Áp lực kỳ thi năm 2025
Thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, từ ngày 14-2 siết chặt việc dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học. Cùng với đó, đây là năm học đầu tiên thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các lớp cuối cấp nên cả thầy và trò tại những cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang gặp nhiều áp lực cho các kỳ thi quan trọng sắp tới.
Nâng cao ý thức tự học
Trường THPT Phước Bình, thị xã Phước Long có 1.700 học sinh theo học. Đây là ngôi trường luôn trong top đầu toàn tỉnh về chất lượng các kỳ thi học sinh giỏi cũng như tốt nghiệp THPT. Đó là câu chuyện của những năm trước, còn năm học này siết chặt việc dạy thêm, học thêm, cùng với việc thi Olympic truyền thống 30-4 và tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới khiến thầy trò nhà trường lo lắng, áp lực.
Em Trần Ngọc Bảo Nhi, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Phước Bình cho biết: Kiến thức Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nặng, cùng với đó từ ngày 14-2 không còn được học thêm nhiều tại trường nên việc chuẩn bị tốt kiến thức để dự thi Olympic truyền thống 30-4 năm nay gặp nhiều khó khăn, áp lực. Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, ngoài tranh thủ những tiết dạy thêm miễn phí của thầy cô, chúng em rủ nhau đến trường để học nhóm, đồng thời nâng cao ý thức kỷ luật về sự tự học của bản thân tại nhà.

Trường THPT Phước Bình là một trong 3 trường của tỉnh sẽ dự thi Olympic truyền thống 30-4 năm 2025
Hàng chục năm giảng dạy môn Ngữ văn, cô Trần Thị Hoài Phương, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Phước Bình cho hay, kỳ thi năm nay là một thử thách đối với giáo viên và học sinh trong cả nước. Bởi đây là lần đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó từ khi Thông tư số 29 ban hành, các em không còn học thêm nhiều tại trường như trước. Tuy nhiên, tận dụng 2 tiết ôn tập miễn phí trong tuần, tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch ôn luyện, rèn kỹ năng làm bài cho các em. Đặc biệt, giáo viên khắc phục việc dạy thêm, học thêm ở trường bằng việc hướng dẫn cách tự học ở nhà và gửi thêm đề thi, tài liệu cho các em.
Thầy Đỗ Minh Quang, giáo viên môn Toán, Trường THPT Phước Bình cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phát triển được nhiều phẩm chất, năng lực tư duy của học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình học, học sinh không được làm quen những bài toán từ thực tiễn nên giáo viên phải tìm các nguồn chính thống để ứng dụng sát vào thực tế cho các em. Theo thầy Quang, hiện Bộ GD&ĐT đã có đề thi minh họa, tuy nhiên đề thi chính thức dự kiến sẽ khó hơn, nhất là có sự phân hóa cao hơn đối với những học sinh khá, giỏi để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Trăn trở dạy thêm, học thêm
Hiện nay, các trường học trên địa bàn tỉnh vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể của Sở GD&ĐT, UBND tỉnh về kinh phí dạy thêm, học thêm đối với 3 nhóm đối tượng là học sinh có kết quả môn học cuối kỳ liền kề ở mức chưa đạt, học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng cho các kỳ thi tới, các trường vận động giáo viên dạy học miễn phí đối với các môn thi.
Thầy Vũ Hồng Thân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phước Bình chia sẻ: Trước khi Thông tư 29 có hiệu lực, trường đã xây dựng kế hoạch dạy thêm, học thêm phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện đảm bảo theo quy định. Vấn đề bất cập hiện nay là do kinh phí cấp trên chưa quy định rõ ràng nên trường đang dạy miễn phí cho học sinh với mỗi môn 2 tiết/tuần. Và phần lớn giáo viên cũng tâm huyết vì học trò của mình, tuy nhiên, do phải lo “cơm áo gạo tiền” nên ít nhiều gây khó khăn cho cuộc sống của giáo viên. Mặt khác, hiện việc ôn tập tại trường mỗi tuần 2 tiết/môn là quá ít, vì ôn thi tốt nghiệp THPT với lượng kiến thức rất nhiều, nhất là môn Ngữ văn và các tổ hợp môn. Vì vậy, cùng với dạy thêm miễn phí, trường đẩy mạnh nâng cao ý thức tự học, tự nghiên cứu cho học sinh ở nhà. Bên cạnh đó, trường cũng thường xuyên mở cửa để tạo điều kiện tốt nhất cho các em đến trường học theo nhóm.


Học sinh lớp 12 Trường THPT Phước Bình tích cực ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp năm 2025
Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 29 đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo phụ huynh, quản lý các trường học. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn một số bất cập cần được điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 29, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải thực hiện các yêu cầu như: Đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật; công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về: Các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm…
Đối chiếu theo quy định này thì bất kỳ ai cũng có thể đăng ký kinh doanh dạy thêm mà không cần có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hay quản lý giáo dục. Đây là lỗ hổng khiến việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường diễn ra phổ biến và biến tướng với nhiều hình thức khác nhau.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (TP. Ðồng Xoài) tham dự buổi tư vấn tuyển sinh cao đẳng, đại học năm học 2024-2025
“Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của xã hội nhưng muốn đi vào quy củ thì không phải ai cũng đứng ra làm giấy phép kinh doanh được, mà phải là những người có bằng cấp hoặc từng làm việc trong ngành đã nghỉ hưu. Đây là người có nghiệp vụ sư phạm, kinh nghiệm quản lý giáo dục, từ đó mới có cơ sở để quản lý dạy thêm, học thêm tốt hơn, chặt chẽ hơn” - thầy Vũ Hồng Thân chia sẻ.
Theo ban giám hiệu các trường học, việc dạy thêm, học thêm được tổ chức trong nhà trường sẽ tốt hơn rất nhiều so với bên ngoài nếu có sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương, Sở GD&ĐT và các ngành liên quan. Bởi trong trường có đầy đủ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo theo quy định cũng như quản lý chặt chẽ hơn. Đặc biệt, kinh phí dạy thêm, học thêm sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều, khoảng 1 triệu đồng/ học kỳ, trong khi bên ngoài bình quân từ 400-600 ngàn đồng/môn/tháng. Đặc biệt, đối với học sinh hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhà trường miễn giảm. Tất nhiên, việc dạy thêm trong trường cũng phải thực hiện đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
Thực hiện tinh gọn bộ máy, sáp nhập một số tỉnh, thành theo tinh thần của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nên sở GD&ÐT một số tỉnh, thành kiến nghị việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra sớm hơn 3 tuần so với kế hoạch ban đầu. Sau khi cân nhắc kỹ nhiều yếu tố, Bộ GD&ÐT quyết định giữ nguyên lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2025 như đã công bố trong kế hoạch năm học 2024-2025, nhằm góp phần ổn định tâm lý học sinh, phụ huynh và không làm ảnh hưởng đến các hoạt động khác của ngành.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/170963/ap-luc-ky-thi-nam-2025