Áp lực nâng cao vị thế xã hội, giới trẻ Hàn Quốc chật vật tìm cách mua nhà
Nhiều người trẻ Hàn Quốc tâm sự, họ chật vật tìm cách mua nhà do giá nhà đất đang vượt quá mức lương ở thời điểm hiện tại.
Sở hữu nhà riêng hóa ước mơ xa xỉ
Jenny Lee có một ước mơ rất đơn giản, cô muốn sở hữu một căn hộ tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Tính đến khoảng tháng 8/2020, cô gái 27 tuổi này đã chịu cảnh thất nghiệp 1 năm, chỉ mới tìm được công việc mới tại bệnh viện và đang sống ở một căn phòng cho thuê gần thủ đô.
Jenny tâm sự: "Ở Hàn Quốc, những người ở độ tuổi 20 như chúng tôi chỉ có 2 cách để làm giàu: Thắng xổ số hoặc là chơi chứng khoán. Chúng tôi biết chúng tôi sẽ không bao giờ trở nên giàu có dựa vào tiền lương kiếm được. Chúng tôi sẽ chẳng thể mua nổi một căn nhà dựa vào tiền dành dụm". Thật khó để mua một căn nhà ở Seoul khi mà giá 1 căn trung bình cũng có thể rơi vào khoảng 1 triệu USD (tức 23,1 tỷ đồng).
Không chỉ vậy, Jenny cũng không tốt nghiệp ở trường đại học loại giỏi, thứ được coi là chìa khóa vàng để thăng tiến ở Hàn Quốc. Chật vật với cuộc sống và theo đuổi ước mơ, Jenny đã quyết định đầu tư vào thị trường chứng khoán. Hiện cô đang đặt cược tiền bạc vào cổ phiếu của một công ty công nghệ tại Mỹ.
Jenny Lee không phải là người duy nhất, cô là một trong hàng triệu nhà đầu tư trẻ tuổi ở Hàn Quốc. Theo công ty môi giới Đầu tư và chứng khoán Hàn Quốc, hầu hết những người đầu tư đều trong độ tuổi 20-30 và mang một món nợ trên người. Họ mong chờ giá cổ phiếu tăng, là cơ may giúp họ thoát khỏi nền kinh tế Hàn Quốc với cơ hội tìm việc làm vô cùng khó khăn.
Không thể mua nhà với mức lương hiện tại
Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi từ 18-29 tại Hàn Quốc là 10,1% trong quý II/2020. Khoảng hơn 341.000 người Hàn Quốc trong độ tuổi 20-30 đang chịu cảnh thất nghiệp. Jenny Lee đang học thêm để có thể tham gia cuộc thi công chức với mức lương trung bình 1.500 USD/tháng (khoảng 34,7 triệu đồng), tỉ lệ chọi là 1-40. Trong khi đó, nếu có một tấm bằng ĐH tốt thì có thể xin việc vào những tập đoàn lớn như Samsung, mức lương khởi điểm lên tới 34.000 USD (khoảng 788 triệu đồng/năm).
Ngay cả người trẻ có vốn sẵn cũng không có cơ hội chen chân vào đầu tư bất động sản. Giá cả bất động sản đang ngày trở nên đắt đỏ so với tầng lớp trung lưu, lãi suất gửi tiền tiết kiệm thấp và hiếm khi có dấu hiệu tăng, làm hao mòn giá trị các khoản tiền tiết kiệm.
Giáo sư kinh tế ĐH Suwon, ông Lee Han Koo nhận định: "Thế hệ người trẻ Hàn Quốc đang trở nên tuyệt vọng khi phải đối mặt với thị trường việc làm đóng băng... Giá trị bất động sản tăng cao đang làm nỗi tuyệt vọng chạm đáy hơn bao giờ hết." Thực tế không chỉ những người thất nghiệp mới lo lắng, những nhân viên công sở cũng đau đầu trước mong muốn mua nhà. Một khảo sát vào năm 2015 cho thấy 50% giới trẻ Hàn Quốc không có niềm tin họ sẽ làm tốt hơn thời đại của phụ huynh.
Giá trung bình một căn hộ tại thủ đô Seoul là 918,1 triệu won (khoảng 18,1 tỷ đồng), trong khi đó thu nhập bình quân đầu người là khoảng 36,2 triệu won (khoảng 743 triệu đồng/năm). Trước đó Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đưa ra các chính sách để hạ nhiệt đầu cơ như giới hạn mức cho vay với những căn nhà dưới 900 triệu won (17,7 tỷ đồng) là 40%.
Tuy nhiên, giá nhà ở tại xứ cờ hoa liên tục tăng từ năm 2014 và việc sở hữu căn nhà riêng đã trở thành một ước mơ xa xỉ. Một nhân viên công ty tái chế, Park Sung Woo cho hay: "Việc tự mua nhà gần như là không thể nếu như không có sự giúp đỡ từ bố mẹ. Vậy nên tôi hy vọng khoản đầu tư chứng khoán sẽ giúp tôi mua nhà".
Hiện tại, người Hàn đang xem giao dịch chứng khoán là cơ hội nhanh nhất để kiếm tiền và thực hiện giấc mơ mua nhà. Sinh viên kinh tế Jang Ho Yoon (26 tuổi) cho biết cả 5 người trong nhà anh đều đang chơi chứng khoán. Yoon bắt đầu chơi chứng khoán vào năm 2017 và chứng kiến sự giàu lên của một số người bạn. "Một vài người bạn của bạn ban đầu không có gì cả nhưng đột nhiên họ lại có tiền để mua xe. Khi ấy, bạn sẽ cảm thấy rất ghen tị", Yoon tâm sự.
Giáo sư kinh tế Đại học Quốc gia Seoul Dong Hyun Ahn nhận định, trước kia đã từng có nhiều lựa chọn để người Hàn nâng cao vị thế xã hội của mình. Thế nhưng giờ đây nếu bạn không tốt nghiệp từ một trường đại học loại giỏi và có một tấm bằng tốt thì rất khó xin việc, và phải là công việc ở một tập đoàn lớn thì mới đủ kinh tế để mua nhà.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/gioi-tre-han-quoc-chat-vat-tim-cach-mua-nha-22473.html