Nhiều băn khoăn về giá đền bù Vành đai 2 TP.HCM
Theo UBND TP.Thủ Đức, mức giá đền bù dự án Vành đai 2 đưa ra cao hơn nhiều so với bảng giá đất mà TP.HCM công bố. Tuy nhiên, thực tế nhiều ý kiến người dân trong vùng dự án băn khoăn về mức giá giá đền bù cũng như bảng giá đất tái định cư và nhiều vấn đề khác.
Ngày 28/10, TP.Thủ Đức công bố dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án xây dựng Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (đoạn 1) và từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng (đoạn 2).
Theo UBND TP.Thủ Đức, mức giá đền bù đưa ra cao hơn nhiều so với bảng giá đất mà TP.HCM công bố. Tuy nhiên, thực tế nhiều ý kiến người dân trong vùng dự án băn khoăn về mức giá giá đền bù cũng như bảng giá đất tái định cư và nhiều vấn đề khác.
Cả xóm không ngủ vì ... dự thảo giá đền bù
Thấy bóng dáng của phóng viên, nhiều người dân trên đường số 4, phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức liền tập trung để được nói lên tiếng lòng.
Đa số người dân tại đây có đất bị thu hồi làm dự án Vành đai 2, đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp tới đường Phạm Văn Đồng là đất nông nghiệp. Người dân cư trú lâu đời khu vực này đều phải lãnh hậu quả của dự án "treo". Suốt thời gian dự án Vành đai 2 im lìm cũng là chừng ấy thời gian người dân phải sống khổ sở trong những khu nhà ở sập xệ, hư hỏng.
Tất cả đều ủng hộ chủ trương xây dựng đường Vành đai 2 nhưng đều băn khoăn về mức giá đền bù. Đa số ý kiến cho rằng, mức giá đền bù theo dự thảo là quá thấp.
Như trường hợp của chị Cái Thị Ngàn, với diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi là 100m2 và mức giá đền bù khoảng 8 triệu đồng/m2 thì gia đình “hoàn toàn không đồng ý” bởi không biết làm gì với số tiền này.
Theo chị Ngàn, dự án đã kéo dài 20 năm. Thời gian qua, gia đình đã làm đơn xin lên đất thổ cư nhưng không được. Càng bức xúc hơn khi giá bồi thường cho đất thổ cư liền kề là khoảng 44 triệu đồng/m2.
Chị Ngàn cho rằng, việc đất của gia đình vẫn chưa là đất thổ cư là do bị vướng, không cho chuyển đổi chứ khu vực phường Trường Thọ “làm gì có đất nông nghiệp”.
“Chúng tôi không hề phản đối, rất ủng hộ, rất đồng thuận nhưng với số tiền bồi thường cho đất nông nghiệp cho gia đình tôi, thì gia đình tôi lâm vào cảnh bần hàn. Vì vậy, bây giờ là gia đình tôi chỉ có khẩn thiết hoặc là đền cho chúng tôi giá thỏa đáng hoặc là cấp lại cho chúng tôi một lô đất nông nghiệp khác có cùng diện tích ở cùng phường Trường Thọ hoặc ở phường liền kề hoặc là thậm chí ở bất kỳ phường nào khác ở TP.Thủ Đức này”, chị Ngàn nêu ý kiến.
Nhiều người dân ở khu vực trên cũng ở cảnh tương tự và rất bức xúc khi mức giá bồi thường quá thấp. Có trường hợp còn bức xúc vì sau khi đo đạc, gia đình bị hụt mất cả trăm m2.
Mức bồi thường cây nông nghiệp hay thủy sản cũng quá thấp, còn không đủ cho chi phí chăm sóc hay mé tỉa cành…
Còn với nhiều hộ dân tại khu vực đường 147, đường số 8 (phường Tăng Nhơn Phú B) lại có bức xúc khác khi bỗng nhiên bị áp giá bồi thường thấp hơn hẳn giá trị thật.
Theo chị Văn Thị Hồng Thu, địa chỉ 9/24A đường 8, tất cả sổ sách giấy tờ thì nhà chị ở đường Liên Phường. Đưa ra nhiều văn bản trong các cuộc họp của chính quyền đều ghi đây là đường Liên Phường. Tuy nhiên, khi TP.Thủ Đức áp dụng giá đất đền bù lại không có đường Liên Phường nên TP này áp dụng bảng giá đất vị trí 3 của một con đường khác.
Chị Thu bức xúc đây là khu vực sầm uất, gần chợ, trường học. Giá thực tế giao dịch xung quanh là 70 – 75 triệu đồng/m2.
Theo chị Văn Thị Hồng Thu, 13 hộ dân ở khu vực chỉ được áp giá đền bù dự kiến là khoảng 39 triệu đồng/m2. Do bức xúc nên người dân đã làm đơn gửi cơ quan chức năng.
