Áp lực giải ngân vốn đầu tư công

Áp lực giải ngân vốn đầu tư công đang đè nặng lên vai các chủ đầu tư trong toàn tỉnh. Bởi đến hết tháng 7 lũy kế giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 của toàn tỉnh mới đạt 30,11% kế hoạch vốn giao; lũy kế giải ngân vốn năm 2023 kéo dài sang năm nay đạt 38,42% kế hoạch vốn đã được cấp. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 và Điện Biên là một trong những tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp của cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô kiểm tra thiết kế tuyến dự án Đường động lực. Ảnh: Quốc Huy

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô kiểm tra thiết kế tuyến dự án Đường động lực. Ảnh: Quốc Huy

Xác định vốn đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là động lực quan trọng kích thích tăng trưởng, tạo nền tảng để kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 8/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, các ban quản lý dự án cấp tỉnh và các địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian tới phải tập trung cao độ, sâu sát, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa; chủ động, linh hoạt, kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt 95% kế hoạch. Mục tiêu đã rõ, các chủ đầu tư phải rõ trách nhiệm hơn, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Giải ngân kế hoạch vốn từng dự án đạt thấp nên kết quả giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh thấp. Cụ thể, giải ngân vốn cân đối ngân sách địa phương là trên 420 tỷ đồng, đạt 31,97% kế hoạch; vốn ngân sách trung ương giải ngân hơn 353 tỷ đồng, đạt 24,78% kế hoạch; vốn thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia là 452,3 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch.

Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công đã được tỉnh chỉ ra. Đó là sự thiếu quyết liệt, sâu sát, thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy tối đa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch đầu tư công. Năng lực lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện ở một số đơn vị còn nhiều bất cập, chưa quyết liệt, hiệu quả dẫn tới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư để phân bổ vốn. Đơn cử Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến cuối tháng 5/2024 mới hoàn thành phân bổ vốn chi tiết. Sự phối hợp giữa các chủ đầu tư với cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương có dự án đầu tư có lúc chưa chặt chẽ, hiệu quả; chưa báo cáo kịp thời để xử lý những khó khăn vướng mắc, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng. Dự án đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12; dự án quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội tỉnh Điện Biên là 02 dự án triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả. Đây là hai dự án vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng thuộc địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Giải phóng mặt bằng vốn là tồn tại, vướng mắc chủ yếu của các công trình, dự án trong khi việc thi công thiếu đôn đốc, khó khăn, vướng mắc chậm báo cáo, đề xuất giải pháp thì tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư khó đáp ứng yêu cầu. Thêm vào đó, thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, mưa lũ kéo dài ảnh hưởng đến việc triển khai thi công các công trình, dự án. Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 trong khi chưa đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện; một số dự án trên địa bàn tỉnh có liên quan đến đất rừng phải xin ý kiến Trung ương... cũng là nguyên nhân khiến chậm tiến độ thi công các công trình, dự án.

Dự án Đường động lực vẫn vướng mặt bằng thi công, ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn dự án. Ảnh: Quốc Huy

Dự án Đường động lực vẫn vướng mặt bằng thi công, ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn dự án. Ảnh: Quốc Huy

Năm 2024 được Chính phủ xác định là năm bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ đặc biệt quan tâm, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Việc giải ngân vốn đầu tư công “chỉ bàn làm không bàn lùi”, các đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Điện Biên đã xác định một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu phải phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các dự án đầu tư. Đánh giá tiến độ thực hiện từng chương trình, dự án, nguồn vốn cụ thể để xác định khó khăn, vướng mắc, chỉ ra nguyên nhân, có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với quản lý nhà nước về đầu tư, chống tiêu cực, lãng phí nguồn lực đầu tư. Rà soát, đánh giá khả năng giải ngân từng dự án để điều chỉnh vốn các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt. Có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dự án, đặc biệt các dự án trọng điểm, quy mô lớn để sớm có mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công, đẩy nhanh giải ngân vốn.

Đối với các dự án đã hoàn thành cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục thẩm tra, phê duyệt, quyết toán; khẩn trương quyết toán các dự án trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 đã hoàn thành năm 2022, năm 2023. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để có nguồn thu bố trí cho các dự án trọng điểm của tỉnh. Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia và Dự án bảo tồn, tôn tạo Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ kết hợp với cải tạo hệ thống cây xanh tại các điểm di tích cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu thi công. Nguồn vốn 560 tỷ đồng từ vốn dự phòng ngân sách Trung ương dành cho 2 dự án này phải phấn đấu giải ngân hết trong năm 2024.

Cán bộ huyện Mường Nhé kiểm tra chất lượng bình chứa nước trước khi cấp cho các gia đình người dân tộc thiểu số ở xã Chung Chải. Ảnh: CTV

Cán bộ huyện Mường Nhé kiểm tra chất lượng bình chứa nước trước khi cấp cho các gia đình người dân tộc thiểu số ở xã Chung Chải. Ảnh: CTV

Đối với việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp; trong đó tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý những bất cập, vướng mắc; khẩn trương quyết toán các dự án đã hoàn thành; tổ chức triển khai hiệu quả việc thí điểm cơ chế phân cấp trong quản lý tổ chức thực hiện bám sát Nghị quyết 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội. Rà soát, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung, chính sách của 3 chương trình để kịp thời xử lý bất cập, vướng mắc phát sinh và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét xử lý, điều chỉnh bổ sung các nội dung cho phù hợp thực tiễn và quy định của pháp luật.

Bằng việc xác định rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp thực hiện, việc giải ngân vốn đầu tư công đối với các chủ đầu tư sẽ giảm bớt áp lực, phấn đấu thực hiện đảm bảo yêu cầu, mục tiêu. Điện Biên có thực hiện được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch trước hết từ tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt của các chủ đầu tư trong toàn tỉnh.

Hà Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/su-kien-va-binh-luan/217727/ap-luc-giai-ngan-von-dau-tu-cong