Áp lực giải phóng mặt bằng mở rộng Quốc lộ 14E
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14E đi qua 3 huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam đang gặp nhiều áp lực về công tác giải phóng mặt bằng.
Rào cản về mặt bằng chưa được giải phóng
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14E qua tỉnh Quảng Nam có tổng vốn đầu tư hơn 1.848 tỷ đồng. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 3/2023 theo hình thức vừa thi công vừa nhận mặt bằng.
Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hạn cuối đến hết 31/1/2024 phải hoàn thành. Tuy nhiên, dự án vẫn còn nhiều rào cản khi vướng phải nhà dân, công trình công cộng, hạ tầng điện…
Ghi nhận của phóng viên tại địa phận huyện Thăng Bình, một số trụ điện vẫn chưa được di dời, đơn vị phải tìm cách khắc phục trong quá trình thi công. Nhiều đoạn đường thi công không khớp nối do vướng công trình công cộng hoặc người dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Nhiều vị trí mương hở nằm ngoài tường rào cổng ngõ, song người dân không cho nhà thầu thi công mương kín thuộc phạm vi của dự án.
Ông Đỗ Văn Thanh - Chỉ huy trưởng Công ty CP Tập đoàn 168 Việt Nam cho biết, doanh nghiệp thi công đoạn qua các xã Bình Lãnh (Thăng Bình); xã Bình Lâm và Quế Thọ (Hiệp Đức). Tiến độ bị ảnh hưởng nhất là giải phóng mặt bằng đoạn từ cuối xã Bình Lãnh đi tránh khu dân cư Việt An, xã Bình Lâm.
Điển hình là trường hợp vướng đất hộ ông Hùng Dũng (xã Bình Lãnh). Thửa đất đang trồng cây này nằm chồng lấn ranh giới giữa xã Bình Lãnh với xã Quế Minh, huyện Quế Sơn. Hiện vị trí đất thuộc địa phận xã Bình Lãnh, song “bìa đỏ” trước đây lại do huyện Quế Sơn cấp.
Ông Nguyễn Đức Thắng - Ban Quản lý dự án 4 (đơn vị được Cục Đường bộ Việt Nam giao làm đại diện chủ đầu tư) cho biết, phạm vi cầu vượt đường sắt (xã Bình Quý, Thăng Bình) có 52 thửa đất bị ảnh hưởng, các hộ dân đã thống nhất ký biên bản kiểm kê. Nhưng có 6 hộ đang tranh chấp đất đai kiện ra tòa và chưa có kết quả xử lý; 2 hộ không phối hợp cung cấp hồ sơ; 4 hộ chưa có thông báo thu hồi đất do chưa tìm được chủ, chưa đối chứng được bìa gốc. Ngoài ra, nhiều vị trí nhà thầu đã nhận bàn giao mặt bằng song không thể thi công khớp nối. Nguyên do là ngành điện lực chưa di dời trụ điện, mặc dù kinh phí thực hiện đã nhận.
Tập trung tháo gỡ để dự án được triển khai đúng tiến độ
Đánh giá việc giải phóng mặt bằng "có tính quyết định" để dự án đúng tiến độ, ông Phan Ánh - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển quỹ đất và công nghiệp - dịch vụ huyện Thăng Bình cho biết, đơn vị đã từng bước thực hiện việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Huyện Thăng Bình đã giải ngân 42/42 tỷ đồng. UBND huyện đã phê duyệt 25 quyết định bồi thường, hỗ trợ với tổng số tiền 44,35 tỷ đồng. Đối với Hiệp Đức, địa phương giải ngân vốn 60/60 tỷ đồng. Tuy nhiên, UBND huyện đã phê duyệt 28 quyết định bồi thường, hỗ trợ với tổng số tiền 63,35 tỷ đồng.
Áp lực giải phóng mặt bằng cần được giải quyết chính là nút giao thông đoạn đường sắt đi qua xã Bình Quý, huyện Thăng Bình.
Quốc lộ 14E là một trong những trục kết nối Đông - Tây quan trọng phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa, nông lâm sản từ các tỉnh Tây Nguyên, vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan đến các tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ và phía bắc nước ta. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.
Dự án góp phần rút ngắn thời gian đi lại; từng bước góp phần hoàn thiện quốc lộ 14E theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ap-luc-giai-phong-mat-bang-mo-rong-quoc-lo-14e.html