“Lúc nhận được tờ giấy phương án đền bù nguyên cả xóm mấy đêm không ngủ, nhiều người già thì người ta nói thật sự là muốn lên máu não. Thì mong được nhà nước hỗ trợ. Chúng tôi không tranh luận với nhà nước về giá, chỉ mong giờ thu hồi của chúng tôi 100m2 đã thì trả lại cho chúng tôi 100m2 đất ở nơi chúng tôi đang sống với cái nhà tương đương, với vị trí tương đương. Không thể nào để chúng tôi đi một vị trí xa thành phố quá mà giá bồi thường lại thấp. Nhưng mà bây giờ giá đất tái định cư rất cao", chị Văn Thị Hồng Thu nói.
Lắng nghe để điều chỉnh
Theo UBND TP.Thủ Đức, dự án đầu tư xây dựng Vành đai 2 (đoạn 1, đoạn 2) có khoảng 1.166 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng, diện tích thu hồi khoảng 61,15ha, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 7.600 tỷ đồng.
Quá trình triển khai thực hiện Dự án, cả hệ thống chính trị TP.Thủ Đức đã chủ động, tích cực triển khai từ sớm với các giải pháp khoa học, đồng bộ, toàn diện; huy động nhiều lực lượng tham gia.
Các đơn vị tư vấn độc lập đã đề xuất hơn 122 vị trí giá đất trong dự án, được các phòng, ban chuyên môn của Thủ Đức, Hội đồng Bồi thường của dự án xem xét đánh giá; TP.Thủ Đức cũng tổ chức nhiều Hội thảo để lắng nghe đóng góp từ các chuyên gia có kinh nghiệm am hiểu lĩnh vực này.
Trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn đã hoàn thiện dự thảo giá đất và Hội đồng bồi thường dự án đưa vào Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để lấy ý kiến đóng góp của người có đất thu hồi trong dự án.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức Mai Hữu Quyết, giá đất trên chưa bao gồm vật kiến trúc, công trình xây dựng và cơ bản phù hợp với giá thị trường. Ngoài ra giá tái định cư bằng nền đất lấy bằng giá tại bảng giá đất theo Quyết định 79/2024/QĐ-UBND nên rất có lợi cho người dân.
“Đối với giá đất, chúng tôi đã thuê đơn vị tư vấn và xác định giá tiệm cận với giá thị trường và giá đất chúng tôi đang đưa ra thì cao hơn rất là nhiều so với bảng giá đất TP.HCM ban hành. Nhiều vị trí thì cao hơn từ 30% và có vị trí cao hơn 97%, bình quân là khoảng cao hơn 50% theo đúng tinh thần mà bảng giá đất TP.HCM công bố. Và đặc biệt là người dân rất có lợi khi mà người dân tái định cư thì được mua suất tái định cư theo đúng bảng giá đất mà TP.HCM công bố. Đây là một điều rất có lợi của Luật đất đai năm 2024 và đây là dự án đầu tiên triển khai theo Luật đất đai năm 2024", ông Mai Hữu Quyết cho biết.
Lãnh đạo TP.Thủ Đức cũng khẳng định, TP.Thủ Đức đặt lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng lên trên hết. Đơn giá đưa ra được đánh giá là “tiệm cận với giá thị trường”; tiệm cận đa số mong muốn của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
TP.Thủ Đức sẽ ghi nhận thêm nguyện vọng của người dân trong dự án, dựa trên nhu cầu người dân để thực hiện bố trí phù hợp nhu cầu sinh sống, làm việc; hỗ trợ người dân trong làm thủ tục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy trình hoàn công…
Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức Hoàng Tùng đề nghị các phường lắng nghe ý kiến góp ý của người dân; mong muốn của người dân, doanh nghiệp, theo dõi các phương án để phản hồi, đóng góp. Đặc biệt là tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân bởi dù hết sức cố gắng nhưng chắc chắn vẫn sẽ có những sai sót, những vấn đề cần cập nhật bổ sung.
“Không thể nào có một phương án hoàn hảo và đáp ứng được tất cả các yêu cầu nhưng qua công tác đối thoại thì chúng ta sẽ tìm ra được rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Và chúng tôi biết rằng có những nội dung cần phải trình Hội đồng bồi thường của TP.HCM, Ban chỉ đạo bồi thường của TP.HCM thì chúng ta sàng lọc ra từng nội dung và trong thẩm quyền của chúng tôi sẽ giải quyết trước và đối với nội dung nào cần Thành phố quyết định thì sẽ tổng hợp và kiến nghị đề xuất”, ông Hoàng Tùng thông tin.
Theo kế hoạch, việc niêm yết dự thảo Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án tại trụ sở UBND các phường: Tăng Nhơn Phú B, Phước Long A, Phước Long B, Trường Thọ, Bình Thọ, Linh Đông và trụ sở các Ban điều hành khu phố nơi có Dự án sẽ kết thúc vào vào ngày 27/11.
Từ nay đến thời điểm đó, TP.Thủ Đức sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến người dân, doanh nghiệp để có phương án tiếp theo. Rõ ràng, khi mà khoảng cách giữa mức giá TP.Thủ Đức đưa ra đang có sự chênh lệch khá lớn với mong muốn của người dân thì sắp tới, còn nhiều việc phải làm.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nhieu-ban-khoan-ve-gia-den-bu-vanh-dai-2-tphcm-post1136321.vov