàng tiêu dùng không phải thực phẩm - phần nhiều là hàng nhập khẩu - cũng tương tự như mức trung bình của giai đoạn trước chiến sự.
Economist cho rằng nền kinh tế thời chiến của Nga đang tăng trưởng nóng một cách nguy hiểm. Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ đặc biệt cao. Chi phí cho một đêm nghỉ tại khách sạn Carlton ở Moscow trước khi chiến sự nổ ra là khoảng 225 USD nhưng nay đã lên đến 500 USD. Thực trạng ấy cho thấy lạm phát bắt nguồn từ vấn đề trong nước.
Chi tiêu của chính phủ gây lạm phát?
Nhiều nhà kinh tế cho rằng “thủ phạm” gây lạm phát là các khoản chi của Moscow. Sang năm 2024, chi tiêu quốc phòng của Nga sẽ tăng gần gấp đôi lên 6% GDP - mức cao nhất kể từ khi Liên Xô tan rã. Moscow cũng đang tăng cường phúc lợi cho người dân để giảm bớt tác động của cuộc chiến.
Một số gia đình của những người lính tử trận được bồi thường bằng khoản tiền tương đương với 30 năm mức thu nhập trung bình. Số liệu từ Bộ Tài chính Nga cho thấy quy mô kích thích tài khóa hiện nay tương đương 5% GDP, lớn hơn cả trong thời kỳ COVID-19.
Các khoản chi này đang thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP. Dữ liệu theo thời gian thực của Goldman Sachs chỉ ra rằng GDP Nga sẽ tăng trưởng vững chắc. JPMorgan nâng dự báo tăng trưởng cả năm 2023 của Nga từ 1,8% lên 3,3%.
Tổng thông Putin gần đây tuyên bố: “Chúng tôi có thể tự tin nói rằng tốc độ tăng trưởng sẽ vượt mức 3%”. Các dự báo của những nhà kinh tế và chính trị gia phương Tây về sự sụp đổ của nền kinh tế Nga đã được chứng minh là hoàn toàn sai lầm.
Tuy nhiên, rắc rối là nền kinh tế Nga không thể chịu được mức tăng trưởng nhanh đến vậy. Kể từ đầu năm 2022, nguồn cung của Nga đã giảm khá mạnh. Hàng nghìn người lao động có học vấn cao đã rời khỏi đất nước. Các nhà đầu tư ngoại rút lại các khoản đầu tư trực tiếp trị giá khoảng 250 tỷ USD, bằng gần một nửa mức trước chiến sự.
Nhu cầu tăng nóng và nguồn cung giảm sút khiến chi phí vốn, lao động và vật liệu thô đi lên. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong lịch sử (khoảng 3%) đang khuyến khích người lao động yêu cầu lương cao hơn. Mức lương danh nghĩa đang tăng trưởng với tốc độ 15% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp lại chuyển phần chi phí gia tăng này sang phía người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán sản phẩm và dịch vụ.
Lãi suất gia tăng có thể sẽ kìm hãm nhu cầu, ngăn lạm phát lên cao hơn. Sự phục hồi của giá dầu thô và các biện pháp kiểm soát vốn mới có khả năng sẽ trợ giúp đồng ruble, giúp giảm chi phí nhập khẩu.
Song, tất cả các yếu tố ấy có thể là chưa đủ để khống chế lạm phát. Nga vẫn quyết tâm giành thắng lợi tại Ukraine. Tổng thống Putin vẫn còn nguồn lực tài chính dồi dào trong tay và do đó ông có khả năng sẽ chi tiêu nhiều hơn nữa trong tương lai, qua đó kéo theo lạm phát.