Áp lực khi đồng đô la Mỹ suy yếu
Các chính sách kinh tế, thương mại của Tổng thống Donald Trump đang khiến đồng đô la Mỹ suy yếu, tạo ra những tác động lớn đến kinh tế toàn cầu.

Đồng đô la Mỹ chịu nhiều áp lực
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức quay trở lại Nhà Trắng hồi tháng 1, hàng loạt chính sách đã được ban hành. Và dù vô tình hay hữu ý, nhiều chính sách trong số này đang gây sức ép lớn lên đồng đô la Mỹ.
Hồi đầu tháng này, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố một chế độ thuế quan đối ứng quyết liệt. Cả mức thuế và phương pháp áp dụng khiến ngay cả nhiều người ủng hộ ông Trump kiên định nhất cũng phải bất ngờ. Những lo ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý giới đầu tư, thúc đẩy làn sóng bán tháo các tài sản Mỹ, từ cổ phiếu, trái phiếu cho tới đồng đô la - vốn được coi là công cụ trú ẩn an toàn hàng đầu trong những giai đoạn thị trường biến động.
Sự lo ngại càng lớn hơn nữa, sau khi Tổng thống Trump lên tiếng công kích Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vì không sớm cắt giảm lãi suất, và đang cân nhắc các biện pháp sa thải quan chức này.
Hệ quả là đồng đô la Mỹ tiếp tục lao dốc vào đầu tuần này, với chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1-2024. Theo dữ liệu từ MarketWatch, tính từ đầu năm đến nay, chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, đã giảm khoảng 9,5%.
Bên cạnh quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh và các chính sách kinh tế gây tranh cãi, sự mập mờ về vai trò thống trị của đồng đô la Mỹ từ Chính phủ Mỹ cũng đang gây sức ép lớn lên đồng bạc xanh.
Với tư cách là đồng tiền dự trữ quốc tế, đồng đô la mang lại cho kinh tế Mỹ nhiều lợi ích, từ việc có thể vay mượn với lãi suất thấp hơn, cho tới quyền lực phá hoại hệ thống tài chính của nước khác thông qua các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, nhiều người trong chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng chi phí của vị thế đồng tiền dự trữ vượt quá lợi ích mà nó mang lại, vì nó khiến đồng đô la quá mạnh và gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu Mỹ. Bản thân Tổng thống Donald Trump cũng từng lập luận rằng đồng đô la mạnh đã khiến các nhà sản xuất Mỹ mất sức cạnh tranh và làm trầm trọng thêm thâm hụt thương mại mà ông muốn xóa bỏ bằng các mức thuế.
Những tín hiệu này càng góp phần khiến đồng đô la suy yếu hơn nữa so với các công cụ “trú ẩn an toàn” khác vốn thường mạnh lên khi thị trường biến động, như franc Thụy Sỹ, yen Nhật và cả vàng. Việc đồng bạc xanh dường như bị loại khỏi nhóm tài sản ưu tú này rõ ràng là một diễn biến gây sốc với nhiều nhà phân tích và nhà đầu tư.
Những tác động đến kinh tế toàn cầu
Sự suy yếu của đô la Mỹ đang có tác động lớn đến toàn thế giới. Đối với các công ty bán hàng nhập khẩu tại Mỹ, đây là một đòn giáng khác làm tăng giá hàng hóa với người tiêu dùng Mỹ và làm trầm trọng thêm những khoản lỗ do các mức thuế quan của Tổng thống Donald Trump gây ra.
Đồng đô la yếu cũng khiến lợi nhuận mà các công ty nước ngoài kiếm được từ các chi nhánh tại Mỹ trở nên ít giá trị hơn khi chuyển đổi về đồng euro hoặc yen. Toyota của Nhật Bản dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng về lợi nhuận khi đồng yen tăng giá lên 143 yen đổi 1 đô la từ mức 157 hồi đầu năm. Trong nhiều năm, đồng yen yếu đã giúp tăng lợi nhuận cho Toyota và các nhà xuất khẩu lớn khác của Nhật Bản.
Tại châu Âu, biến động tiền tệ có khả năng làm giảm kết quả kinh doanh của các nhà sản xuất hàng xa xỉ như Prada và LVMH, cũng như các nhà bán đồ uống như Campari và Pernod Ricard.
Ngân hàng Deutsche Bank đã cắt giảm dự báo lợi nhuận cho các công ty trong chỉ số Stoxx Europe 600 từ mức 6% xuống còn 4%, với lý do nhu cầu suy yếu và đồng euro mạnh lên. Ngân hàng này cảnh báo có thể cắt thêm 1 điểm phần trăm nữa trong dự báo tăng trưởng nếu đồng euro duy trì ở mức hiện tại.
Trong khi đó, các nhà đầu tư đã phản ứng với chính sách thương mại thay đổi liên tục của ông Trump bằng cách bán tháo tài sản bằng đô la Mỹ rồi chuyển đổi sang đồng tiền ở quê nhà, khiến giá trị các đồng tiền này tăng lên. Điều này được dự báo sẽ đè nặng lên tăng trưởng vốn đã yếu ở châu Âu, Anh và Nhật Bản. Bên cạnh đó, sự đảo chiều tiền tệ cũng sẽ làm giảm số lượng và mức chi tiêu của du khách Mỹ - những người đã tận dụng đồng đô la mạnh trong những năm gần đây để đi du lịch Tây Ban Nha, Nhật Bản, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương.
