Áp lực giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo
Hy vọng, các công trình đường dây điện đang thi công theo kiểu cuốn chiếu sẽ nhanh hoàn tất để việc giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra sớm nhất có thể. Đó là điều không chỉ chủ đầu tư các dự án hân hoan vì giảm lỗ mà người dân những vùng hay thiếu điện cũng vui.
Áp lực giải tỏa công suất các dự
8 công trình chia tải, giảm tải
Nếu thời điểm này của năm 2019, các chủ dự án điện mặt trời nỗ lực đóng điện kịp trước mốc 30/6 để được hưởng giá điện cao trong vòng 20 năm thì bây giờ, chính quyền các cấp ở tỉnh, Tổng Công ty Điện lực miền Nam, chủ đầu tư của 8 công trình đường dây điện nằm trên địa bàn tỉnh đang tập trung giải quyết vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng. Điều đáng nói, việc đền bù vốn dĩ đã không nhanh nhưng lại thực hiện trong điều kiện, hoàn cảnh “đặc biệt” nên tình hình càng khẩn cấp hơn, bị áp lực nhiều hơn. Đó là trong tình huống phải bỏ phí điện sạch, vì đường dây truyền tải tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh bị quá tải, trong khi một số nơi lại bị thiếu điện sử dụng; rồi các chủ dự án điện mặt trời, điện gió bị lỗ gần 1 năm nay. Thêm nữa, vấn đề không chỉ ở Bình Thuận mà còn liên quan đến Ninh Thuận, tỉnh cũng tập trung những dự án điện mặt trời và theo hướng điện cung cấp cho khu vực phía Nam nên những công trình đường dây điện trên đều cùng chung mục đích giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo cho cả 2 tỉnh. Mặt khác, cũng mang tính chất “tắc khúc nào, khơi mở khúc ấy” nên các công trình đường dây trên mang tính chia tải, giảm tải cho hệ thống truyền tải điện chung của khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận thông suốt, an toàn trong thời gian tới, khi tất cả đều đi vào vận hành.
Đến thời điểm này, ngoài một hai công trình mới khởi động, các công trình còn lại đều đang thực hiện theo hướng cuốn chiếu, tức đền bù đến đâu, thi công đến đó và hầu như đều bị vướng, không ít thì nhiều. Điển hình như công trình Lộ ra 110 kV trạm 220 kV Phan Rí 2, đường dây được xem là quyết định cho phần lớn các dự án điện mặt trời ở Tuy Phong sẽ giải tỏa được công suất nên được chính quyền huyện này dốc sức đền bù, giải phóng mặt bằng.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất Tuy Phong, đến thời điểm này, huyện đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công để xây dựng 17 móng trụ/18 móng trụ. 1 móng trụ còn lại nằm trên đất của 1 hộ dân vẫn chưa thể thi công, vì hộ dân này kiên quyết không giao mặt bằng, dù trung tâm đã vận dụng hết tất cả các cách nhưng vẫn chưa có sự đồng thuận. Chính quyền đang tính đến phương án cưỡng chế, tổ chức lực lượng bảo vệ để nhà thầu thi công, hoàn thành đóng điện công trình bảo đảm tiến độ công trình. Trong cuộc họp mới đây, UBND tỉnh có chỉ đạo Tuy Phong phải hoàn thành bàn giao hành lang tuyến trước ngày 5/7/2020.
Tháo gỡ vướng mắc
Cuộc họp giải quyết những vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng trên được tổ chức giữa tháng 6 này do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Hải chủ trì với sự góp mặt của đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Nam và các sở, ban ngành, chính quyền huyện, thị có liên quan. Theo đó, đối với những công trình đã thi công gần xong nhưng chỉ còn vướng vài hộ thì sau khi áp dụng hết tất cả các chế độ chính sách, hỗ trợ mà các hộ dân này không đồng ý thì xem xét phương án hỗ trợ, bảo vệ thi công để đảm bảo tiến độ các công trình. Ví dụ như công trình kéo dây mạch 2 đường dây 110 kV Phan Thiết 2 - Mũi Né; công trình đường dây 110 kV Lương Sơn - Hòa Thắng - Mũi Né và mạch 2 công trình; công trình phân pha dây dẫn đường dây 110 kV 174 Phan Thiết – 172 Phan Rí và công trình Lộ ra 110 kV trạm 220 kV Phan Rí 2. Với những công trình đường dây điện có vướng đến đất lâm nghiệp thì các chủ đầu tư chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ban quản lý rừng có liên quan để khẩn trương thực hiện đầy đủ các trình tự thủ tục theo quy định. Quá trình thực hiện, nếu phát sinh các vấn đề vượt thẩm quyền thì đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định. Cụ thể như công trình đường dây 110 kV Lương Sơn – Hòa Thắng – Mũi Né và mạch 2 công trình; công trình đường dây mạch 2 Ninh Phước – Tuy Phong – Phan Rí.
Riêng công trình Trạm biến áp 220 kV Vĩnh Hảo và đấu nối, đề nghị EVN chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan để đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết việc bổ sung công trình vào danh mục thu hồi đất đề trình HĐND tỉnh trong kỳ họp tới. Còn công trình đường dây 110 kV Tân Thành – Trạm 220 kV Hàm Tân thì UBND huyện Hàm Thuận Nam và UBND thị xã La Gi khẩn trương rà soát, hoàn tất các trình tự thủ tục liên quan đến đất đai và công tác bồi thường thiệt hại như: Trình phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất; phê duyệt phương án bồi thường; công tác kiểm kê. Đồng thời vận động các hộ dân nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng để triển khai thi công công trình.
Hy vọng, với các công trình đường dây điện đang thi công theo kiểu cuốn chiếu sẽ nhanh hoàn tất để việc giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra sớm nhất có thể. Đó là điều không chỉ chủ đầu tư các dự án hân hoan vì giảm lỗ mà người dân những vùng hay thiếu điện cũng vui.
Bích Nghị