Áp lực lạm phát

Kinh tế nước ta có bước phục hồi và phát triển khá tốt khi tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 5,8%, đưa Việt Nam vào top đầu trong khu vực và thế giới. Song, bên cạnh những yếu tố tích cực, áp lực lạm phát đang khiến nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri bày tỏ lo ngại và đề nghị cần kiểm soát ngay để đảm bảo ổn định tăng trưởng vĩ mô.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước. Ảnh minh họa

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước. Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước. CPI bình quân quí 2 năm nay tăng 4,39% so với quí 2/2023 và CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm ngoái, gần mức mục tiêu 4 - 4,5% theo Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội.

Trước những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội và cử tri về áp lực lạm phát thời gian qua, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam có nền kinh tế mở nên chúng ta nhập khẩu khá nhiều vật tư, nguyên liệu, điều này phụ thuộc vào thị trường thế giới; đồng thời, chúng ta đang thực hiện các gói kích cầu và thực hiện tăng lương... Điều này là nguyên nhân dẫn đến biến động và ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát được chỉ số lạm phát như Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, với sự điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và phòng, chống lạm phát; điều chỉnh, kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thì hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cả.

Thực tế, trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã quyết liệt, kịp thời chỉ đạo và kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn.

Chính phủ đã chỉ đạo, ban hành kịp thời cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp như giảm mặt bằng lãi suất cho vay; ổn định thị trường ngoại hối; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay ngân hàng; giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân...

Những giải pháp trên được người dân, cộng đồng doanh nghiệp, dư luận đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Cùng đó, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp điều hành, quản lý giá cả hiệu quả, kịp thời; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường; chủ động thực hiện các giải pháp cung cầu hàng hóa đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu... góp phần ổn định mặt bằng giá cả, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Dự báo, áp lực từ chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, chi phí vận tải đường biển có xu hướng tăng trong thời gian tới, cùng với việc thực hiện cải cách chế độ tiền lương sẽ tạo áp lực lên giá cả, các chuyên gia lưu ý, các cấp, các ngành cần chủ động đánh giá, nắm bắt tình hình để kịp thời có kế hoạch ứng phó, giải pháp phù hợp, hiệu quả, sát thực tiễn.

Để kiềm chế lạm phát, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các đơn vị theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình thế giới, khu vực, chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, không để lúng túng, bị động trong mọi tình huống...

Các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các giải pháp ổn định giá cả thị trường; lưu thông hàng hóa, cung ứng dồi dào hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng; tăng cường công khai, minh bạch, giám sát kê khai giá, niêm yết giá theo quy định; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá các mặt hàng, dịch vụ bất hợp lý... Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ap-luc-lam-phat-post477729.html