Áp lực nghề điều dưỡng
Với tinh thần tận tụy, đội ngũ điều dưỡng viên đã góp phần giúp bệnh nhân nhanh phục hồi sức khỏe. Thế nhưng, trước áp lực công việc và vấn nạn bạo hành y-bác sĩ, họ không khỏi lo lắng, tâm tư với nghề mình đã chọn.
Nghề “làm dâu trăm họ”
Đến nay, chị Lê Thị Hồng Hoa đã có 26 năm gắn bó với nghề điều dưỡng tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Công tác tại khoa chuyên thu dung, điều trị cho những bệnh nhân nặng, nguy kịch nên công việc chăm sóc bệnh nhân càng thêm vất vả, đòi hỏi người điều dưỡng phải giữ lòng yêu nghề thì mới có thể gắn bó lâu dài.
Bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt nên Khoa Hồi sức tích cực chống độc hạn chế người ra vào. Các điều dưỡng viên hầu như phải chăm sóc toàn diện từ việc cho ăn, làm thuốc, hút đờm đến cả vệ sinh cho người bệnh. “Vào ca trực, các y-bác sĩ lẫn điều dưỡng viên hầu như thức suốt đêm theo dõi từng động tĩnh của bệnh nhân. Khó khăn, áp lực nên một số điều dưỡng viên đã xin chuyển sang khoa khác. Tôi thì không sợ vất vả mà chỉ sợ mình không đủ sức khỏe để chăm sóc, giúp đỡ người bệnh”-chị Hoa trải lòng.

Điều dưỡng viên Lê Thị Hồng Hoa (Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chăm sóc cho bệnh nhân. Ảnh: N.N
Đến nay, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hồng (Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã gắn bó với nghề được hơn 15 năm. Chị chia sẻ: Nghề điều dưỡng được ví như “làm dâu trăm họ” và rất cần sự sẻ chia của người bệnh và gia đình, cộng đồng. Thời gian gần đây, bệnh nhân đông nên công việc càng thêm vất vả. Không chỉ tiêm thuốc, thay băng, chăm sóc vết thương, các điều dưỡng viên còn làm nhiều công việc liên quan khác như đăng ký xét nghiệm máu, xét nghiệm lâm sàng cho bệnh nhân.
“Vào viện mà không có thẻ bảo hiểm y tế thì bệnh nhân phải chi trả rất nhiều. Bệnh nhân khó khăn thì lấy tiền đâu mà thanh toán viện phí khám-chữa bệnh. Những hoàn cảnh như vậy, chúng tôi rất thương, song cũng chỉ giúp đỡ được phần nào. Trường hợp quá khó khăn, chúng tôi kêu gọi Tổ công tác xã hội của Bệnh viện hỗ trợ”-chị Hồng cho biết.
Áp lực thường trực
Ngày thường vốn đã vất vả, vào mùa dịch bệnh, lượng bệnh nhân tăng cao, điều dưỡng viên càng thêm áp lực. Từ tháng 10-2024 đến nay, bệnh sởi diễn biến phức tạp. Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi tỉnh) luôn trong tình trạng quá tải khi số lượng bệnh nhi thường xuyên tăng. Vào ngày cao điểm, Khoa tiếp nhận và điều trị cho gần 140 bệnh nhi, trong khi biên chế giường bệnh chỉ có 40. Dù tăng cường kê thêm giường bệnh nhưng không ít bệnh nhi phải nằm ghép chung để điều trị.
Trước tình hình đó, nhân lực cũng được Bệnh viện tăng cường nhưng công việc quá tải vẫn thường xuyên. Bác sĩ, điều dưỡng viên luôn nỗ lực vượt qua, cố gắng chăm sóc và cứu chữa cho người bệnh.
Điều dưỡng viên Võ Thị Sen (Khoa Bệnh nhiệt đới) cho hay: “Một ca trực thường kéo dài 24 giờ, nhưng vào thời gian cao điểm bệnh sởi, số bệnh nhi tăng cao nên tôi phải nỗ lực gấp đôi để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi bắt đầu ca trực vào lúc 7 giờ sáng hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau mới giao ca. Về nhà lại còn lo cho gia đình. Lắm lúc kiệt sức, mệt mỏi nhưng bản thân tôi luôn tự động viên mình cố gắng”.

Điều dưỡng Võ Thị Sen Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Gia Lai) nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao. Ảnh: Như Nguyện
Theo các điều dưỡng viên, nỗi lo lớn nhất của các y-bác sĩ là nạn bạo hành gia tăng. Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hồng cho rằng: “Trước tính mạng người bệnh hiểm nguy, người nhà bệnh nhân lo lắng, mất bình tĩnh đối với y-bác sĩ là điều khó tránh. Nhưng khi nỗi lo ấy biến thành sự bạo hành bằng vũ lực thì thật đáng lo ngại. Gần đây, nạn bạo hành y-bác sĩ có chiều hướng gia tăng nên chúng tôi cũng không tránh khỏi tâm tư xao động”.
Bác sĩ Đinh Thị Thu Hường-Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khẳng định: Các điều dưỡng viên có vai trò cực kỳ quan trọng. Họ không chỉ hỗ trợ bác sĩ trong quá trình điều trị mà còn tích cực chăm sóc bệnh nhân, giúp họ sớm hồi phục. Với đặc thù là khoa chuyên thu dung điều trị cho bệnh nhân nặng, nguy kịch nên công việc của các điều dưỡng viên rất vất vả. Chưa kể, vì thường xuyên đi lại cấp cứu, chăm sóc người bệnh nên nhiều điều dưỡng viên còn mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Có thể nói, họ phải thật tâm huyết thì mới gắn bó với nghề đã chọn.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ap-luc-nghe-dieu-duong-post322850.html