Áp lực lạm phát gia tăng, cần kiểm soát sớm
Để giữ vững thành quả ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, kiểm soát lạm phát là điều cần làm ngay và phải được quan tâm hơn nữa.
Áp lực từ bên trong
Tiếp tục Kỳ họp thứ bảy, tuần này, Quốc hội khóa XV sẽ dành một ngày để thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Trước đó, thảo luận tại tổ về nội dung trên, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến cảnh báo về áp lực lạm phát, một khó khăn của nền kinh tế chưa được đánh giá sâu sắc trong báo cáo của Chính phủ. Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng. Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ đã tăng liên tục kể từ đầu năm và lên mức 4,42% vào tháng 4/2024, kéo lạm phát bình quân 4 tháng đầu năm lên mức 3,93%, gần mức mục tiêu 4 - 4,5% theo Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nhận định, áp lực lạm phát năm 2024 không nhẹ.
Giai đoạn trước, áp lực lạm phát từ bên ngoài vào, nhưng năm 2024, áp lực lạm phát lại từ bên trong. Nhấn mạnh điều này, ông Cường phân tích, trong quý I/2024, CPI là 3,77% và CPI tháng 4 lại cao hơn tháng 3.
Thông thường, quý I, CPI có xu hướng tăng do vào dịp Tết Nguyên đán, nhưng đến tháng 3, tháng 4 bắt đầu giảm xuống. Còn năm nay, CPI tháng 4 lại cao hơn. Theo ông Cường, đây là một yếu tố cho thấy rằng, CPI có xu hướng tăng thực sự.
“Bốn tháng đầu năm, CPI là 3,93%, gần đạt đến mốc 4% mà chỉ tiêu Quốc hội quyết định là 4 - 4,5%, áp lực rất rõ ràng”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Hơn nữa, theo vị đại biểu này, nhìn ra thế giới, giá dầu không hy vọng giảm, dẫn đến giá dầu đầu vào trong nước sẽ tiếp tục cao. Giá điện trong nước cũng không thể không tăng, bởi Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thì giá đầu vào rất cao. Đó là những yếu tố thúc đẩy tăng giá trong năm 2024, là việc rất hiện hữu.
Lạm phát sẽ kéo theo một loạt hệ lụy khác của nền kinh tế. Điển hình, lãi suất gửi tiết kiệm của người dân vào ngân hàng thấp hơn CPI, nên người dân phải dùng tiền đó để làm việc khác, đầu tư vào lĩnh vực khác, như vàng hay bất động sản.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), kiểm soát lạm phát cần làm ngay để đảm bảo ổn định vĩ mô. Bởi VND mất giá so với USD ảnh hưởng rất lớn đến chính sách tiền tệ. Nữ đại biểu này lưu ý, trong kiểm soát lạm phát, cần tính đến yếu tố tăng lương vào tháng 7/2024. Trên thực tế, một số mặt hàng tăng giá trước cả mốc này.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) phân tích, tỷ giá bắt đầu tăng trở lại, lạm phát cao hơn so với bình quân các năm trước, là những cảnh báo về kinh tế vĩ mô, cần phải tăng cường kiểm soát.
Cùng đề cập vấn đề lạm phát, đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) nhấn mạnh, năm 2023 là năm thứ 9 liên tiếp, Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát dưới ngưỡng 4%. Nhưng năm 2024, áp lực lạm phát lại gia tăng do hàng loạt biến động khó lường của các yếu tố bên ngoài, như giá xăng dầu, giá lương thực, chất bán dẫn, chi phí vận tải..., cộng hưởng với các yếu tố do việc điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, thực hiện chính sách cải cách tiền lương.
Vị đại biểu Bắc Ninh đề nghị Chính phủ kiểm soát tốt và đảm bảo đầy đủ các nguồn cung với giá ổn định, nhất là đối với các nhóm tác động mạnh tới lạm phát như lương thực, thực phẩm, xăng dầu. Đồng thời, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất chủ động nguồn nguyên liệu, tăng tính độc lập, tự chủ về kinh tế.
