Áp lực lên tỷ giá trước khả năng Fed có hai lần giảm lãi suất
Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách mảng giao dịch ngoại hối và phái sinh (Ngân hàng Shinhan Việt Nam) cho rằng, khả năng cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất 2 lần trong thời gian còn lại của năm 2024. Điều này sẽ làm giảm áp lực lên tỷ giá.
Có thông tin dự báo, Fed sẽ giảm lãi suất sớm nhất vào tháng 9/2024. Trong khi đó, nguồn cầu USD trong nước vẫn cao do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa và dự trữ ngoại hối không còn dồi dào. Áp lực tỷ giá và lãi suất liệu có tạo rủi ro cho kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 không, thưa ông?
Tỷ giá VND/USD trên thị trường hiện nay liên tục áp sát tỷ giá trần trong vòng 3 tháng gần đây. Vào năm tới, khi nhìn lại, chúng ta sẽ nhận ra, đây là thời điểm mà rủi ro tỷ giá và lãi suất ảnh hưởng lớn nhất đến kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi không nghĩ, nền kinh tế Việt Nam suy yếu vì những yếu tố này. Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi nhờ mở rộng xuất nhập khẩu, công nghệ thông tin cũng như các ngành công nghiệp truyền thống và du lịch. Vì thế, nếu Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân vượt qua được thời điểm khó khăn này và đưa ra được những đường hướng giải quyết, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ dần cải thiện và phát triển vượt bậc khi nhu cầu toàn cầu cũng như nội địa gia tăng.
Theo ông, lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed trong những tháng cuối năm nay liệu có khả thi?
Khả năng cao, Fed sẽ giảm lãi suất 2 lần trong thời gian còn lại của năm 2024, với lần đầu vào tháng 9 và lần hai vào tháng 12.
Fed đang gặp khó khi phải cân bằng giữa việc cắt giảm lãi suất sớm và hạn chế nguy cơ lạm phát bùng trở lại. Theo số liệu thị trường đến hết quý II/2024, tỷ lệ lạm phát đã có xu hướng hạ nhiệt sau khi bất ngờ leo thang hồi đầu năm, với lạm phát theo chi tiêu tiêu dùng cá nhân giảm từ 3,7% trong quý I/2024 xuống 2,9% ở quý II/2024. GDP cũng ghi nhận mức tăng trưởng nhanh hơn dự báo, với quý II tăng 2,8%. Các số liệu này càng củng cố niềm tin về một kịch bản hạ cánh mềm, vừa đưa được lạm phát về mức mục tiêu 2%, đồng thời đảm bảo không dẫn đến suy thoái.
Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của chính sách giữ lãi suất tiết kiệm USD ở mức 0% của ngân hàng Việt Nam trong gần 10 năm qua. Trong bối cảnh lãi suất USD trên thế giới đang ở mức rất cao, việc giữ lãi suất USD ở mức 0% có còn phù hợp?
Chính sách lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng USD duy trì 0% có tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô. Nhờ áp dụng chính sách này, tỷ lệ “đô la hóa” đã giảm mạnh. Tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán giảm từ mức 11,06% năm 2014, xuống còn khoảng 6,05% tính đến tháng 6/2024; đồng thời tín dụng ngoại tệ trên tổng tín dụng có xu hướng giảm, thể hiện qua hệ số tín dụng/huy động ngoại tệ dưới 100% và giảm đều qua các năm, từ mức 77,43% năm 2016 xuống mức 52,65% vào tháng 6/2024.
Ngoài ra, việc áp dụng chính sách lãi suất này cũng góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối và tác động đến luồng kiều hối cũng như dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nền kinh tế dịch chuyển dần từ quan hệ huy động - cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua - bán, từ đó nâng cao vị thế của VND.
Vì vậy, việc Việt Nam kiên định duy trì mức lãi suất 0% đối với tiền gửi bằng USD đã trở thành giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho mục tiêu ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và tăng giá trị VND. Lãi suất USD trên thế giới đang ở mức cao, song trong trung và dài hạn, lãi suất USD liên ngân hàng trên thị trường Mỹ được dự báo ở mức 2,25 - 2,3%, nên Việt Nam có thể duy trì lãi suất tiền gửi 0% với USD trong trung hạn. Mặt khác, đích đến của chính sách lãi suất là đảm bảo để người dân nắm giữ VND có lợi hơn cầm USD.
Để đảm bảo nguyên tắc này, lãi suất tiền gửi VND phải cao hơn nhiều so với lãi suất USD. Còn nếu tăng trần lãi suất tiền gửi USD để huy động nguồn tiền trong dân, thì có thể sẽ tạo tâm lý găm giữ, đầu cơ ngoại tệ, từ đó tác động bất lợi lên tỷ giá và mặt bằng lãi suất VND.
Trước xu hướng tỷ giá còn chịu áp lực, doanh nghiệp cần giải pháp nào để hạn chế rủi ro biến động tỷ giá, thưa ông?
Một trong những biện pháp giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu, hạn chế rủi ro từ xu hướng tỷ giá ngày càng gia tăng là sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tài chính, như hợp đồng kỳ hạn hay hợp đồng hoán đổi. Đây là những công cụ giúp doanh nghiệp có thể cố định tỷ giá cho các giao dịch trong tương lai, bảo vệ doanh nghiệp trước những biến động tỷ giá và giảm thiểu rủi ro tài chính.