Ông Shaan Raithatha, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Vanguard ở London, đã cắt giảm dự báo tăng trưởng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm nay và năm sau. Ông dự báo năm 2025 kinh tế Eurozone chỉ tăng trưởng 0,8% so với dự báo trước đó là 1%, và năm sau là 1% so với dự báo 1,6%.
Đối với các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, việc đồng tiền của họ tăng giá nhanh chóng tạo áp lực phải cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 17-4 đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) chưa có lịch họp trong giai đoạn từ nay cho đến tháng 6, nhưng một số nhà đầu tư tin rằng họ có thể phải cắt giảm lãi suất khẩn cấp để hạ giá đồng nội tệ. Đồng Franc Thụy Sỹ đã tăng hơn 10% so với đô la Mỹ trong năm nay, làm dấy lên lo ngại nước này có thể rơi vào giảm phát, đồng thời khiến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như đồng hồ và thiết bị cơ khí chính xác cao trở nên đắt đỏ hơn.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất vào tháng 3, và các nhà đầu tư đã giảm kỳ vọng về các đợt tăng lãi suất tiếp theo. Thống đốc BOJ, ông Kazuo Ueda, mới đây cho biết các mức thuế quan đang dẫn đến “kịch bản xấu” có thể buộc ngân hàng trung ương này phải hành động.
Trung Quốc đã để đồng tiền của mình trượt về gần mức yếu nhất so với đô la Mỹ trong nhiều năm. Một số nhà đầu tư Phố Wall lo ngại Bắc Kinh sẽ tiếp tục để đồng nhân dân tệ giảm sâu hơn nữa để bù đắp tác động của cuộc chiến thương mại, một động thái có thể lan rộng ra các thị trường tài chính toàn cầu.
Triển vọng bất định của đồng đô la Mỹ
Hiện nay, hai câu hỏi đang được đặt ra tại các trung tâm tài chính toàn cầu sau “cú sốc Trump”. Thứ nhất, đồng đô la sẽ còn giảm giá đến đâu? Theo chuyên gia kinh tế trưởng Torsten Sløk của Apollo, các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 19.000 tỉ đô la cổ phiếu Mỹ, 7.000 tỉ đô la trái phiếu chính phủ Mỹ và 5.000 tỉ đô la trái phiếu doanh nghiệp Mỹ. Nếu một phần trong số các nhà đầu tư này bắt đầu cắt giảm vị thế, giá trị đồng đô la sẽ chịu áp lực kéo dài.
Thứ hai, nếu dòng vốn rút ra tăng tốc, điều đó có thể làm xói mòn vai trò độc tôn của đồng đô la trong kinh tế và tài chính toàn cầu? Cho đến nay, dù giá trị đồng đô la luôn biến động và các nhà phê bình không ngừng đưa ra những đánh giá tiêu cực, vị thế thống trị của đồng bạc xanh vẫn chưa suy suyển, bởi tầm ảnh hưởng quá lớn trong nền kinh tế toàn cầu, và hiện chưa một đồng tiền nào có đủ khả năng thay thế.
Dù vậy, ngay cả khi vai trò thống trị của đồng đô la có thể được duy trì, nó vẫn có thể mất giá. Dù đã liên tục giảm kể từ đầu năm, chỉ số DXY vẫn cao hơn 12% so với mức đáy năm 2020, và cao hơn gần 40% so với mức đáy đầu năm 2008. Nhiều nhà phân tích hiện đang dự đoán đồng đô la sẽ còn giảm tiếp.
Chẳng hạn, Goldman Sachs từ chỗ lạc quan về đồng đô la nay dự báo đồng tiền Mỹ sẽ giảm xuống 1,20 đô la/euro và 135 yen/đô la trong 12 tháng tới, tương đương với mức giảm thêm 6% so với hiện tại. “Các xu hướng tiêu cực trong quản trị và thể chế tại Mỹ đang làm xói mòn đặc quyền mà các tài sản Mỹ lâu nay được hưởng. Điều này đang đè nặng lên lợi suất trái phiếu và đồng đô la. Và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn, nếu không có sự thay đổi”, các nhà phân tích ngoại hối của Goldman cảnh báo.
Triển vọng dài hạn hiện vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Ông Bill Dudley, cựu Chủ tịch Fed New York, cho rằng đồng tiền Mỹ có thể mạnh lên, bởi trong khi thuế quan sẽ làm suy yếu kinh tế Mỹ và đẩy lạm phát gia tăng, tác động lên tăng trưởng kinh tế ở các nơi khác có thể còn rõ rệt hơn. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng trung ương khác có thể sẽ cắt giảm lãi suất mạnh hơn Fed, khiến đồng tiền của họ yếu đi so với đô la.
Tuy nhiên, một số người khác lại bi quan hơn. Ông Stephen Jen, chiến lược gia ngoại hối và là lãnh đạo Eurizon SLJ Capital, ước tính đồng đô la hiện cao hơn khoảng 19% so với các đồng tiền chủ chốt khác, và đồng bạc xanh có thể suy yếu hơn nữa nếu kinh tế Mỹ suy giảm mạnh đến mức buộc Fed phải cắt giảm lãi suất quyết liệt. Khi đó, các yếu tố chu kỳ, cấu trúc và chính trị sẽ cùng hợp lực làm đồng bạc xanh giảm đáng kể.
Nguồn: Bloomberg, Strait Times, Financial Post, WSJ, New York Times, Investopedia
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ap-luc-khi-dong-do-la-my-suy-yeu/