“Thị trường vàng, thị trường ngoại hối, thị trường tài chính nói chung còn có những bất ổn, đặc biệt là có dấu hiệu lạm phát, vàng tăng giá một cách mất kiểm soát dẫn đến sự bất ổn định trong hệ thống kinh tế vĩ mô. Chính phủ cần tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ hơn để kiểm soát lạm phát”, đại biểu Vũ Đại Thắng (Đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh khi tổng kết lại các ý kiến thảo luận tại tổ 12.
Điều hành lãi suất cần linh hoạt
Đại biểu Quốc hội lo nhiều, còn theo đánh giá của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, trong 3 tháng đầu năm 2024, lạm phát, CPI chung của Việt Nam có xu hướng tăng, nhưng vẫn phù hợp với mục tiêu đã đề ra; lạm phát cơ bản chậm lại.
Thống đốc diễn giải, CPI tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng 2/2024. So với cùng kỳ năm 2023, CPI tháng 3/2024 tăng 3,97%, CPI bình quân 3 tháng đầu năm 2024 tăng 3,77%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 4 - 4,5%. Lạm phát cơ bản tháng 3/2024 chỉ tăng 0,03% so với tháng trước đó - mức tăng hàng tháng thấp nhất trong hơn 2 năm qua. So với cùng kỳ năm 2023, lạm phát cơ bản tháng 3/2024 chậm lại, về mức 2,76%, bình quân 3 tháng năm 2024 là 2,81%.
Tiếp tục giảm thuế, phí
- Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình)
Chính phủ đang đề xuất tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% đến hết năm 2024. Tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu và đề nghị Quốc hội nên quyết định giảm thuế VAT ở mức 5%, có nghĩa là tăng 3% so với giai đoạn hiện nay. Hiện vẫn có những dư địa và điều kiện để thực hiện việc giảm thuế.
Trong thời gian tới (có thể đến hết năm 2025), cũng cần xem xét giảm bớt thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu và các loại thuế, phí khác để góp phần làm cho mức giá bán lẻ các mặt hàng này hình thành một cách hợp lý và tăng mức chi tiêu của người dân.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, các tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.
Kết quả, mặt bằng lãi suất đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại đã giảm mạnh trong năm 2023 và tiếp tục có xu hướng giảm trong những tháng đầu năm 2024. Lãi suất tiền gửi bình quân và lãi suất cho vay bình quân năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022. Đến ngày 10/5/2024, lãi suất tiền gửi bình quân giảm 0,36%/năm và lãi suất cho vay giảm 1,04%/năm so với cuối năm 2023.
Điều tiết tiền tệ nhằm góp phần hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và góp phần hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế, là yêu cầu của Quốc hội với Ngân hàng Nhà nước.
Để kiểm soát lạm phát, một số vị đại biểu cho rằng, chính sách tiền tệ cần linh hoạt. Lãi suất cho vay xác định ở một mức hợp lý và lãi suất huy động phải trên mức dự báo về lạm phát, cụ thể là 5 - 6%/năm. Lãi suất cho vay không nên đẩy lên cao đến trên 10%/năm như trước đây, nhưng nếu ổn định khoảng 7 - 8%/năm, thì các doanh nghiệp có khả năng hấp thụ vẫn sẵn sàng chấp nhận, như thế sẽ đảm bảo cân bằng được giữa điều hành lãi suất và lạm phát.
“Điều hành của ngân hàng lúc này phải cẩn trọng, chứ không nhất thiết phải cố mọi sức ép đẩy lãi suất giảm xuống”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Tại báo cáo mới gửi tới Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới sẽ điều hành tín dụng hài hòa với diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể hơn, Thống đốc nêu, điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư) theo chủ trương của Chính phủ, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước cũng rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh và nhu cầu phục vụ đời sống, tiêu dùng, bảo đảm hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
“Chấm dứt tình trạng cấp tín dụng tập trung vào một số doanh nghiệp, nhóm khách hàng lớn (đặc biệt là các khách hàng có liên quan đến lợi ích của chủ sở hữu ngân hàng)”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu định hướng.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ap-luc-lam-phat-gia-tang-can-kiem-soat-som-d216058.html