Áp lực giá xăng đè nặng, người dân chật vật chi tiêu

Giá xăng dầu trong nước liên tục lập kỷ lục mới chỉ trong hơn 4 tháng đầu năm đã khiến người tiêu dùng rơi vào tình cảnh chật vật trong cơn bão giá. Nhiều gia đình đã phải tính đến phương án cân đối tài chính, cắt giảm chi tiêu hàng ngày.

“Đau ví” vì giá xăng

Với mức giá xăng xấp xỉ 30.000 đồng/lít đã khiến không ít người dân lo lắng về chi tiêu hằng ngày. Giá xăng tăng cao đã tác động trực tiếp đến tâm lý chung của người dân, đặc biệt là ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình.

Người dân vẫn phải chen chân đổ xăng trong thời kỳ “thắt lưng buộc bụng”.

Chị Nguyễn Ngọc Hân (27 tuổi, tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Nơi làm việc của tôi khá xa nhà, cứ hai ngày đi đi về về là sẽ phải đổ xăng một lần. Bình thường chi phí cho việc di chuyển của gia đình cũng đã khá tốn kém, hiện giá xăng lại tăng, tôi gần như phải “móc cạn túi” chỉ để đổ xăng”.

Tương tự chị Hân, anh Hoàng Nam (22 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết, mỗi ngày phải bỏ ra từ 50.000 -100.000 đồng cho việc đổ xăng để di chuyển bằng xe máy.

“Vì đang là sinh viên nên hầu như ngày nào tôi cũng phải tới trường cả sáng và chiều. Nhiều lúc tiếc tiền xăng, tôi ở lại trường qua trưa chứ không về nhà. Hơn nữa, để đảm bảo cuộc sống, tôi đã phải cắt giảm một số chi phí tiêu dùng hàng ngày để bù vào tiền xăng” - anh Nam nói.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng 9 lần, giảm 3 lần đưa mặt hàng này lên mức cao kỷ lục.

Tại các điểm xăng, giá xăng vẫn ở mức cao.

Do dịch bệnh, kinh tế đã bị ảnh hưởng nay lại phải đối mặt với khó khăn do giá xăng tăng cao khiến anh Nguyễn Văn Hùng (37 tuổi, quê tại Nam Định), lái xe công nghệ càng thêm lo lắng.

Anh Hùng cho hay: “Chạy được nhiều thì tiền xăng nhiều, giá xăng tăng cao nên tiền lãi chả còn là bao. Không những thế, ngoài tiền xăng còn các chi phí khác như tiền điện thoại, hao mòn xe, ăn uống. Nhiều lúc chỉ muốn “tắt app” về quê”.

“Thắt lưng buộc bụng” thời kỳ bão giá

Trên thực tế, giá xăng tăng cao đã tác động không nhỏ đến tâm lý chung của người dân.

Trong những ngày qua, nhiều người đã phải tính đến những phương án cân đối tài chính, cắt giảm chi tiêu hàng ngày, thay thế hoặc loại bỏ một số chi phí không cần thiết vì giá cả hàng hóa thiết yếu cũng đang “tát nước theo mưa”.

Mỗi khi cầm tiền đi chợ, chị Trà My (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không khỏi “chóng mặt” khi thấy giá thực phẩm, rau củ quả liên tục tăng cao. Nhiều mặt hàng đều đồng loạt tăng.

“Giờ phải tính toán, cân nhắc xem hôm nay nên mua gì, không mua gì để tránh lạm chi. Hôm nào tôi cũng phải đau đầu chật vật trong các khoản chi tiêu sinh hoạt gia đình”.

Không chỉ chị My mà gia đình chị Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) cũng trong hoàn cảnh tương tự.

“Thời kỳ bão giá nên tôi để ý hơn đến các chương trình khuyến mãi của siêu thị, săn sale trên các trang thương mại điện tử. Ngày trước, 1 tuần gia đình tôi sẽ tiêu khoảng 500.000 đồng cho các đồ ăn cơ bản, thế nhưng giờ bằng vậy chỉ mua được khoảng vài ba bữa là đã hết sạch” chị Hà kể.

Nhiều người đã phải tính đến những phương án cân đối tài chính, cắt giảm chi tiêu hàng ngày.

Theo khảo sát của PV, tại một số chợ dân sinh, chợ truyền thống cho thấy, giá các loại rau, củ đã tăng mạnh so với 1 tháng trước đó. Chẳng hạn, các loại rau cải tăng từ 10.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg; rau bí tăng khoảng 3.000 - 5.000 đồng so với trước đó, các loại củ quả khác như cà rốt cũng tăng từ 15.000 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg…

Chi phí vận chuyển tăng khiến giá cả hàng hóa cũng trên đà leo dốc.

Với sức ép từ giá xăng, giá nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng tăng, các sản phẩm thiết yếu cũng không thể kìm chân giữ giá. Hầu hết các tiểu thương kinh doanh tại chợ cho biết giá xăng dầu tăng, chi phí vận chuyển tăng khiến giá cả hàng hóa cũng trên đà leo dốc.

Chị Nguyễn Thị Xuyên, tiểu thương bán rau quả tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Thương lái hét giá mới tăng cao thì chúng tôi cũng buộc phải tăng giá. Họ nói giá xăng dầu tăng, chi phí vận chuyển cũng tốn kém hơn nên nhập đắt hơn, ít khách mua, tôi cũng vẫn phải nhập để kinh doanh buôn bán”.

Hơn nữa, chị Xuyên cũng cho biết thêm: “Vì giá cao nên sức mua kém vì vậy mà lợi nhuận không đáng là bao nhiêu”.

Quỳnh Anh - Hoàng Diệp

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ap-luc-gia-xang-de-nang-nguoi-dan-chat-vat-chi-tieu-post195424.html