Áp lực nhưng sẽ hoàn thành nhiệm vụ

Những ngày này, các trường tiểu học trong toàn tỉnh luôn trong không khí hối hả, nhộn nhịp để chuẩn bị năm học mới. Các cuộc họp hội đồng, sinh hoạt chuyên môn đầu năm học được tiến hành. Sau cuộc họp, bao giờ giáo viên dạy khối 1 cũng là những người về sau cùng. Họ nán lại để bàn luận sâu hơn, thống nhất về hình thức, nội dung của những tiết dạy đầu tiên.

Sau một thời gian dài chuẩn bị, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới cũng chính thức đi vào thực tế. Dù ngành Giáo dục đã có nhiều thời gian chuẩn bị, đội ngũ giáo viên đã trong tâm thế sẵn sàng nhưng việc thực hiện chương trình GDPT mới chắc chắn vẫn còn hạn chế. Những hạn chế đó sẽ dần được bộc lộ trong quá trình dạy và học trong thực tế. Từ đó, đội ngũ giáo viên, các tác giả biên soạn sách, các chuyên gia giáo dục sẽ cùng nhau tháo gỡ để có những điều chỉnh, sửa đổi cho hợp lý.

Bắt đầu năm học mới, chương trình mới, không chỉ học sinh mà ngay cả các giáo viên trực tiếp giảng dạy và phụ huynh chắc chắn cũng có nhiều bỡ ngỡ. Kiến thức không mới nhưng nội dung, hình thức trong sách giáo khoa đã được thiết kế hoàn toàn khác so với chương trình cũ. Các nội dung bài học được thiết kế gần gũi, liên hệ nhiều hơn với thực tiễn cuộc sống. Điều này đòi hỏi giáo viên phải có sự thay đổi về phương pháp dạy học, không ngừng tự học và liên tục cập nhật thực tiễn cuộc sống.

Sẽ vất vả, khó khăn, đó là những gì mà hầu hết giáo viên dạy chương trình mới mường tượng về năm học này. Ngoài nghiên cứu bài học, soạn bài giảng mới, làm quen với cách kiểm tra, đánh giá học sinh, 9 tháng tới đây, đội ngũ giáo viên tiểu học sẽ phải “quay cuồng” nhiều hơn với các cuộc họp chuyên môn, các chuyên đề, tiết dạy mẫu, dự giờ…

Song song đó, các trường tiểu học còn phải tiếp tục công việc nghiên cứu, đề xuất lựa chọn sách giáo khoa lớp 2. Ngay từ đầu năm học, danh sách giáo viên dạy lớp 2 cho năm học tiếp theo (2021-2022) cũng phải được chuẩn bị sẵn sàng để tham gia tập huấn chương trình, sách giáo khoa lớp 2 mới. Ngoài ra, toàn bộ giáo viên còn phải tiếp tục tham gia tập huấn theo lộ trình 8 module mà Bộ GD-ĐT đã đề ra.

Chỉ một số liệt kê như vậy cũng đủ cho thấy áp lực mà đội ngũ giáo viên dạy tiểu học sẽ gặp phải trong năm học 2020-2021 này. Mặc dù vậy, với lòng yêu nghề và tâm huyết dành cho học trò, đội ngũ giáo viên tiểu học chắc chắn sẽ vượt qua được những khó khăn, thử thách đó để hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Hải An

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202008/ap-luc-nhung-se-hoan-thanh-nhiem-vu-3019616/